Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều bài thi môn văn dưới điểm trung bình

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 2 ngày chấm thi THPT quốc gia 2019, theo nhiều giáo viên tham gia chấm thi tại TP.HCM, chất lượng bài thi môn văn năm nay không tốt như năm trước; số bài thi đạt điểm giỏi từ 8, 9 rất hiếm, phổ điểm chủ yếu dao động từ 5 đến 6. Thậm chí có giáo viên cho hay sau khi chấm 3 xấp bài (tương đương với 3 phòng thi) thì trung bình có tới 1/3 số bài (mỗi phòng) có điểm dưới trung bình. Theo các giáo viên chấm thi, thí sinh mất điểm nhiều nhất ở câu đọc hiểu – đề đọc hiểu nhưng phần nhiều thí sinh đọc… không hiểu. Bên cạnh đó, câu nghị luận văn học cũng quá khó khi đề chỉ cho một đoạn văn nhỏ mang tính phân loại thí sinh cao. “Có nhiều bài viết ở phần nghị luận văn học, thí sinh hầu như không viết được gì ngoài việc chép lại đoạn văn, viết lại đề hoặc “tán” sơ sơ. Hiếm hoi lắm mới có bài viết phân tích sâu sắc đoạn văn. Nhiều bài viết thí sinh chỉ làm theo kiểu “rặn ra để viết””, một giáo viên cho hay. Cũng theo giáo viên này, số bài thi có điểm dưới trung bình rất nhiều, dao động từ 4 đến dưới 5. Phổ điểm chủ yếu là 5, 6. Các bài điểm 7, 8 rất hiếm. Sở dĩ nhiều thí sinh không đạt 7, 8 điểm là vì mắc lỗi ở câu đọc hiểu. “Đáp án của Bộ GD-ĐT rất mở nhưng thí sinh lại không thể diễn đạt chạm đến các ý như đáp án, chủ yếu chỉ làm được từ 1 đến 2 ý của đáp án”, giáo viên trên cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo giáo viên này, tình trạng thí sinh sử dụng văn nói cũng xuất hiện trong nhiều bài viết, là một trong những lỗi khiến các em mất điểm. Giám khảo không quá khắt khe với thí sinh ở lỗi chính tả nhưng với việc sử dụng văn nói như “nhé, nào, chứ, thui…” sẽ khiến bài viết không đạt được điểm cao. Tương tự, một giáo viên khác cho hay dù mới chấm được 3 xấp bài thi (72 bài) nhưng số bài có điểm dưới trung bình rất nhiều, dao động từ 3-3,75 đến dưới 5. Các bài thi đạt điểm cao không nhiều, chỉ có khoảng 5 bài đạt trên 7 và 1 bài 8 điểm. Phổ điểm dao động từ 5 đến 6… Giáo viên này nhìn nhận, ở cả ba phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học, nghĩ là dễ nhưng để các em viết được điểm và đạt được điểm tuyệt đối, nhất là ở câu đọc hiểu thì lại không hề dễ. Cụ thể, ở các câu 2, 3, 4 của phần đọc hiểu, phần lớn thí sinh chỉ trả lời được 1 trong 2 ý của đáp án chứ hiếm trả lời trọn vẹn để có thể đạt điểm tuyệt đối. Chấm cả 3 xấp bài thì chưa có bài viết nào của thí sinh đạt được điểm tuyệt đối ở phần đọc hiểu. Ở câu nghị luận xã hội thì thí sinh lại không trả lời đúng được trọng tâm yêu cầu của nghị luận xã hội là nêu bật lên được sự tác động, ý nghĩa, hoặc sứ mạng vai trò của ý chí đối với cuộc sống của con người mà chỉ thiên về giải thích sức mạnh ý chí là gì. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh lại mắc lỗi là viết đoạn văn theo kiểu một bài văn thu nhỏ… Trong phần nghị luận văn học, đây là một đoạn trích tương đối khó để cảm thụ với bản thân thí sinh. Do vậy, các bài viết thường không đạt được chiều sâu yêu cầu của đề mà chủ yếu là diễn giải lại đoạn trích theo lời của mình. Một số thí sinh lại viết hết toàn bộ cảm nhận về bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, dẫn đến việc viết lan man, dài dòng mà không đạt điểm cao. Theo giáo viên này, dù đề thi không cho thí sinh cơ hội bày tỏ những quan điểm liên quan đến thời cuộc hay trước những vấn đề mới mẻ nhưng mang tính phân hóa cao, sẽ giúp chọn lọc ra những thí sinh thật sự xuất sắc.

Quang Long

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)