Người dân Việt Nam hay truyền miệng về bệnh nhiễm giun sán trong máu, giống như bạn đọc đã nêu. Nói cho đúng thì phải gọi là bệnh ký sinh trùng lạc chủ, hay rõ hơn là bệnh nhiễm ấu trùng giun (hoặc sán) lạc chủ.
Sở thích ăn thịt, cá, sò sống sẽ tạo điều kiện cho giun sán xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Ảnh: minh họa – Internet |
Vào nhầm cửa, trú nhầm nơi
Gọi là “lạc chủ” vì người không phải là ký chủ chính của các loài ký sinh trùng này mà là động vật. Ví dụ như giun đũa chó (Toxocara canis) chẳng hạn, chó là ký chủ chính. Do người không phải là ký chủ chính, khi trứng hoặc ấu trùng xâm nhập cơ thể người, chúng không thể thích nghi và phát triển thành dạng trưởng thành như ở cơ thể động vật nên có thể dừng lại bất kỳ chỗ nào, gọi là “ngõ cụt ký sinh”. Tại ngõ cụt đó, ấu trùng có thể bị chết hoặc sẽ bị đóng kén trong mô, tương tự như hình ảnh của nang ấu trùng (gạo) trong thịt heo, thịt bò.
Trong giai đoạn mới xâm nhập, ký sinh lạc chủ có thể gây dị ứng như ngứa da, nổi mề đay. Ấu trùng ngừng di chuyển và “kẹt” ở ngõ cụt nào thì có thể gây triệu chứng ở đó, như ở gan, ở não… Triệu chứng hoàn toàn không giống như nhiễm ký sinh trùng trưởng thành ở người. Ấu trùng lạc chủ không đủ khả năng hút máu hay chất dinh dưỡng đến mức làm suy dinh dưỡng, gầy ốm, thiếu máu… cũng thường không có biểu hiện rối loạn tiêu hoá như nhiễm ký sinh trùng đường ruột bình thường.
Việc chẩn đoán bệnh này không dễ vì không thể tìm thấy trứng trong phân (ký sinh trùng không trưởng thành nên không đẻ trứng), cũng không thể sinh thiết nếu nang ấu trùng nằm sâu trong các mô cơ thể. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển của ấu trùng trong máu, trong mô, cơ thể sẽ tạo kháng thể đặc hiệu để kháng lại các loại ký sinh trùng đó. Xét nghiệm máu có thể phát hiện ra kháng thể đối với các loại ký sinh trùng, từ đó suy ra loại ký sinh trùng tương ứng. Vì lẽ xét nghiệm máu để tìm bệnh giun sán, nên người dân gọi là “nhiễm giun sán trong máu”.
Chớ lo vì một dấu cộng
Nhiều người sợ nếu không xét nghiệm để trị, giun sẽ chạy lên não và tử vong, vì thực tế đã có những trường hợp nhiễm ấu trùng giun ở não thật sự. Tuy nhiên, xét nghiệm có giá trị chẩn đoán hơn là tầm soát bệnh. Hầu hết những trường hợp xét nghiệm dương tính là ở giai đoạn ngõ cụt ký sinh, ấu trùng đã hết di chuyển.
Không được tư vấn chuyên khoa kỹ lưỡng về bệnh này, có người cầm kết quả xét nghiệm ký sinh trùng dương tính chạy chữa hết nơi này đến nơi nọ, hết thầy này qua thầy khác dù không có triệu chứng gì, chỉ vì sợ ký sinh trùng lên tới… não.
Bản chất xét nghiệm ký sinh trùng (gọi là huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng) là xét nghiệm tìm kháng thể (IgG), nên một khi đã dương tính thì kéo dài hàng năm trời. Thực ra có kháng thể là đã được miễn nhiễm, giống như được chủng ngừa, nên xét nghiệm dương tính là một chuyện, xác định đang có bệnh hay không là chuyện khác. Hiện nay một số phòng xét nghiệm triển khai kỹ thuật chẩn đoán này một cách phổ biến nhưng lại thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn kết quả cho bệnh nhân khiến nhiều người cứ thấy kết quả xét nghiệm dương tính là lo lắng, thậm chí bị stress, trầm cảm vì “chứng bệnh” này.
Theo ThS.BS Ðinh Nguyễn Huy Mẫn
Sài Gòn Tiếp Thị
Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận (0)