Rau sống ăn kèm với các món cuốn bánh tráng, bún miến… là sở thích đặc trưng trong ẩm thực của người Việt. Tuy nhiên, thói quen này đã khiến nhiều trường hợp bị nhiễm giun sán gây ra các biến chứng nguy hiểm, do nguồn rau bị nhiễm ký sinh trùng rất cao.
Dù được rửa đến lần thứ ba, vẫn còn 51,9% ký sinh trùng còn lưu lại trên rau |
Nhiễm giun đũa chó dù… không nuôi chó
Với sở thích ăn rau sống trường kỳ, hầu như tuần nào trên bàn ăn nhà bà Phan Hương Lan (ngụ đường Thành Công, phường Tân Thành, quận Tân Phú) cũng có dĩa rau sống với đủ chủng loại như rau diếp, rau má, rau cải con, bù ngót, đọt rau muống non… Bà Lan cho rằng, ăn rau sống không chỉ “giữ được dưỡng chất của rau, mà còn làm mát da và nhuận trường”. Ai ngờ hai tháng nay toàn thân bà đột nhiên bị nổi mẩn ngứa cả ngày lẫn đêm đến nỗi mất ngủ. Đi khám ở Bệnh viện Đại học Y dược, bác sĩ cho biết bà bị nhiễm giun đũa chó. Nhận kết quả này, bà Lan không khỏi thắc mắc: “Vì nhà tôi không nuôi chó mèo, thì làm sao mà mắc giun đũa chó được”. Đến khi bác sĩ hỏi: “Bác có thường ăn rau sống không?” thì bà Lan mới biết đây chính là nguyên nhân khiến bà mắc bệnh. Theo cảnh báo của bác sĩ Đặng Thị Nga (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM), trường hợp bị nhiễm giun đũa chó hoặc mèo, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Vì trứng giun sau khi xâm nhập vào ruột non sẽ theo đường máu phát tán khắp cơ thể. Khi ấu trùng tấn công não, tim, phổi, mắt sẽ gây co giật, phù não, đau đầu, viêm màng não và viêm não, liệt nửa người hoặc chi dưới, giảm thị lực dẫn đến mù mắt.
Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Hải V, 34 tuổi (ngụ Hà Nam) vừa qua đã được các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) làm các xét nghiệm ký sinh trùng và kết luận chị bị nhiễm sán ruột. Sau khi sử dụng thuốc sổ sán theo chỉ định, chị đã rất sợ hãi khi chứng kiến cả vốc sán bị đào thải ra ngoài theo đường hậu môn. Nguyên nhân mắc sán ruột theo chị V là do thường ăn rau sống, nhất là các loại rau sống thủy sinh như rau cần nước và rau nhút.
Cũng tại bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân nam 70 tuổi ngụ tại Ý Yên (Nam Định) được chuyển đến trong tình trạng sốt cao, rét run, men gao tăng cao, đau nhiều vùng gan. Từ kết quả xét nghiệm huyết thanh của bệnh nhân, bác sĩ xác định ông bị nhiễm sán lá gan gây áp xe gan. Bệnh nhân này cho biết, địa phương ông sinh sống có thói quen ăn nem chua, gỏi và rau sống nên ông cũng thường ăn những món này một cách thường xuyên. Theo khuyến cáo của TS. Đoàn Thu Trà (Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai), chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân bị nhiễm giun lươn với các biểu hiện bệnh lý về tiêu hóa, phổi và ổ bụng. Trong đó, có trường hợp bị viêm màng não do một loài giun đũa chuột gây nên. TS. Trà lưu ý, việc điều trị tình trạng nhiễm ký sinh trùng sẽ rất đơn giản nếu được chẩn đoán đúng. Ngược lại, nếu chẩn đoán sai, việc sử dụng kháng sinh sẽ không có tác dụng, gây kháng thuốc và tốn kém cho bệnh nhân.
“Điểm mặt” 8 loại rau sống nhiễm ký sinh trùng cao
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng trên 8 mẫu rau sống thường dùng cho thấy, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng (KST) trên rau là 92,3-100%. Trong đó, có 4 loại có tỷ lệ nhiễm KST 100% như rau xà lách xoong, cải xanh, cải cúc và rau má. Còn các loại rau gia vị, rau muống, xà lách (rau diếp) cũng bị nhiễm KST 92,3%. Điều đáng ngại là các loại rau trên cho dù đã được rửa 3 lần bằng nước sạch theo cách rửa thông thường rồi được làm xét nghiệm lại, thì mức độ nhiễm KST cũng vẫn không được cải thiện bao nhiêu. Cụ thể, sau lần rửa thứ nhất, tỷ lệ nhiễm KST vẫn còn tới 97%, sau lần rửa thứ hai còn 77,9% và sau lần rửa thứ ba còn 51,9%. Các loại ký sinh trùng như giun móc, giun tóc, giun kim, giun đũa tồn tại trên tất cả các loại rau với tỷ lệ rất cao, nhiều nhất là trên xà lách xoong (100%) và thấp nhất trên rau muống (46,1%). Đặc biệt, trứng giun đũa chó trên 7 loại rau (chỉ trừ rau muống) với tỷ lệ trung bình 11,5%. Ngoài ra, còn có các KST amip, dạng bào nang, có trong hầu hết các loại rau, nhiều nhất là trên xà lách xoong và rau má với tỷ lệ 76,5%.
Theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế), không chỉ nguồn rau được mua từ bên ngoài, mà những loại rau được trồng trong vườn nhà cũng có thể nhiễm các loại ký sinh trùng như trứng giun đũa chó, giun kim, giun móc, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ, phẩy khuẩn tả gây bệnh tiêu chảy cho người. Nguyên nhân do người trồng thường có thói quen sử dụng nước tiểu, phân tươi, nước từ mương, ao hồ, cống rãnh nhiễm bẩn để tưới rau hoặc trồng trong khu vực có nhiều phân chó mèo. Chưa kể người bán rau cũng phun nước nhiễm bẩn để giữ rau tươi. Do đó, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cho người sử dụng là rất lớn.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)