Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều bài học không còn phù hợp

Tạp Chí Giáo Dục

Ở bộ môn ngữ văn (và Tiếng Việt ở bậc tiểu học), có nhiều bài học không còn phù hợp. Dưới đây là một vài dẫn chứng để nói đến sự bất cập của nội dung sách giáo khoa.

Sách giáo khoa hiện nay có nhiều bất cập, nhiều bài học quá lạc hậu và xa rời thực tế (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Bài tập Tiếng Việt 1 quá nặng

Đọc bài tập 1: Tìm tiếng ngoài bài có vần oen (vở bài tập Tiếng Việt 1, tập 2, trang 40, NXB Giáo dục Việt Nam). Tôi lấy sách Tiếng Việt 1 (tập 2, trang 92, NXB Giáo dục Việt Nam) xem từ trong bài là từ gì để giải đáp tránh sự trùng lặp, thì được biết từ trong bài là “Lan nhoẻn miệng cười” và “cưa xoèn xoẹt” (phần điền vần trang 93). Đến bài tập phần chính tả (bài 2 cùng trang), điền en hay oen vào từ nông ch… Nhìn hình ảnh, tôi nghĩ là từ nông choèn nhưng không hiểu nghĩa nên phải xem từ điển. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học Hà Nội – Đà Nẵng 2004) giải thích: Nông đến mức coi như không đáng kể.

Cả hai bài tập này học sinh lớp 1 không thể làm được. Tôi hỏi một số cử nhân sư phạm, bài tập này không đơn giản với họ chút nào. Còn từ nông choèn, tôi hỏi khá nhiều người có hiểu nghĩa không thì tất cả đều không hiểu và cho rằng: “Lần đầu tiên nghe từ này”. Tôi đem bài tập này cho học sinh THPT làm. Khoảng hơn 10 phút, trong số 41 học sinh thì có 26 em không tìm được từ nào, 10 em viết đúng từ có vần oen nhưng không có nghĩa, 5 em viết đúng; trong đó có 2 em sử dụng kim từ điển và 1 em dùng từ điển Tiếng Việt. Như vậy, chỉ có 2 em làm đúng mà không cần sử dụng từ điển.

Văn bản nhật dụng không phù hợp với hiện tại

Chương trình ngữ văn 8, tập 1 có ba bài văn bản nhật dụng là Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000; Ô dịch, thuốc lá; Bài toán dân số có nội dung và số liệu không còn phù hợp với thời đại. Như bài Ô dịch, thuốc lá được ghi chú: Theo Nguyễn Khắc Viện, trong Từ thuốc lá đến ma túy – Bệnh nghiện, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992. Điều đó cho thấy nguồn tài liệu cách nay 25 năm thì ắt hẳn không phù hợp với bây giờ. Nếu cần đưa vấn đề này vào chương trình thì nên đưa kiến thức gần gũi, cụ thể, thiết thực trong những năm gần đây. Hay Bài toán dân số cũng vậy, được ghi chú: Theo Thái An, Báo Giáo dục & Thời đại Chủ nhật, số 28, 1995.

Văn học cổ xa lạ với học sinh

Cụ thể là các thể loại phú, hịch, cáo, văn tế xa lạ với cuộc sống hiện nay lại đưa vào quá nhiều. Chính vì sự quá nhiều này đã gây nhàm chán cho cả người dạy lẫn người học. Với những giáo viên trẻ, để truyền đạt cho học sinh đúng “hồn” của những tác phẩm văn học cổ này không phải chuyện dễ dàng. Nhiều giáo viên tìm hiểu rất kỹ nhưng khi giảng vẫn không truyền tải hết được cái hồn của nó, bởi bản thân giáo viên cũng khó tiếp nhận được cái hay, cái đẹp thực thụ. Chỉ có những “cây đa cây đề” có thể dạy tốt những tác phẩm này, nhưng học sinh vẫn khó tiếp nhận bởi các em vẫn chỉ là học sinh, vẫn chỉ là những con người của thời đại mới nên khó cảm thụ được. Nếu làm bài, học sinh có thể đạt điểm cao nhưng các em là người cảm thụ hộ thầy cô giáo.

Những đoạn trích kịch người học kém mặn mà

Những đoạn trích kịch ở ngữ văn lớp 9 như: Bắc Sơn (Trích hồi bốn) của Nguyễn Huy Tưởng, Tôi và chúng ta (Trích cảnh ba) của Lưu Quang Vũ rất hay. Tuy nhiên với thế hệ trẻ hôm nay, nhất là trình độ lớp 9, các em không mặn mà khi học những đoạn trích này. Nên chăng thay bằng những văn bản kịch gần gũi với đời sống của học sinh hôm nay. Theo tôi, nên lựa chọn những tác phẩm mới, nhất là những cây bút trẻ có những tác phẩm xuất sắc, nội dung gần gũi với đời thường hiện nay để đưa vào chương trình. Cần đưa một số tác phẩm hạt giống tâm hồn vào chương trình, bởi đó là những tác phẩm rất cần thiết để bồi dưỡng tâm hồn học sinh. 

Có thể nói sách giáo khoa hiện nay quá nhiều bất cập, kiến thức nặng, nhiều bài quá lạc hậu và xa rời thực tế. Nếu chỉ học kiến thức trong sách vở, nền giáo dục nước nhà sẽ tụt hậu, học sinh thiếu kiến thức thực tế. Bởi vậy, sách giáo khoa của nhiều bộ môn cần phải sớm thay đổi. Có thay đổi chương trình phù hợp thì mới thay đổi được phương pháp mới.

Thái Hoàng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)