Những ngày này, trên đoạn bờ biển dài gần 20 cây số kéo dài từ xã Vĩnh Thái đến thị trấn Cửa Tùng (thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) và tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) các loài cá sống ở tầng nước sâu bỗng dưng chết tấp vào bờ ước chừng lên đến hàng tấn, không rõ nguyên nhân.
Người dân lo rầu vì cá chết |
Ngư dân lẫn người tiêu dùng hoang mang
Tại Quảng Trị, chúng tôi có mặt tại bờ biển Vĩnh Thái từ sáng sớm, thay vì cảnh thuyền bè tấp nập vào bờ với những chiếc khoang đầy ắp cá, bà con ngư dân từ người lớn đến trẻ nhỏ đều có mặt trên bờ biển chỉ để… nhặt xác cá chết. Ước tính của bà con dọc bãi biển này, đã có khoảng 10 tấn cá, chủ yếu là các loại cá xuất khẩu, như cá hồng, mú, bớp, vược, hanh… đã được gom nhặt. Ông Hoàng Văn Toán, trú thị trấn Cửa Tùng, thở dài nói: “Từ sáng ngày 19-4, bà con ra biển đã thấy cá chết trắng tấp kín bờ biển. Sợ ô nhiễm, bà con cùng nhau tập trung vớt mà mãi không thể hết. Cứ lớp này tấp vào được gom nhặt thì lớp khác lại tấp vào… Trong khi đó, bà con ngư dân vẫn thấy nước biển trong xanh, nhưng không hiểu sao cá lại chết như thế này”.
Việc các loài cá này chết đặt ra nhiều nghi vấn nhiễm độc khiến người dân hoang mang. Điều đáng lo ngại là trong khi người tiêu dùng e ngại không dám mua cá vì sợ nhiễm độc thì một doanh nghiệp tư nhân ở thị trấn Cửa Tùng, đã thu mua hơn 2 tấn cá các loại, do bà con ngư dân vớt được ở bờ biển, để chế biến bột cá chăn nuôi gia súc.
Tạm dừng lấy nước vào ao nuôi Ông Du cũng cho biết, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cũng đã đề nghị các địa phương ven biển chỉ đạo người nuôi trồng thủy sản kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường nước, tạm dừng lấy nước vào ao nuôi cho đến khi không còn hiện tượng cá chết ven biển. Đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ô nhiễm môi trường biển làm cá chết hàng loạt để các địa phương chủ động phòng tránh.
Cá chết trắng bờ biển Quảng Trị |
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị khuyến cáo, người tiêu dùng không nên thu mua, chế biến thực phẩm từ cá chết này, khi chưa biết rõ nguyên nhân. Hiện chi cục đã báo cáo sự việc, cũng như đề xuất Sở NN&PTNT tỉnh kiến nghị với các ngành chức năng lấy mẫu cá chết và mẫu môi trường để xét nghiệm, tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt và đề xuất giải pháp phù hợp.
Còn tại Quảng Bình, hiện tượng cá chết hàng loạt, nổi lờ đờ rải rác trên mặt nước được người dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, phát hiện từ ngày 10-3. Những ngày sau đó, dọc bờ biển từ xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đến xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy xuất hiện cá chết hàng loạt, tấp vào bãi biển. Không chỉ cá trên biển, tại các nhà hàng nổi ở khu vực dọc sông Nhật Lệ, cá nuôi trong lồng của người dân cũng bị chết hàng loạt. Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình, số lượng cá bị chết khoảng 1 tấn. Ông Phạm Minh Công, chủ nhà hàng Biển Đông, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình than: “Hiện tại 4 tạ cá mú, cá hồng của tôi nuôi để chuẩn bị lễ 30-4 bán cho khách du lịch đã chết trắng hết rồi”.
Nguồn nước bị ô nhiễm
Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, qua kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá bước đầu kết luận hiện tượng cá chết hàng loạt không phải do tác nhân vi khuẩn, virus mà do nguồn nước bị ô nhiễm, kết luận này cũng phù hợp với kết luận của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I ở Hà Tĩnh. Cụ thể, hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình và một số lồng nuôi trên cửa sông Nhật Lệ là do yếu tố gây độc trong môi trường nước. Được biết, ở Hà Tĩnh hiện tượng cá chết bất thường ven biển và các lồng nuôi trên sông gần Khu công nghiệp Vũng Áng xảy ra từ ngày 6-4-2016 trước Quảng Bình 4 ngày, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã vào xem xét, lấy mẫu kiểm tra và kết luận là do yếu tố gây độc trong môi trường nước (môi trường nước bị ô nhiễm). Vì vậy, có thể dưới tác động của dòng hải lưu Bắc cực – xích đạo nên nguồn nước ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy vào dọc bờ biển phía Nam gây nên hiện tượng cá chết ven biển Quảng Bình từ Bắc vào Nam theo thời gian. Đến nay vẫn chưa tìm ra yếu tố cụ thể nào của môi trường nước làm cho cá chết bất thường.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên – Thiên Phúc
Bình luận (0)