Tòa soạnThư đi – tin lại

Nhếch nhác “cửa ngõ” thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Dưới chân cầu vượt Sóng Thần bị xe container, rác, hàng rong bịt cả lối đi (ảnh chụp ngày 7-7)

Hệ thống cầu vượt dọc quốc lộ 1A như cầu vượt trạm II, Sóng Thần, Bình Phước được xây dựng nhằm giảm ùn tắc giao thông, đây còn là “cửa ngõ” vào thành phố từ các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng, gần đây những khu vực này bị biến thành “bãi chiến trường” rất nhếch nhác mất mỹ quan.
Dự án cầu vượt trạm II được xây dựng quy mô hiện đại không chỉ nhằm phân luồng giao thông tránh tình trạng kẹt xe ngay giữa cửa ngõ thành phố. Mà nó còn là cửa ngõ của thành phố, là tuyến giao thông huyết mạch nối với các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc nên cầu được xây dựng hiện đại, các tuyến đường rộng thoáng sạch. Đứng trên cầu có thể ngắm nhìn cả khu vực thành phố hiện đại văn minh. Thế nhưng, khi chúng tôi đi xuống tuyến đường dưới chân cầu lại là những hình ảnh rất phản cảm.
“Bãi chiến trường” ngay cửa ngõ
Trưa ngày 7-7, chúng tôi ghi nhận tình trạng dưới chân cầu rất bát nháo. Xen lẫn với hàng rong là các xe ôm đậu ngay dưới chân cầu để “đón khách” từ phía khu du lịch văn hóa Suối Tiên đi lên thành phố. Chưa hết, hai bên phía trong chân cầu còn bị người dân tận dụng “bóng mát” dưới cầu để bán nước giải khát, cà phê với trên 20 chiếc bàn ghế. Vỏ thuốc, tàn thuốc lá của khách uống nước, xe ôm vứt bừa bãi, bịch ni lông, giấy vụn của các gánh hàng rong vứt rải rác tạo thành bãi chiến trường nhếch nhác.
Chạy dọc theo quốc lộ 1A, chúng tôi dừng chân tại cầu vượt Linh Xuân, cầu vượt Sóng Thần (nối dài Thủ Đức qua Bình Dương), cầu vượt ngã tư Bình Phước, tình trạng nhếch nhác ở ba ngã tư này cũng không kém. Tại cầu vượt Sóng Thần, một bên là cánh xe ôm, một bên là các chị bán nước, bán đồ chơi trẻ em choán hết cả lối đi. Không chỉ có thế, cánh xe tải, xe container cũng đến đây làm “bãi đáp” gây khó khăn cho người đi đường, nguy cơ gây tai nạn. Còn ở phía dưới hông cầu thì hình thành những bãi rác chạy dài theo chân cầu được người dân mang ra đổ. Ông Nguyễn Văn Bảy ở đối diện với cầu (hướng qua Bình Dương) cho biết: “Tình trạng buôn bán, xe ôm tranh giành khách dưới chân cầu rất lộn xộn và đã xuất hiện từ lâu mà không mấy khi có người đến dẹp”.
Còn tại cầu vượt ngã tư Ga, ngoài những gánh hàng rong, quán nước giải khát, tình trạng bát nháo nhất là cánh xe ôm đến tranh giành khách. Xe chạy tuyến các tỉnh phía Bắc, miền Trung về Bến xe ngã tư Ga, xe dù chạy tuyến Đà lạt – thành phố, xe buýt tuyến Suối Tiên – ngã tư An Sương thường đậu trả khách gần cầu nên cảnh xe ôm chạy đến tranh giành khách gây ra tình cảnh lộn xộn bát nháo ngay dưới chân cầu là chuyện thường.
Cấm mặc cấm!
Tình trạng trên đã nhiều lần, các đoàn kiểm tra liên ngành đi khảo sát, dẹp các “bãi chiến trường” và xử phạt đối với những trường hợp lấn chiếm đường dưới chân cầu. Tuy nhiên, được một thời gian thì tình trạng lấn chiếm đâu lại vào đó, thậm chí còn nhiều hơn. Ngay tại cầu vượt Sóng Thần đều có bảng hiệu “Cấm tụ tập buôn bán” nhưng xem ra không có hiệu quả. Một chị bán hàng đồ chơi trẻ em ở dưới chân cầu vượt Sóng Thần khi được hỏi “bán ở đây không sợ bị phạt sao?”. Chị cho biết: “Lúc trước tôi bán ở cầu vượt Trạm II, giờ mới đến đây được tháng. Nhiều lúc cũng bị mấy anh trật tự nhắc nhở, mình dọn đi. Khi họ đi rồi thì mình dọn ra bán tiếp, có ai kiểm tra hoài được đâu”. Có lẽ chính vì có tư tưởng như trên nên những người lấn chiếm đường dưới chân cầu như bị “lờn thuốc”, khi có đoàn kiểm tra đến thì đi, không có lại bày hàng ra bán. Và tình trạng lấn chiếm dưới chân cầu vượt luôn xuất hiện và ngày càng có chiều hướng phát triển.
Để không xảy ra tình trạng lấn chiếm dưới chân cầu, Đội trật tự đô thị, Cảnh sát giao thông phải thường xuyên rà soát, kiểm tra nhắc nhở người dân. Xử phạt thật nặng đối với những trường hợp cố tình vi phạm lần 2, lần 3 để trả lại sự thông thoáng dưới chân cầu nhằm tránh tai nạn giao thông.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Một cán bộ trật tự xã hội ở khu vực cầu vượt Sóng Thần cho biết: “Ở những khu vực này, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, xử phạt không để xảy ra tình trạng lấn chiếm làm mất mỹ quan. Tuy nhiên, đối với các anh xe ôm và hàng rong cũng hơi khó vì cứ 2, 3 ngày là họ lại tới… trong khi lực lượng kiểm tra thường xuyên còn rất mỏng…”.
 

Bình luận (0)