Từ tháng 9 – tháng áp dụng trần lãi suất huy động – huy động và cho vay trên toàn hệ thống ngân hàng đều giảm làm gia tăng mối lo thanh khoản, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao. Áp lực lên thị trường ngoại hối cũng xuất hiện sớm hơn dự báo, một phần do chịu sức ép từ thị trường vàng.
Trong khi giá USD trên thị trường tự do có xu hướng giảm, thị trường liên ngân hàng diễn biến ngược lại khi giá mua bán, doanh số vay mượn và lãi suất đều tăng.
Áp lực thanh khoản
Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước, cho biết, trong vòng một tháng trở lại đây, lượng vốn ngân hàng huy động được giảm khoảng 2% so với tháng trước. Lượng vốn cho vay ra cũng giảm mức tương đương. Tính từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, lượng tiền tiết kiệm gửi vào Eximbank đã giảm tới gần 4.000 tỉ đồng, trong đó, có những thời điểm, ngân hàng này bị rút ra tới 400 – 500 tỉ đồng chỉ trong một ngày. Dù không cung cấp con số cụ thể, lãnh đạo nhiều ngân hàng đều thừa nhận tình trạng tương tự đang diễn ra trong đơn vị của mình. Và diễn biến này cũng trùng khớp với thông tin về hoạt động ngân hàng trong quý 3 vừa được ngân hàng Nhà nước công bố.
Lãi suất tiền gửi 14% chưa đủ hấp dẫn để người dân gửi tiền vào ngân hàng. Ảnh: Lê Quang Nhật
Tháng 9 là thời điểm ngân hàng Nhà nước siết lại kỷ cương trong thực hiện quy định về trần lãi suất huy động, nên hầu hết ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động về mức tối đa 14%/năm, kênh tiết kiệm ngân hàng giảm sức hấp dẫn. Trong khi đó, từ thời điểm giữa tháng 9 đến nay, giá vàng có xu hướng đi xuống, người dân mua vàng nhiều hơn bán ra khiến giá vàng luôn cao hơn giá thế giới ở mức vài triệu đồng/lượng. Nguồn tiền mua vàng được một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho là có phần từ rút tiết kiệm. Cùng với đó, nhu cầu ngoại tệ bắt đầu ấm dần lên, tâm lý mua, nắm giữ USD cũng tăng theo khiến kênh huy động VND của ngân hàng thêm một lần nữa bị chia sẻ.
Ngoài ra, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương cho rằng, huy động vốn tín dụng những ngày đầu tháng 9 giảm còn do “việc hạch toán lại đúng bản chất của các khoản tiền gửi và cho vay trước đây”. Còn nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng cũng giảm, theo ông Trương Văn Phước, là do số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng sản xuất, phá sản gia tăng. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tuy đã giảm, nhưng vẫn là mức cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
Tháng 9: huy động và cho vay đều giảm
Tính đến 23.9.2011, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng 9,82% so với cuối năm trước, tuy nhiên lại giảm 1,07% so với cuối tháng trước. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,16% so với cuối năm trước.
Tuy nhiên, giảm 0,94% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,49%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 2,27%. Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,87% tính từ đầu năm đến thời điểm thống kê, song giảm 0,86% trong vòng một tháng gần nhất.
Nguồn: ngân hàng Nhà nước
|
Vốn vào ngân hàng giảm, ngay lập tức đã làm tăng mối lo thanh khoản lên các tổ chức tín dụng, biểu hiện rõ nhất qua sự “nóng” lên của thị trường liên ngân hàng từ giữa tháng 9 đến nay. Trong tuần đầu tháng 10 (từ 3 – 11.10), lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh lên 14,5 – 15% kỳ hạn qua đêm; 15 – 15,5% đối với kỳ hạn một tuần; 15,5 – 16% đối với kỳ hạn hai tuần và 16 – 17,5% đối với kỳ hạn một tháng, tức cao hơn trần lãi suất huy động từ dân cư. Trong khi đó, tuần cuối cùng của tháng 9, lãi suất bình quân qua đêm chỉ ở mức 12,7%/năm; lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động từ 13,36% đến 13,93%/năm (ngoại trừ lãi suất không kỳ hạn).
Áp lực tỷ giá đến sớm
Áp lực lên tỷ giá đã bắt đầu xuất hiện khi tỷ giá liên ngân hàng hôm qua (13.10) đã tăng lên mức 20.678 đồng/USD (sau năm lần tăng liên tiếp, mỗi lần tăng thêm 10 đồng/USD tính từ ngày 5.10). Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt điều chỉnh giá USD niêm yết, như tại Vietcombank là 20.880 – 20.885 đồng/USD; tại Eximbank, ACB, giá bán ra thấp hơn 2 đồng/USD… Các ngân hàng đều có xu hướng đẩy giá mua vào tăng lên, thu hẹp khoảng cách giữa giá mua – giá bán. Giao dịch USD trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng cả về doanh số lẫn lãi suất. Cụ thể, tuần cuối tháng 9, doanh số giao dịch USD trên thị trường liên ngân hàng tăng lên 3.014 triệu USD (bình quân 602 triệu USD/ngày), trong khi tuần trước đó chỉ là 2.641 triệu USD (bình quân 528 triệu USD/ngày).
Diễn biến này không nằm ngoài nhận định trước đó của các chuyên gia kinh tế. Bởi đã thành quy luật, nhu cầu ngoại tệ bao giờ cũng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm – cùng với sự gia tăng của nhập siêu. Riêng năm nay, thị trường ngoại hối còn chịu thêm áp lực từ việc tín dụng ngoại tệ tăng quá cao. Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cung cấp thông tin, chênh lệch cho vay bằng ngoại hối của Việt Nam ở mức 7,5 tỉ USD (tổng vay ngoại tệ là 30 tỉ USD, trong khi huy động ngoại tệ chỉ là 22,5 tỉ USD) – và thời gian đáo hạn của các hợp đồng vay vốn thường dồn vào thời điểm cuối năm. Thêm vào đó, áp lực tỷ giá có phần đến sớm hơn dự báo, bởi cầu ngoại tệ đã tăng mạnh thời gian vừa qua cho nhu cầu nhập khẩu vàng. Nếu như thời điểm giữa năm, các doanh nghiệp đua nhau xuất khẩu vàng thì từ quý 3 đến nay, diễn biến hoàn toàn ngược lại. Cùng với 5 tấn vàng vật chất nhập khẩu trong tháng 8, một tuần qua, các ngân hàng, doanh nghiệp cũng phải mua đối ứng một lượng vàng nhất định trên tài khoản ở nước ngoài để bù vào một lượng vàng đã bán ra theo mục tiêu bình ổn thị trường (thống kê chưa đầy đủ khoảng 10 tấn).
Tình trạng hai tỷ giá lại xuất hiện trong hệ thống ngân hàng. Giám đốc một công ty nhập khẩu máy móc nông nghiệp và thuỷ điện cho biết, doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng S. 50.000 USD, đáo hạn vào cuối tháng này. E ngại tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, doanh nghiệp quyết định mua USD của ngân hàng để trả nợ sớm, và mức giá được nhân viên ngân hàng thông báo ngày 13.10 là 21.450 đồng/USD, mặc dù giá niêm yết của ngân hàng này chỉ là 20.885 đồng/USD.
Thảo Nguyễn / SGTT
Bình luận (0)