Sau bài Trò nghèo trường Amsterdam viết về đồng tiền, PV nhận được nhiều tâm sự của bạn trẻ thể hiện sự hối lỗi khi chưa hiểu được giá trị đồng tiền, còn "vòi" bố mẹ để mua sắm những thứ không cần thiết.
Hùng Phát tâm sự, đọc bài văn này cậu không cầm được nước mắt. Thực tế, gia đình Phát không khá giả, cũng túng thiếu và cần tiền để duy trì cuộc sống. Thế nhưng cậu lại luôn sử dụng tiền mồ hôi, nước mắt của bố mẹ vào những việc vô bổ như chơi game, mua sắm đồ cho cá nhân.
"Bạn đã làm cho tôi và rất nhiều người không chỉ hiểu thêm về ý nghĩa đồng tiền mà hiểu thêm tình thương, trách nhiệm với cha mẹ mình nhiều hơn. Cảm ơn bạn, chúc bạn thành công", độc giả Phát viết.
Còn bạn Hồng Vân cho hay, khi đọc xong bài văn của Nguyễn Trung Hiếu, cô rất xúc động. Vân cũng giật mình nhìn lại bản thân, thấy mình thật may mắn bởi từ nhỏ luôn được cha mẹ thương yêu, chăm sóc chu đáo.
"Tôi chưa bao giờ biết hết được giá trị của đồng tiền, cũng như chưa từng biết thương mẹ, chỉ biết hết tiền là về xin mẹ thôi. Nhưng chính suy nghĩ, bài văn của Hiếu đã thức tỉnh tôi", Vân bộc bạch.
Các độc giả Văn Cương, Nguyễn Tùng cũng bày tỏ cảm xúc hối hận khi bản thân đang sống chưa lành mạnh. Là sinh viên, gia đình bình thường nhưng các bạn luôn nghĩ ra các khoản tiền phải chi để xin bố mẹ mà không nghĩ làm cách nào để bố mẹ có số tiền ấy.
Hiếu nhận được sự chia sẻ của hàng nghìn độc giả. Ảnh: Hoàng Thùy. |
"Dẫu biết rằng xã hội vẫn còn rất nhiều cảnh đời khó khăn, bất hạnh hơn em, nhưng khi đọc bài văn, tôi thấy cảm phục em vì khi ở tuổi 16, tôi vẫn vô tư không hiểu được nỗi khổ của bố mẹ, không hiểu được giá trị của đồng tiền đối với gia đình mình như thế nào", độc giả Thành nói và nhắn nhủ, Hiếu hãy cố gắng lên, bởi cuộc sống sẽ không quay lưng lại với đứa con ngoan, trò giỏi như em.
Độc giả Trịnh Công Chung thì thấy "đau nhói trong tim" khi bố mẹ cậu bây giờ đã gần 60 tuổi mà vẫn chưa được nghỉ ngơi, vẫn phải kiếm tiền nuôi con ăn học. "Anh sẽ lấy em làm tấm gương cho mình. Anh mong em hãy giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tốt hơn nữa để đạt được những điều em mong muốn, mang lại hạnh phúc cho gia đình và những người còn bất hạnh", Chung nói.
Đồng cảm với Hiếu, độc giả Tuấn Anh tâm sự, anh cũng đã trải qua một thời như thế ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Tuấn Anh cho hay, anh từng phải "đóng giả" con gái đi nhổ cỏ thuê, cuốc ruộng, câu cá đồng… để đổi lấy gạo. Anh không bao giờ có khái niệm ăn sáng, thậm chí ăn trưa.
"Ngày ấy, mỗi bữa cơm đến anh thấy thương hạt gạo lắm, bởi nó gánh quá nhiều khoai sắn. Nhưng mọi thứ rồi sẽ qua đi nếu chúng ta có niềm tin và nghị lực phấn đấu vươn lên. Cố lên Hiếu nhé", Tuấn Anh an ủi.
Không chỉ những người trẻ, bài văn bàn về tiền của Hiếu còn nhận được sự quan tâm của hàng nghìn độc giả đủ mọi lứa tuổi. Độc giả Lê Vân nhận xét đây là bài văn lạ, lạ đến nỗi ông bàng hoàng sau khi đọc. Ông cho hay, có con gái là cô giáo dạy văn nhưng chưa từng đọc được bài văn nào cảm động đến vậy. "Thật sự tôi thấy rất đau lòng khi một tâm hồn non nớt phải đánh giá đồng tiền", ông nói.
Ông Nguyễn Hữu Lưu ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, ông đã khóc thành tiếng khi đọc bài viết là bức thư gửi mẹ của Hiếu. Ông cho biết, có cậu con trai trùng họ tên với Hiếu nhưng anh ấy may mắn hơn khi có cha mẹ khỏe mạnh, cuộc sống vật chất tuy không khấm khá nhưng cũng đủ để tồn tại mà không sợ đứt hơi như Hiếu.
"Bác quá bất ngờ khi một học sinh chuyên Lý lại trải lòng mình bằng một bài văn súc tích và cảm động đến vậy. Bác cũng có tâm sự về đồng tiền mà gói gọn chỉ có mấy chữ Tiền là quý nhưng không phải là tất cả. Bác đã về hưu nên tình nguyện làm xe ôm miễn phí để đưa mẹ cháu đi chạy thận mỗi tuần 3 buổi", ông Lưu đề nghị.
Là giáo viên dạy văn, độc giả sonhuynh nhận xét, là học sinh chuyên Lý nhưng Hiếu đã buông những giọt văn của cuộc đời đầy trải nghiệm. "Giữa một kỷ nguyên công nghệ số, là giáo viên văn, chúng tôi ước ao được đọc và chấm những bài văn như thế", độc giả nói.
Người giáo viên cho rằng, tuổi 16 chưa va chạm nhiều trong cuộc sống và Hiếu đã không khám phá nội hàm của đồng tiền, em chỉ khám phá những sắc màu cuộc sống, một cuộc sống rất thật, không cổ tích.
"Đừng ghét tiền nữa Hiếu! Hãy chạm vào đồng tiền một cách có văn hóa, trí tuệ và bản lĩnh, em sẽ thấy tiền có sức mạnh vạn năng. Tôi hy vọng, với ý chí vững vàng, trái tim đa cảm, đôi tay đầy nghị lực…, em sẽ tạo nên những đồng tiền thanh sạch và nhân bản, biến nó thành mái chèo đưa con thuyền gia đình vượt cơn bão đời nghiệt ngã", độc giả sonhuynh nhắn nhủ.
Còn độc giả Nguyễn Hồng Quân thì nhận định, Hiếu là một tấm gương sáng cho rất nhiều người. Ông Quân cho rằng bệnh của ông bà Hiếu là bệnh của người già, của tuổi tác nên sự bảo trợ của họ là hạn chế, thời gian không dài. Còn bệnh của bố mẹ cậu chỉ cầm chừng như sống chung với lũ.
"Cháu là nhân tài của đất nước. Chúng ta đang cần có nhiều người vừa có tài, vừa có đức. Với nghị lực của cháu, nếu học hành tốt thì giúp được cả nghìn người chứ không chỉ vài em nhỏ lang thang cơ nhỡ đâu Hiếu ạ", ông Quân nói.
Bên cạnh việc bày tỏ tình cảm với Hiếu, nhiều độc giả cũng cho rằng, Hiếu đã học lớp 11, lại cao 1,7 m nên có thể đi làm thêm để va chạm cuộc sống, vừa giúp gia đình, bố mẹ. Đó là những việc mà nhiều bạn học sinh trên cả nước đã và đang thực hiện.
Với sự hỗ trợ của Tienphongbank, em Nguyễn Trung Hiếu đã có tài khoản cá nhân. Mọi sự giúp đỡ xin gửi theo số tài khoản của Hiếu là 00054934 001, ngân hàng Tienphongbank. |
Theo Hoàng Thùy
(vnexpress)
Bình luận (0)