Thầy giáo – NSNA Lê Hồng Linh chia sẻ kinh nghiệm nhiếp ảnh cho SV báo chí. Ảnh: V.H.S |
Là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của Việt Nam xuất thân từ bục giảng và đến nay vẫn thủy chung với nghề giáo đó là thầy Lê Hồng Linh đã lập nên kỷ lục với gần 400 giải thưởng quốc tế về ảnh nghệ thuật.
Thầy giáo mê nhiếp ảnh
Khởi nghiệp từ bục giảng, thầy Lê Hồng Linh – giảng viên bộ môn cơ khí, Trường CĐ Giao thông vận tải đi tìm cho mình sự mềm mại trong nhiếp ảnh nghệ thuật (NANT) để cân bằng với những giờ lên lớp vốn khô khan. Chơi ảnh như một đam mê, chụp ảnh như thú vui giải trí, chính thầy giáo Linh cũng không ngờ rằng, NANT đã mang lại cho mình quá nhiều danh và tiếng. Chính NANT đã làm thay đổi cuộc sống của người thầy giáo vốn “được” sinh viên “tặng” biệt danh “dũng sĩ diệt sinh viên”. Thầy Linh nói “Tôi tìm đến với NANT như đi tìm thú vui, nét mềm mại để cân bằng với những giờ dạy trên lớp. Nhưng rồi, NANT như thỏi nam châm, tôi đam mê những bức ảnh đậm tính nhân văn, những bức tranh làng quê, phong cảnh đất nước”. Bấm máy bằng cả đam mê và rung động tinh tế, nhiều bức ảnh đẹp say đắm lòng người, nhiếp ảnh gia – thầy giáo Linh trở thành giảng viên Trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh. Cứ thế, thầy Linh tìm thấy sự cân bằng trong nghề giáo với hai lĩnh vực gần như đối lập nhau: Kỹ thuật – nghệ thuật. Tuy vậy, thầy Linh cho biết “Nhiều người nghĩ nhiếp ảnh là nhẹ nhàng nhưng không phải như vậy. Tôi thấy nhiếp ảnh là lao động nghệ thuật rất nghiêm túc và nặng nhọc… tốn kém. Phải có sức khỏe lội suối, trèo núi và thực hiện nhiều chuyến đi dài ngày sáng tác ở xa. Và, tiền đầu tư cho máy móc, tiền đi lại sáng tác rất tốn kém. Chơi ảnh là phải chấp nhận tốn kém. Ngoài ra phải lao tâm lao lực, phải trăn trở với những tác phẩm. Để có một tác phẩm ưng ý, ngoài tiền bạc, thời gian, phải kể đến… tâm huyết”. Rất nhiều SV Trường CĐ GTVT bất ngờ vì người thầy dạy môn cơ khí khô khan, cứng nhắc lại trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới. Còn với SV Trường CĐ Sân khấu – Điện ảnh vừa nể thành tích “sưu tầm” giải thưởng quốc tế về ảnh nghệ thuật của thầy Linh vừa “nể” danh hiệu “dũng sĩ diệt SV”. Bởi, là người xuất thân từ trường sư phạm, cả nửa cuộc đời đứng trên bục giảng, vừa dạy về kỹ thuật vừa dạy về nghệ thuật, lại rất nổi tiếng về nghệ thuật nên thầy Linh đặt yêu cầu rất cao ở SV. Những SV có đam mê, chú tâm học tập luôn lấy thành tích thầy Linh đạt được để phấn đấu. Với những SV lơ là việc học, người thầy – nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới lại là… nỗi ám ảnh.
“Vua” giải thưởng quốc tế
Đến với NANT chưa lâu và chỉ bằng đam mê, thầy Linh đã làm nên điều kỳ diệu cho bộ môn nghệ thuật này. Năm 2000 về trước, danh hiệu “vua giải thưởng nhiếp ảnh” thuộc về thầy giáo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh. Tuy nhiên, chỉ 10 năm gần đây, thầy Linh đã kịp “thu hoạch” cho mình bộ sưu tập giải thưởng quốc tế về NANT rất “khủng”: gần 400 giải thưởng! Đây là con số giải thưởng “kinh hoàng” cho bất kỳ nghệ sĩ nhiếp ảnh nào trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nói về thầy Linh, thầy giáo – nghiếp ảnh gia Duy Anh nói “Cho đến bây giờ, Lê Hồng Linh là số 1, là vô địch. Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả thế giới cũng chưa thể có nghệ sĩ nhiếp ảnh nào đạt thành tích ấn tượng như vậy. Lê Hồng Linh rất có duyên với giải thưởng quốc tế. Linh sẽ còn nắm giữ vị trí số 1 trong thời gian dài nữa. Bởi chưa ai có khả năng cạnh tranh về giải thưởng với anh ấy”. Khi nói về giải thưởng, thầy Linh cho biết “Khi bấm máy thực hiện bức ảnh, tôi không bao giờ nghĩ đến dự thi hay giải thưởng. Tôi chụp cho chính tôi, cho thỏa đam mê của mình. Tác phẩm được thực hiện bằng đam mê, rung động chân thành, tôi tin sẽ có nhiều người chia sẻ. Khi dự thi tôi không nghĩ đến giá trị giải thưởng. Tuy nhiên, khi đoạt giải các cuộc thi quốc tế, lúc nhận huy chương, huy tượng được cử hành quốc ca Việt Nam, được nghe xướng tên tổ quốc tôi tự hào lắm”. Với gần 400 giải thưởng ảnh nghệ thuật quốc tế, ảnh của thầy Linh được chọn triển lãm vĩnh viễn ở nhiều bảo tàng các quốc gia trên khắp thế giới: Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Người thầy mang “nghiệp” cơ khí này đã được mời đến chia sẻ, giao lưu với đồng nghiệp nhiếp ảnh các nước. Ở đâu, thầy Linh cũng được chào đón nồng nhiệt bởi “bộ sưu tập” giải thưởng quá ấn tượng. Nhiếp ảnh gia – thầy giáo Linh đã góp phần rất lớn để đưa NANT của Việt Nam ra thế giới. Cũng từ những bức ảnh này, các tay máy gạo cội của làng NANT thế giới đã đến Việt Nam tìm tư liệu sáng tác. Đó cũng là một cách quảng bá rất tốt hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Thây Linh tâm sự “Không phải bây giờ ngành du lịch nước ta mới tìm cách quảng bá hình ảnh đất nước với thế giới. Hơn 10 năm trước, chúng tôi đã tự bỏ tiền túi ra để tham dự các cuộc thi quốc tế về ảnh nghệ thuật. Từ các bức ảnh này, từ các cuộc thi, các giải thưởng của chúng tôi, du khách nhìn thấy một Việt Nam quá đẹp, quá ấn tượng nên tìm đến và giới thiệu cho bạn bè của họ”.
Tuy bận rộn với việc giảng dạy cùng lúc hai trường, lại tranh thủ lúc rảnh là đi thực tế để sáng tác. Xen kẽ vào đó là những chuyến nhận lời mời ra nước ngoài sáng tác, giao lưu đồng nghiệp quốc tế nhưng thầy giáo – nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh vẫn luôn ưu ái dành thời gian gặp gỡ SV. Thầy đã có những giờ lên lớp không nhận thù lao cho SV Trường ĐHKHXH-NV và các CLB nhiếp ảnh khắp nơi.
Công Việt
Với thầy, bước ra từ bục giảng để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng và từ nghệ sĩ nổi tiếng thầy đã dành hết tâm huyết, kinh nghiệm cho bục giảng, cho SV. |
Bình luận (0)