“Chữa tiệt căn bệnh vẩy nến”! Nhiều người nghe theo lời rỉ tai quảng cáo này mà chấp nhận uống thuốc có thạch tín (arsenic), hoặc chích thuốc corticoid để rồi bị nhiễm độc mãn tính, biến chứng khó lường.
BS Trần Thị Hoài Hương, phó khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TPHCM – cho biết như vậy tại Hội nghị khoa học da liễu khu vực phía Nam ngày 28/6. Hậu quả là có bệnh nhân bị nhiễm độc thạch tín mãn tính, da đỏ như tôm luộc, nổi sần sừng, khớp đau nhức…
Biết thạch tín vẫn uống
Bác sĩ Hoài Hương cho biết đầu tháng 3/2011, khoa lâm sàng 1 tiếp nhận điều trị bệnh nhân T.T.H. (39 tuổi, Q.Gò Vấp, TPHCM) vì bị nổi sẩn đỏ, tróc vảy và ngứa toàn thân. Bệnh nhân có tiền sử bệnh vảy nến 16 năm, đã điều trị ở rất nhiều bệnh viện tại TPHCM và Hà Nội. Qua thăm khám, xét nghiệm… các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm độc thạch tín mãn tính, đỏ da, toàn thân vảy nến.
Chị H. phải nằm viện gần hai tháng để điều trị. Nhờ đó tình trạng ngứa giảm hơn 90%, ngủ được, ăn uống tốt, da giảm các sẩn sừng, sẩn vảy, da mềm mại hơn, giảm hồng ban nhiều, mịn…
16 năm qua, ngoài chữa bệnh ở các bệnh viện chính thống, chị H. còn nhiều lần uống nhiều loại thuốc nam trong thời gian dài. Khi về quê ở Bắc Giang, chị H. từng uống mỗi ngày một thang thuốc nam ở thầy lang trong một năm rưỡi nhưng bệnh vẫn tiếp tục lan thêm.
Sau đó, chị H. tiếp tục uống thuốc viên hoàn màu đen với liều lượng 8 viên/ngày, uống liên tục sáu tháng nhưng bệnh không thuyên giảm. Điều đáng nói dù biết trong thuốc này có thạch tín, chị H. vẫn uống.
Vảy nến là bệnh ngoài da lành tính, mãn tính, không lây, bệnh có lúc tăng lúc giảm, có lúc kiểm soát được nhiều năm không phải nhập viện.
Mong muốn điều trị khỏi hẳn bệnh vảy nến của bệnh nhân đến nay y học vẫn chưa đáp ứng được, vì vậy người bệnh phải “sống chung” với vảy nến suốt đời.
Tuy nhiên, do bệnh ảnh hưởng đến thẩm mỹ quá nhiều nên vẫn có bệnh nhân không chấp nhận “sống chung” với bệnh mà tìm cách chữa khỏi bệnh, bất chấp những tai biến nguy hiểm cho sức khỏe.
Do bệnh thường xuyên tái phát, giữa năm 2008 chị H. lại đến một thầy lang khác uống thuốc đông y. Nghe nhiều bệnh nhân vảy nến khác nói uống thuốc có thạch tín này sẽ khỏi hẳn, chị H. một lần nữa hi vọng uống thuốc có thạch tín với liều 8 viên/ngày, kéo dài trong ba tháng.
Sau khi ngưng thuốc, tay chân và thân mình chị H. bắt đầu xuất hiện các dát nâu. Lúc đầu rải rác sau đó ngày càng nhiều và to hơn, kèm theo dày sừng lòng bàn tay và chân…
Trước khi nhập viện tại Bệnh viện Da liễu TP hồi tháng 3/2011, chị H. bị nổi các nốt sùi dày như mụn cóc, lan lên cẳng tay, cánh tay, cẳng chân. Bề mặt da có mảng hồng ban, khô nhám như da cá đuối, tróc vảy, xỉn màu. Lòng bàn tay, bàn chân dày sừng, trên bề mặt có nhiều sẩn nhỏ nhô cao như mụn cóc. Tất cả móng tay và móng chân đều tổn thương…
Tình trạng này kéo dài làm chị bị mất ngủ do ngứa, ăn uống kém và suy sụp nhiều nên phải nhập viện.
Theo BS Hoài Hương, thạch tín mang nhiều độc tính tương tự một số kim loại nặng như chì và thủy ngân. Vào cơ thể lâu ngày với lượng cao thạch tín biến thành độc tính gây bệnh, gây biến chứng ung thư da và các cơ quan, nhất là gan, thận, bàng quang và phổi.
Khi bị nhiễm độc thạch tín cấp tính, bệnh nhân có triệu chứng nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, tiểu khó và tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nếu nhiễm độc mãn tính xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ trong thời gian dài, người bệnh có các biểu hiện: nổi các mảng, nốt dày sừng; tăng hoặc giảm sắc tố da; tê buốt đầu ngón tay ngón chân, đây là biểu hiện tắc mạch đầu chi. Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác như sạm da từng đám lan tỏa, rụng tóc nhiều, tê tay chân, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sảy thai..
Vẫn chưa có phương pháp điều trị nào có thể tẩy độc thạch tín ra khỏi cơ thể. Những gì có thể làm khi phát hiện bệnh là ngừng dùng thuốc có thạch tín và điều trị các triệu chứng.
Không thể điều trị tiệt căn
Không chỉ tìm đến thuốc có thạch tín như là “phao cứu sinh”, nhiều bệnh nhân còn tìm đến những thầy lang với quảng cáo “điều trị tận gốc bệnh vảy nến” hi vọng khỏi hẳn căn bệnh khó chịu và mất thẩm mỹ này. Thường những nơi này không bao giờ nói là chích thuốc, sử dụng thuốc có corticoid nên người bệnh không biết. Chỉ khi bệnh nhân bị biến chứng đến Bệnh viện Da liễu TP điều trị, qua những tác dụng phụ biểu hiện trên người bệnh, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân mới biết được là bệnh nhân đã được sử dụng thuốc corticoid chích.
Theo BS Hoài Hương, từ đầu năm 2011 đến nay, Bệnh viện Da liễu tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau khi điều trị vảy nến bằng chích thuốc corticoid.
Cách điều trị của những nơi này là chích thuốc corticoid cách quãng. Có nơi chích một mũi rồi sau đó hai tuần lại chích mũi nữa cho bệnh nhân. Sau mũi chích đầu tiên, chỉ hai tuần sau các sang thương trên da biến mất hết một cách ngoạn mục. Chính những bệnh nhân sau khi được chích corticoid điều trị cảm thấy rất hài lòng lại đi quảng cáo cho những người bệnh khác.
Tuy nhiên, bệnh nhân không biết được các tác dụng phụ nguy hiểm của corticoid khi sử dụng kéo dài. Chưa kể tác dụng của thuốc ngày càng ngắn lại. Thường mũi đầu kiểm soát bệnh được khoảng ba tháng, mũi hai còn hai tháng và mũi ba chỉ một tháng.
Tùy theo bệnh nhân, có người chích đến mũi thứ hai, có người chích mũi thứ ba, hoặc mũi thứ tư thì bệnh vảy nến tái phát, bị tai biến đỏ da toàn thân, biến chứng sang khớp, mặt căng tròn (hội chứng cushing), tăng cân, rối loạn kinh nguyệt (nữ)…
BS Hoài Hương cho hay bệnh vảy nến có liên quan đến tâm thần kinh rất nhiều. Nếu bệnh nhân lo lắng, căng thẳng, hoặc có người thân bị bệnh, qua đời thì bệnh dễ bộc phát dữ dội. Nếu bệnh nhân bị nhiễm siêu vi, bị bệnh khác kèm theo sẽ khiến bệnh càng khó kiểm soát. Ngược lại nếu có cuộc sống lạc quan, thoải mái, vui vẻ thì bệnh sẽ không bộc phát nhiều, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.
Theo Lê Thanh Hà
Tuổi trẻ
Bình luận (0)