Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng bước ra từ bục giảng: Bài 2: Người sống có nghĩa có tình

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiếp ảnh gia Duy Anh say sưa giảng dạy cho SV

Năm 2000, khi Lê Hồng Linh – nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới hiện nay còn “chập chững” vào nghề, thầy giáo – nhiếp ảnh gia Duy Anh đã được ghi nào sách guiness Việt Nam với kỷ lục 100 giải thưởng…
Thầy giáo… chụp ảnh dạo
Tốt nghiệp ĐH tại TP.HCM, thầy Duy Anh xung phong về công tác tại một trường vùng sâu tỉnh Tiền Giang. Ban đầu, chụp ảnh chỉ là một phần trong công tác Đoàn thầy phụ trách. Lúc đó đời sống giáo viên nhiều khó khăn, ngoài giờ lên lớp, Duy Anh đi chụp ảnh dạo kiếm thêm thu nhập. Sau 10 năm đứng trên bục giảng, Duy Anh chuyển sang làm báo Ấp Bắc đến nay. Thầy giáo – nhiếp ảnh gia Duy Anh nói: “Nghề giáo cho tôi rất nhiều, đặc biệt là những năm tháng tôi làm công tác Đoàn. Tôi có điều kiện tham gia nhiều hoạt động của học sinh nên chụp được nhiều ảnh, rèn tay nghề nhiếp ảnh”. Bắt đầu từ việc chụp ảnh học sinh đến chụp ảnh dạo kiếm tiền, tiếp đến Duy Anh nhận chụp ảnh cưới, lễ hội, tiệc tùng. Trong quá trình tác nghiệp của một nhà báo, Duy Anh đã kịp ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ, đầy tâm trạng và xúc động lòng người. Gởi các tác phẩm dự thi, giải thưởng “ào ạt” tìm đến với nhiếp ảnh gia Duy Anh. Thành công trong nhiếp ảnh, NSNA – thầy giáo – nhà báo Duy Anh không quên những ngày đứng trên bục giảng, lúc “khởi nghiệp” chụp ảnh dạo cơ cực “Tôi từng nhà giáo viên trẻ xung phong về vùng sâu dạy học. Tôi có nhiều kỉ niệm đẹp với học trò, với bục giảng với đồng nghiệp. Tôi luôn tự hào vì mình từng là tay chụp ảnh dạo để có ngày hôm nay”. Năm 2000, nhân sự kiện anh “cán đích” 100 giải thưởng, anh đã cho ra đời tập sách ảnh. Mỗi bức ảnh, Duy Anh đều có phần giải thích, chia sẻ kinh nghiệm, kể cả những “thủ thuật” lém lỉnh, những “tiểu xảo” để có những bức ảnh đẹp cũng được anh nêu ra không giấu diếm. Trong số các NSNA nổi tiếng hiện nay, Duy Anh là người dành nhiều công sức, tâm huyết nhất cho việc lên lớp với SV. Người thầy – NSNA – nhà báo này lên lớp như một đam mê, một nghĩa vụ mà không đòi hỏi khoản thù lao nào cả. Duy Anh cho biết: “Đến nay, tôi đã đi dạy được 2/3 tỉnh thành cả nước. Từ các trường ở miền Trung, Tây Nguyên cho đến các trường ở miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Hễ nhận được lời mời là tôi thu xếp và nhận lời ngay dù rằng đi dạy như vậy tôi không nhận đồng xu nào cả. Tôi tự bỏ tiền túi để đi lại, lên lớp với SV. Vì với tôi, được đi dạy, được đứng trên bục giảng là đam mê. Tôi đến với SV là tôi thỏa đam mê của chính mình”. Không những thế, Duy Anh từng biến nhà và tiệm chụp hình của mình thành nơi thực tập cho SV. Ở năm học 2008-2009, gia đình Duy Anh tiếp nhận cùng lúc hàng trăm SV khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM về thực tập. Điều đáng nói, Duy Anh “bao” SV ăn ở, thực tập ngay tại nhà mình, SV lại được đích thân thầy Duy Anh đưa đi thực tập nhiếp ảnh ở các điểm nổi tiếng của Tiền Giang mà không phải đóng góp đồng nào. Thầy Vũ Hải Sơn – giảng viên bộ môn Nhiếp ảnh – Khoa Báo chí và Truyền thông ĐH KHXH&NV xúc động nói: “Thầy Duy Anh quá tuyệt vời. Mỗi khi tôi gọi điện mời là anh ấy nhận lời liền. Anh tự thu xếp đi lại, tự bỏ tiền túi ra đi chứ không đòi hỏi gì. Anh tốt và nhiệt tình với SV quá. Nhận cả trăm SV về nhà thực tập, lo cho SV ăn ở là chuyện không dễ, vậy mà anh đã làm một cách tự nguyện, tận tâm”.
Người làm nên những điều phi thường
Ở thầy giáo – nhiếp ảnh gia – nhà báo Duy Anh còn là tấm gương về tự học tuyệt vời. Anh tự mày mò học nhiếp ảnh, tự học tráng, rửa ảnh tại nhà, tự học photoshop để đi dạy ở các Hội nhà báo. Duy Anh kể: “Khi dạy cho Hội nhà báo ở Đồng Nai, tôi không tự tin vì “mù” vi tính. Thế là tôi đăng ký học cấp tốc ở Sài Gòn. Mỗi ngày tôi bắt xe từ Tiền Giang lên Sài Gòn học xong rồi về. Ngoài 40 tuổi mới bắt đầu học vi tính, tôi phải nhờ bà xã, con gái dạy kèm. Khi thành thạo vi tính, photoshop, tôi tự tin đi dạy ở Hội nhà báo, công an, hải quan một số địa phương”. Từ một thầy giáo, một thợ nhiếp ảnh dạo, đến nay, Duy Anh đã chinh phục con số 200 giải thưởng nhiếp ảnh. Nếu chỉ tính giải thưởng trong nước, có lẽ Duy Anh là người giữ vị trí số 1. Nhiếp ảnh gia Duy Anh giải thích: “Nếu như hầu hết giải thưởng của Lê Hồng Linh là giải thưởng quốc tế thì hầu hết giải thưởng của tôi là ở trong nước. Đơn giản, tôi nhận thấy mình có duyên với giải thưởng trong nước. Hơn nữa, giải trong nước bao giờ cũng có giải thưởng cao. Tôi thì không bỏ sót bất kỳ cuộc thi ảnh nào có giải thưởng lớn. Đoạt giải thưởng trong nước được báo đài nước nhà chụp hình, đưa tin sướng lắm. Giải thưởng quốc tế thì nghe rất oai nhưng “có tiếng không có miếng”, dự thi lại rất tốn tiền nên từ lâu tôi hầu như không tham dự các cuộc thi ảnh quốc tế”. Đặc biệt, Duy Anh là nhiếp ảnh gia lập nên “kỷ lục” vô tiền khoán hậu: Biến nghĩa trang thành công viên hạnh phúc! Đến nay, Duy Anh đã chụp ảnh cưới cho hơn 2000 đôi uyên ương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang. Duy Anh cho biết: “Trước đây không ai dám nghĩ, dám làm điều này. Vì chụp ảnh cưới ai lại ra nghĩa trang, nơi mồ mả. Tôi đã đi tiên phong bằng việc chụp ảnh cưới cậu học trò tại đây. Đến nay, các đôi uyên ương ở Tiền Giang đều ra nghĩa trang này chụp ảnh cưới vì họ tin chụp ảnh ở đây họ sẽ được hạnh phúc vững bền”.
Công Việt
Một lần đi công tác tại Lâm Đồng, bất chấp nguy hiểm, Duy Anh lao mình xuống hồ cứu hai em học sinh sắp chết đuối. Với hành động dũng cảm này, thầy giáo – nhiếp ảnh gia – nhà báo Duy Anh được Thủ tướng tặng bằng khen.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)