Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhảy sạp, ngắm tranh và thưởng thức văn hóa Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Tranh sơn mài và trò chơi phiêu lưu trong văn hóa Việt là hai món quà văn hóa nhỏ mang ra thế giới trong Ngày Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc sắc và bài bản

Chỉ một cú nhấp chuột, rừng hoa ban bỗng hiện ra trên trang của trò chơi điện tử về văn hóa VN mang tên Lạc Việt phiêu lưu ký tại địa chỉ https://www.lacbird.com/pcweb. Rồi những cành hoa lùi lại, để khách du lịch (cũng là người chơi game) tiến vào một không gian múa sạp. Nhạc nổi lên và người chơi game nhảy cùng nhịp gõ của tre nứa, nhảy thế nào để không bị kẹp chân và di chuyển hết được dàn sạp. Đó là trò chơi gắn với dân tộc Mường, được chọn đại diện cho văn hóa vùng Tây Bắc trong game này.

Có 4 trải nghiệm như vậy trong trò chơi Lạc Việt phiêu lưu ký. Những khám phá khác là tìm hiểu phố cổ Hà Nội, cùng lên thuyền đua ở Quảng Bình và cưỡi voi ở Tây nguyên. Âm nhạc, hình ảnh được lựa chọn cũng mang tính tiêu biểu cho các nét văn hóa này. Chẳng hạn, hình ảnh hồ Gươm từ trên cao là hình ảnh mở màn cho phần khám phá phố cổ. Trải nghiệm cưỡi voi ở Tây nguyên được bắt đầu trong âm nhạc của cồng chiêng.

Nhảy sạp, ngắm tranh và thưởng thức văn hóa Việt - ảnh 1

Bảo vật quốc gia Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí

Lạc Việt phiêu lưu ký được giới thiệu dịp này, trong nội dung quảng bá văn hóa Việt của hoạt động Ngày VN ở nước ngoài. Bên cạnh các ngày văn hóa tổ chức tại các nước còn có các hoạt động quảng bá online, trong đó có trò chơi này. Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Trần Quốc Khánh cho biết đây chính là cách Ngày VN ở nước ngoài trở lại sau dịch với sự đặc sắc cũng như bài bản.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, lại tự hào giới thiệu triển lãm trực tuyến Tranh sơn mài VN tại địa chỉ https://tranhsonmai.baotangso.com với phiên bản tiếng Đức, tiếng Hàn. “Chúng tôi giới thiệu tại trang này các tác phẩm sơn mài tiêu biểu VN qua nhiều thời kỳ, lịch sử phát triển cũng như các kỹ thuật chế tác tranh sơn mài VN. Trước đây, trang chỉ có bản tiếng Việt, tiếng Anh và giờ được bổ sung thêm tiếng Đức, tiếng Hàn Quốc”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, việc lựa chọn tác phẩm dựa trên tiêu chí quan trọng nhất là đất nước, con người và văn hóa VN. Chính vì thế, có thể gặp ở đây phần lớn là tranh phong cảnh. Công chúng được chiêm ngưỡng hình ảnh của bảo vật quốc gia, bức tranh Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí. Tác phẩm có mặt trước là tranh Thiếu nữ trong vườn với những thiếu nữ đằm thắm trong tà áo dài. Mặt sau là bức Dọc mùng với vẻ khỏe khoắn mạnh mẽ của khu vườn với loài cây này. Tác phẩm được các nhà phê bình đánh giá là cao sang và trang nhã, thể hiện khả năng tạo hình lẫn kỹ thuật dùng sơn mài của danh họa.

Nhảy sạp, ngắm tranh và thưởng thức văn hóa Việt - ảnh 2
Nhảy sạp, ngắm tranh và thưởng thức văn hóa Việt - ảnh 3

Lạc Việt phiêu lưu ký giới thiệu về văn hóa Tây Bắc, văn hóa phố cổ Hà Nội. Ảnh: Chụp Màn Hình

Diện mạo tươi trẻ của văn hóa Việt

Ngày VN ở nước ngoài không phải hoạt động đối ngoại văn hóa duy nhất của VN. Chúng ta đã 7 lần tham gia triển lãm thế giới Expo. Lần mới nhất, VN tham gia Expo tại Dubai và có cả Ngày quốc gia VN tại đó. Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), cho biết Bộ sẽ tiếp tục quảng bá văn hóa và bản sắc dân tộc thông qua các phương thức cải tiến như ngôn ngữ hiện đại, giàu tương tác, ứng dụng công nghệ.

Tại Expo Dubai, Nhà Triển lãm VN cũng giới thiệu thành tựu đất nước trong nhiều lĩnh vực. Một phóng sự của kênh CNN đã giới thiệu về các phát kiến tại Expo, trong đó có 2 sáng tạo của VN hướng tới giá trị bền vững là giày thể thao làm từ bã cà phê và mô hình tuần hoàn trong sản xuất cà phê. Xu hướng xanh này cho thấy một diện mạo tươi trẻ của văn hóa Việt.

Ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, đánh giá về các chương trình giới thiệu văn hóa Việt ra nước ngoài: “Vị thế của VN đang đi lên, nên mức độ đón nhận và xu hướng tìm hiểu văn hóa Việt của người nước ngoài, đón nhận các chương trình giới thiệu văn hóa Việt ở nước ngoài tăng lên. Tại Expo với 200 nhà triển lãm, nhiều khách nói khi đến Expo thì Nhà Triển lãm VN là nơi tôi xác định phải đến. Điều này nếu 5 – 10 năm trước không rõ thế. Họ có thể tiện rẽ qua chứ không phải nhất định tìm đến bằng được”.

Cũng theo ông Hoàng, chúng ta càng ngày càng có nhiều câu chuyện để mang ra quảng bá ở nước ngoài. Chẳng hạn, đơn vị của ông đã mang phim của Ngô Thanh Vân, Trấn Thành ra nước ngoài chiếu giới thiệu. Những bộ phim này đều có doanh thu kỷ lục, kỷ lục đó đủ hấp dẫn để bạn bè thấy sự phát triển của điện ảnh chứ không phải “với mình là kỷ lục với bạn có là gì đâu”. Cũng còn có những sản phẩm khác như xe đạp tre, giày từ bã cà phê… “Đó đều là những thành tựu mới mà 5 năm trước đây ta hoàn toàn không có”, ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất hào hứng và có ý thức trong việc quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài. Mới đây, video về an toàn bay của Vietnam Airlines cũng giới thiệu văn hóa các dân tộc thiểu số. Ông Hoàng còn cho biết nhiều người trẻ cũng chủ động tham gia vào quảng bá văn hóa Việt. “Việc quảng bá văn hóa càng ngày càng được thường xuyên hơn. Lâu dần, chúng ta sẽ giới thiệu được văn hóa mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ chờ đến những ngày văn hóa hay tuần lễ văn hóa nữa”, ông Hoàng cho biết.

Theo Trinh Nguyễn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)