Khi nào nên điều chỉnh nguyện vọng? Đã nhận giấy báo trúng tuyển nhưng muốn đổi ngành được không?… Đó là băn khoăn của các em học sinh trong chương trình tư vấn “Tâm lý, sức khỏe mùa thi và chọn nguyện vọng thông minh” năm 2023 diễn ra tại Trường THPT Bình Phú (Q.6) mới đây.
Chuyên gia Tô Nhi A tư vấn tâm lý mùa thi cho các em học sinh Trường THPT Bình Phú
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Cân nhắc khi thay đổi nguyện vọng
Còn chưa đến 1 tháng là các em học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2023. Dù đã được thầy cô giáo tư vấn, thông tin về giai đoạn quan trọng này nhưng các em vẫn còn băn khoăn, lo lắng. Điển hình như trường hợp của một nữ sinh: “Em nghe nói trong quá trình xét tuyển vào ĐH, CĐ, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy, chúng em có thể điều chỉnh được bao nhiêu lần và điều chỉnh như thế nào là hợp lý?”. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm 2023, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần. Tuy nhiên, các em nên cân nhắc thật kỹ trước khi điều chỉnh, không nên điều chỉnh quá nhiều lần vì có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Theo đó, các em nên điều chỉnh trong trường hợp mình đã chọn được một ngành khác phù hợp hơn, hay ngành đó được ba mẹ ủng hộ hoặc cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn… Các em không nên thay đổi nguyện vọng theo đám đông, theo bạn bè hay thông tin từ mạng xã hội. “Có nhiều em đã chọn được ngành nhưng nghe thông tin ở đâu đó là ngành mình lựa chọn vài năm nữa sẽ không cần nhân lực, thế là đổi nguyện vọng. Đây là việc không nên, vì việc điều chỉnh nguyện vọng phải dựa theo sở thích, đam mê và thị trường lao động; trong khi những thông tin mà các em có được chưa chắc chính xác và chưa xác thực. Chính vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ khi muốn thay đổi nguyện vọng, vì qua thời gian này các em chọn ngành nào phải theo ngành đó và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất một ngành ở một trường, không được thay đổi”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung lưu ý.
Cũng liên quan đến việc đổi nguyện vọng, một học sinh khác băn khoăn: “Nếu sau khi nhận giấy báo trúng tuyển mà thí sinh muốn đổi ngành thì có được không?”. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết, tầm ngày 15-7, thí sinh sẽ biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, những trường nhận hồ sơ xét tuyển của các em sẽ thông báo kết quả. Nếu thời điểm các em nhận giấy báo trúng tuyển còn trong khoảng thời gian cho phép điều chỉnh nguyện vọng (thời gian cho phép đổi nguyện vọng từ ngày 10 đến 30-7) thì các em có thể đổi ngành như mong muốn.
Nên chuẩn bị phương án dự phòng
Để vững tâm thế trong mùa thi, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cho rằng các em học sinh nên chuẩn bị phương án dự phòng để lỡ chẳng may không vào được ĐH còn có hướng đi khác. Theo đó, các em có thể tự đặt và trả lời các câu hỏi: Nếu không đậu nguyện vọng 1 thì phải làm sao, đã chọn ngành gì cho nguyện vọng 2, nắm được hệ thống điểm sàn của ngành mình đã đăng ký ở năm trước chưa… Và cuối cùng, nếu chẳng may không vào được ĐH thì phải làm thế nào? Nếu trả lời được những câu hỏi này thì các em không cần phải lo lắng và tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT. Cho dù kết quả có như thế nào thì các em cũng hài lòng, không hối tiếc vì bản thân đã cố gắng hết sức. Dù vậy, các em sẽ không tránh khỏi việc bị ba mẹ cằn nhằn, trách móc nếu không vào được ĐH. Để ba mẹ không những không la mắng mà luôn quan tâm động viên, các em phải học hành chăm chỉ, nghiêm túc. “Nhiều em có tâm lý không chịu ôn thi trước đó mà đợi “nước tới chân mới nhảy” khiến ba mẹ không hài lòng. Đến khi không vào được ĐH, các em bảo ba mẹ không la mắng là chuyện không thể. Do đó, các em nên có kế hoạch ôn thi từ trước, sau đó chia sẻ cho ba mẹ biết tình hình ôn luyện, chuẩn bị kỳ thi của mình để ba mẹ nắm và hỗ trợ; nếu chẳng may kết quả thi không như mong muốn thì cũng không bị ba mẹ trách phạt”, chuyên gia Tô Nhi A nói.
Một học sinh Trường THPT Bình Phú đang nhờ chuyên gia giải đáp các băn khoăn về việc chọn ngành, chọn trường học phù hợp năng lực
Một điều nữa mà chuyên gia Tô Nhi A nhắc nhở các em học sinh, đó là kế hoạch ôn thi. Các em không học dồn ép mà nên “học đâu chắc đó”. Tốt nhất các em nên tránh xa điện thoại trong khoảng 10 ngày trước kỳ thi, vì điện thoại không những không giúp được bản thân mà còn khiến các em hoang mang, lo lắng nếu chẳng may đọc được những thông tin xấu. Vào phòng thi, các em nên đọc đề thi cẩn thận, làm đúng đề. Nếu lỡ mất bình tĩnh hãy áp dụng bất cứ cách gì mà bản thân cảm thấy có thể lấy lại tinh thần. Ví dụ, các em có thể hít vào thở ra, tự nhủ với bản thân nếu thi đậu tốt nghiệp sẽ tự thưởng cho mình chuyến đi chơi… Như thế, các em sẽ có động lực để làm bài và vượt qua kỳ thi tốt nhất.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), học sinh nên lưu ý các mốc thời gian quan trọng và ổn định tinh thần, sức khỏe để tránh những sai sót đáng tiếc. “Hàng năm có những em học rất tốt nhưng đến ngày thi lại trục trặc về sức khỏe dẫn đến kết quả không như mong muốn. Chính vì vậy, ngoài việc đã chuẩn bị kỹ kiến thức thì việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng rất quan trọng”, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Trong trường hợp học sinh không trúng tuyển vào ngành mình yêu thích, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch khuyên các em không nên quá lo lắng vì còn nhiều cơ hội khác. Theo đó, các em có thể chọn ngành liên quan với ngành mình yêu thích ở một trường khác có điểm trúng tuyển thấp hơn để học. “Hiện nay có nhiều ngành có tên gọi khác nhau nhưng nội dung đào tạo gần giống nhau, ra trường làm vị trí công việc gần như nhau. Kiến thức giảng dạy ở trường chỉ là một phần, còn lại do bản thân người học tự học. Nếu các em chịu khó tìm hiểu, trau dồi ắt sẽ đạt được ý muốn”, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)