Việc sử dụng máy xông không chỉ ở các phòng khám tai mũi họng mà ngày càng phổ biến tại các gia đình có con nhỏ hay có người bị viêm xoang cấp và mãn tính. Theo đó, tình trạng suy giảm thính lực vì dùng máy cũng gia tăng.
Càng xông, càng bệnh
Sau vài lần cho con tới xông họng tại một phòng khám tư, chị Hường (phố Lò Đúc, Hà Nội) không khỏi bức xúc vì cảnh chật chội và chờ đợi quá lâu để tới lượt con mình. Chữa bệnh cho con chưa đầy 1 tuần, chị đã tìm tới khu phố chuyên bán các thiết bị y tế “đầu tư” riêng một máy xông để không còn phải chịu đựng cảnh bồng bế con đến phòng khám chỉ để xông.
Tương tự, chị Thu Phương, ở phố Kim Mã, cho biết vì cháu nhỏ nhà chị hay bị viêm họng nên năm ngoái chị đã mua một máy xông họng của Ý, mỗi khi cháu húng hắng ho là bố mẹ cho xông thuốc ngay. Theo chị Phương, thường cháu đi khám 1 lần, sau đó chị mua thuốc sử dụng luôn cả 1 – 2 tuần. Chị Phương lý giải, uống kháng sinh nhiều thì lờn thuốc là điều khó tránh khỏi. Trẻ nhỏ lại dễ bị viêm họng, sổ mũi, viêm phế quản nên có một máy xông trong nhà là biện pháp an toàn và tiết kiệm hơn cả (?!)
Các bác sĩ cho biết, xông họng (khí dung) có tác dụng chữa trị hoặc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp hoặc mãn tính rất hiệu quả. Khi xông, hơi thuốc sẽ có tác dụng trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp, trong khi đó nếu dùng thuốc uống thì tác dụng chậm hơn. Tuy nhiên, hiệu quả phụ thuộc vào từng bệnh nhân.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Bệnh viện Hồng Hà (Hà Nội), thường người ta có thể dùng các thuốc giảm viêm corticoid, kháng sinh tại chỗ, nước muối sinh lý… để xông họng, mũi. Nhưng không phải ai cũng hiểu và sử dụng đúng thuốc, nhất là hiện nay loại máy xông được các gia đình mua ngày càng phổ biến. Theo PGS.TS Dinh, thực tế đã gặp khá nhiều trường hợp sử dụng đơn thuốc của người khác cho con mình hoặc sử dụng lại đơn thuốc kê gần nhất trong lần xông trước nhưng không hết bệnh. Vì thế, không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh càng nặng hơn mặc dù đã tích cực xông mũi, họng cả tuần lễ tại nhà.
Điếc tai vì xông thuốc
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho biết, một trong những nhóm thuốc kháng sinh được dùng khá phổ biến để xông mũi họng là gentamycine. Đây là loại thuốc có giá rẻ (khoảng 1.000 đồng/ống) nhưng lại khá hiệu quả trong việc điều trị viêm đường hô hấp nên được nhiều bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, gentamycine là loại thuốc có nguy cơ gây ngộ độc cả ốc tai và tiền đình. Theo thống kê, khoảng 2% bệnh nhân dùng thuốc gentamycine bị ngộ độc dẫn đến điếc tai.
Hiện nhiều nơi đang lạm dụng gentamycine trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em, do đó tỉ lệ gentamycine gây độc trở nên chiếm tỉ lệ cao. Mới đây, Bệnh viện Hồng Hà đã tiếp nhận một bệnh nhân từng được bác sĩ cho sử dụng thuốc kháng sinh gentamycine liên tục suốt 3 tuần liền, sau đó bệnh nhân thấy chóng mặt, buồn nôn, ù tai, không lâu sau đó bệnh nhân không nghe được gì nữa.
Theo PGS-TS Dinh, người bệnh có thể mua máy về nhà sử dụng, nhưng việc sử dụng thuốc và liều lượng dùng để xông họng, mũi phải có hướng dẫn của thầy thuốc.
Không được tự ý dùng thuốc xông, nhất là các thuốc corticoid hay kháng sinh. Nếu dùng không đúng, không những không hết bệnh mà bệnh còn trầm trọng hơn. Hơn nữa, việc lạm dụng corticoid hay kháng sinh sẽ kéo theo hàng loạt tác dụng phụ của thuốc như gây độc cho thận, suy gan… Nhất là đối với trẻ, do hệ thần kinh chưa ổn định, việc lạm dụng coricoid hay kháng sinh sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe và sự phát triển sau này.
Ngay cả các loại tinh dầu có tác dụng làm thông mũi giúp dễ thở cũng không được sử dụng bừa bãi vì nó có thể làm giảm khứu giác. Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng ù tai, chóng mặt, nghe kém sau khi dùng một hoặc vài loại thuốc nào đó cần dừng thuốc và đến cơ sở y tế chuyên khoa tai thần kinh để kiểm tra tai và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện muộn sẽ rất khó hồi phục thính lực.
Theo Ngọc Dung
Người lao động
Bình luận (0)