Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhiệt miệng – bệnh khó chịu mùa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa hè, nhiều người dễ mắc các bệnh do nóng, trong đó có bệnh nhiệt miệng. Bệnh tưởng nhẹ và vô hại nhưng nhiều khi kéo dài, hay tái phát gây khó chịu cho người bệnh.
Nhiệt miệng biểu hiện ban đầu là những vết loét nhỏ trong niêm mạc miệng, sau đó có thể bội nhiễm làm vết loét rộng ra, có thể có mủ, gây đau rát miệng, ăn uống không ngon, thậm chí mất ngủ hoặc rối loạn tiêu hóa.
Nhiệt miệng còn gọi là lở loét miệng là bệnh thường gặp, không phân biệt lứa tuổi. Hầu như trong đời, ai cũng mắc bệnh này tối thiểu một lần (khoảng 20% dân số bị nhiệt miệng thường xuyên).
Biểu hiện bệnh là những mụn nước nhỏ dễ vỡ, để lại một vết loét nông ở niêm mạc miệng, bờ rõ rệt, rất đau và xót khi nói và ăn các chất mặn, uống nước nóng… Nơi xuất hiện các vết loét thường ở mặt trong của má, lợi hay đầu lưỡi…
Khi không được chăm sóc đúng cách, vết loét có thể bị viêm cấp, tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng thường gặp nhất là chế độ dinh dưỡng kém dẫn đến thiếu vitamin C, PP, B6, B2, kẽm và acid folic; do rối loạn nội tiết ở phụ nữ, khi hành kinh, mang thai, ở độ tuổi mãn kinh; các rối loạn về tiêu hóa, các nhiễm khuẩn ở răng miệng, amidan, hoặc chấn thương ở niêm mạc miệng…
Do vậy, ngoài các phương pháp chữa trị thông thường, cần tăng cường ăn rau quả để bổ sung các yếu tố vi lượng, vitamine như C, PP, B2…
Theo quan niệm của y học cổ truyền, nhiệt miệng là bệnh phát sinh do hoả độc, nhiệt độc, thấp nhiệt ở tỳ, vị, tâm, can, thận; hay gặp nhất là ở tỳ vị. Hoả độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, miệng hôi, khô miệng, lưỡi đỏ.
Phương pháp chữa trị nhiệt miệng theo Đông Y là thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết. Các bài thuốc cổ phương như Thanh vị tán, Cẩm liên xích đạo thang, Địa hoàng cốt bì thang… là những bài thuốc hiệu quả cao trong chữa trị và ngăn ngừa tái phát bệnh nhiệt miệng.
Các bài thuốc này là sự phối hợp tinh tế của các vị thuốc được sao tẩm khắt khe theo nguyên lý Y học cổ truyền như: Hoàng liên, Sinh địa, Bạch mao căn, Đương qui, Đan bì… có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, chữa viêm loét miệng, lưỡi, nhiệt miệng, viêm lợi, chảy máu chân răng, hôi miệng, phòng bệnh tái phát.
Ngày nay, y học hiện đại phân tích được thành phần kháng sinh thực vật chứa trong Hoàng liên. Các vị thuốc Đương qui, Sinh địa cung cấp các vitamin khoáng chất thường bị thiếu trong bệnh nhiệt miệng, giúp cho sự tái tạo niêm mạc miệng nhanh chóng.
Các kết quả này đã giải thích được hiệu quả của các bài thuốc trên trong phòng chữa bệnh nhiệt miệng. Phối hợp với các phương pháp chữa trị trên, cần hạn chế các đồ cay, nóng như gừng, ớt…
Bệnh nhiệt miệng không phải loại bệnh nặng nhưng gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh trong việc ăn uống và vệ sinh răng miệng. Muốn có một mùa hè vui vẻ, dễ chịu, chúng ta cần phải biết phòng ngừa, ăn uống và nghỉ ngơi đúng cách để nói “không” với nhiệt miệng.
Bác sĩ Đông Y Dương Thu Hà
Nguyên Bác sĩ Bệnh Viện Y học Cổ truyền Hà Nội

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)