Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhảy việc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phạm Bắc Cường trong một lần làm hướng dẫn viên cho du khách tham quan di tích lịch sử ở Nam Định – Ảnh: nhân vật cung cấp

Lương cao, có chức vụ, công việc ổn định… chưa phải là tất cả để giữ chân được các bạn trẻ ưa hoạt động và ham thích khám phá. Tình trạng nhảy việc vẫn đang diễn ra tại nhiều công ty hiện nay.

Lương cao chưa hẳn giữ được nhân viên

Lương tháng hơn một ngàn USD với vai trò giám đốc marketing của một công ty sách, Bình vẫn quyết định từ bỏ sau 6 tháng làm việc. Anh lý giải nguyên nhân từ giã do không học được thêm kinh nghiệm mới và công việc quá dễ dàng gây nhàm chán. Hiện giờ anh đã đầu quân vào một công ty khác với mức lương tương đương nhưng công việc nhiều gấp ba lần, bận tíu tít suốt từ sáng tới đêm. Song anh tỏ ra khá hài lòng với môi trường làm việc mới đầy thử thách.

Bình chỉ là một trong số nhiều bạn trẻ luôn thích khám phá và khẳng định mình. Công việc nhàm chán, không có tính thử thách và sáng tạo; không thể hiện được bản thân; môi trường làm việc quá khô cứng; lãnh đạo công ty và nhân viên không thực sự hiểu nhau… là những lý do thường gặp ở các bạn trẻ nhảy việc.

Bộ phận nhân sự ở các công ty ra sức lấp dòng chảy chất xám ngày càng mạnh của công ty mình bằng những hứa hẹn tăng lương và các điều khoản ưu đãi như: bán cổ phiếu công ty, mua sản phẩm với giá nội bộ… thế nhưng, họ chưa hiểu rằng với giới trẻ, mức lương cao chưa hẳn là điều kiện quyết định. Một bạn trẻ – từng làm phó giám đốc sản xuất cho một công ty lớn gần 900 con người đã quyết định nghỉ làm sau 3 năm –  nói: Một khi công việc đã trở nên nhàm chán, cũ kỹ, đơn điệu, không đem lại thêm một trong những yếu tố như địa vị, tiền bạc, kinh nghiệm và niềm vui, người ta sẽ bỏ đi để thử sức những công việc mới hấp dẫn hơn.

Với khá nhiều bạn trẻ, nhảy việc đơn thuần là những trải nghiệm sống. Có những bạn đã trải qua rất nhiều nghề không hề liên quan tới nhau, chỉ vì muốn khám phá khả năng và sức chịu đựng của chính mình, muốn tích lũy kinh nghiệm sống và làm việc. Số bạn trẻ nhảy việc vì nguyên nhân này cũng nhiều không kém so với những người vì hoàn cảnh sống.

Thử sức

Phạm Bắc Cường từng là phóng viên "cứng" của tạp chí Thế giới điện ảnh tại Hà Nội, song với tính cách thích khám phá, ưa thử thách và khát khao thành công về kinh tế, anh đã trải qua rất nhiều nghề như phóng viên, biên tập viên, nhân viên PR, hướng dẫn viên và điều hành du lịch, quản lý kinh doanh và tổ chức sự kiện; trợ lý quản lý nhà hàng, trợ lý đạo diễn, nhân viên phục vụ bàn, bartender, MC… khi tuổi đời chưa đầy 30. Cường cho biết trong thời gian làm báo, anh lại phát hiện thấy nghề PR "mới lạ hay hay", nên chủ động liên lạc với một công ty tổ chức sự kiện, xin thử sức. Cũng vì sở thích được đi nhiều nơi, chia sẻ những hiểu biết của mình với mọi người, và hy vọng cải thiện kinh tế cho bản thân, anh đã góp tiền với bạn bè mở một công ty du lịch nho nhỏ, kiêm cả hai việc hướng dẫn viên và điều hành du lịch. Sau quyết định vào Nam, anh lại thử sức với những công việc hoàn toàn mới mẻ như: trợ lý quản lý nhà hàng, trợ lý đạo diễn và một số việc kinh doanh khác. Để có kiến thức trong lĩnh vực mới, anh từng làm nhân viên phục vụ bàn ở khách sạn Rex, học pha chế rượu, đồ uống, làm bartender… Hiện vẫn theo kiểu làm việc tự do, Cường tiết lộ mục tiêu thử sức mới là trở thành một MC chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực talkshow. Tuy nhiên, anh cho biết sẽ không dừng ở đó vì mơ ước lâu dài là trở thành một nhà kinh doanh.

Luôn không bằng lòng với mình, khát khao thử sức trong nhiều lĩnh vực mới, đam mê và dốc hết tâm sức vào từng công việc trong từng giai đoạn cụ thể cũng là những trải nghiệm thú vị mang lại nhiều kinh nghiệm sống phong phú cho giới trẻ hiện đại.

Nguyễn Lệ Chi (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)