Dù được đánh giá có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn trong xét tuyển nhưng việc dự thảo quy chế tuyển sinh 2022 ban hành trong thời điểm các trường đã nhận hồ sơ xét tuyển khiến nhiều trường băn khoăn.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 vừa được Bộ GD-ĐT công bố có nhiều điểm mới. Đặc biệt là những điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong đăng ký xét tuyển và lọc ảo các phương thức.
Các trường có bắt buộc tham gia lọc ảo chung ?
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, dự thảo quy chế có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác xét tuyển. Chẳng hạn như việc đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ và trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tất cả các phương thức xét tuyển của các trường.
“Dự kiến điểm học tập THPT được cập nhật trên toàn bộ hệ thống, thí sinh (TS) không cần phải photo công chứng hồ sơ, trường THPT không phải xác nhận hồ sơ xét tuyển mà chỉ cần kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ngành. Đây là một điều tích cực vì với việc số hóa dữ liệu sẽ tiết kiệm chi phí, công sức của cả học sinh, trường THPT và trường ĐH”, ông Lý nhìn nhận.
Nhiều thí sinh đã dự thi và đăng ký xét tuyển ĐH bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. NGỌC DƯƠNG
Bên cạnh đó, ông Lý cũng chỉ ra một điểm rất đáng chú ý là quy định tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Theo đó, các trường có thể xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh, thực hiện quy trình xét tuyển nhưng không được yêu cầu TS xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Bộ sẽ xây dựng phần mềm lọc ảo chung. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, cách làm này sẽ hạn chế tình trạng một TS trúng tuyển nhiều trường và tỷ lệ trúng tuyển ảo của các trường khá cao như mọi năm. Người học phải xác định rõ ngành, trường mà mình yêu thích và chọn phương thức mình có khả năng trúng tuyển cao nhất.
“Điều này tránh được hiện tượng một TS “rải” hồ sơ ở nhiều trường với nhiều phương thức khác nhau, trúng tuyển nhiều phương thức và tỷ lệ trúng tuyển ảo ở các trường khá cao. Các trường ĐH trong quá trình xét tuyển ở những năm trước rất “đau đầu” về tỷ lệ ảo này nên nhiều trường đã phải gọi trúng tuyển với tỷ lệ trên 200% ở một số ngành. Việc lọc ảo chung sẽ giải quyết tình trạng ảo trong quá trình xét tuyển”, ông Lý nhấn mạnh.
Trước đây thí sinh được trúng tuyển nhiều phương thức xét tuyển và chọn 1 phương thức để nhập học. Nhưng nếu việc xét tuyển đồng thời các phương thức và thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất này, người học sẽ không có nhiều cơ hội trúng tuyển các phương thức khác nhau như trước đây. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa,nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM |
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thì băn khoăn trong dự thảo quy chế Bộ chỉ sử dụng cụm từ “hỗ trợ” các trường trong công tác lọc ảo tuyển sinh, điều này có thể không bắt buộc tất cả các trường cùng tham gia. Theo ông Nghĩa, những năm trước Bộ đã hỗ trợ các trường lọc ảo với phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thực tế không phải tất cả các trường đều tham gia phần mềm lọc ảo chung này. Cụ thể, nhóm lọc ảo phía bắc chỉ có hơn 50 trường, nhóm phía nam hơn 90 trường và tính chung cả nước khoảng hơn 50% số trường tham gia hệ thống này.
“Năm nay, điểm mới của quy trình này chỉ khác ở chỗ Bộ hỗ trợ lọc ảo chung cho tất cả các phương thức. Nhưng nếu không có quy định ràng buộc tất cả các trường phải tham gia hệ thống này thì tình trạng ảo e rằng chưa được giải quyết”, ông Nghĩa phân tích. Tuy nhiên, ông Nghĩa đề xuất những thay đổi điều chỉnh nên bắt đầu từ năm sau, khi có sự trao đổi, đồng thuận của các trường.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng việc hỗ trợ lọc ảo chung sẽ giúp cân đối tỷ lệ TS trúng tuyển và nhập học ở từng trường. Các trường có số lượng TS xác nhận nhập học quá chỉ tiêu có thể chia sẻ nguồn tuyển cho các trường khác.
Lo ngại hạn chế cơ hội trúng tuyển của thí sinh
Trong các điểm mới của dự thảo quy chế, việc tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm trước khi đăng ký trên hệ thống theo kế hoạch chung là nội dung khiến nhiều trường băn khoăn.
Đặc biệt là nội dung cho phép TS đã dự tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ. Trong đó, trường hợp TS đã đủ điều kiện trúng tuyển 1 nguyện vọng được tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống chung. Việc đặt nguyện vọng này tùy thuộc TS muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm hay mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, quy chế được ban hành vào thời điểm này là khá trễ vì thực tế một số trường đã tiến hành nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS. “Nếu bây giờ Bộ yêu cầu phải đăng ký chung vào một phần mềm lọc ảo thì TS phải đăng ký lại hoặc các trường phải tải dữ liệu mà TS đã đăng ký lên hệ thống, việc này chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót về mặt kỹ thuật”, tiến sĩ Lý nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa lo ngại: “Hiện nhiều trường đã nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức riêng dựa vào học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng… Theo như dự thảo, TS đã đăng ký xét tuyển học bạ vào 1 trường thời điểm này vẫn phải đăng ký xét tuyển lại trên hệ thống chung. Thông tin TS đăng ký 2 thời điểm có thể giống hoặc khác nhau. Nếu khác nhau thì xảy ra tình trạng “lệch” dữ liệu đăng ký xét tuyển giữa 2 hệ thống và việc xét tuyển sớm của các trường có thể không còn ý nghĩa gì”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, tình huống trên không chỉ gây rối với các trường trong thực hiện xét tuyển các phương thức riêng mà quan trọng là còn tác động tới TS. Chẳng hạn, dự thảo nêu rõ TS thể hiện nguyện vọng trong phiếu đăng ký dựa trên nguyện vọng ưu tiên nhất, trường, ngành, chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển (với phương thức thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ).
“Trước đây TS được trúng tuyển nhiều phương thức xét tuyển và chọn 1 phương thức để nhập học. Nhưng nếu việc xét tuyển đồng thời các phương thức và TS chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất này, người học sẽ không có nhiều cơ hội trúng tuyển các phương thức khác nhau như trước đây”, ông Nghĩa giả định.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)