Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nhiều bất cập trong chính sách đào tạo nghề cho người lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều chính sách đào tạo nghề chưa sát với thực tiễn.
Học viên đang học tại Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp của Bosch Việt Nam  /// Ảnh: Đăng Nguyên
Học viên đang học tại Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp của Bosch Việt Nam. ẢNH: ĐĂNG NGUYÊN
Ngày 23.10, tại Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức ở TP.HCM, bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết các chính sách liên quan đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) chưa sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp (DN) và NLĐ.
Cụ thể, luật Việc làm năm 2013 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề và Nghị định 28 năm 2015 quy định chi tiết điều kiện được hưởng hỗ trợ nhưng từ năm 2013 đến nay, chưa có DN nào ở tỉnh Bình Dương gửi hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ. Nguyên nhân vì các điều kiện tiếp cận quá khắt khe, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và không quá 6 tháng là quá thấp, nhiều DN không muốn đầu tư cơ sở vật chất đào tạo nghề để không bị giảm doanh thu, lợi nhuận. “Về phía NLĐ, khi đang thất nghiệp họ chỉ muốn tìm việc ngay để có tiền trang trải cuộc sống nên không mặn mà với việc học nghề mới”, bà Mai chỉ ra bất cập và đề nghị cần sửa đổi quy định cho phù hợp với nhu cầu dạy và học nghề của NLĐ, tăng mức hỗ trợ dạy nghề.
Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động VN, nhìn nhận các nội dung trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về chính sách đối với NLĐ rất căn bản và mang tính chất đột phá. Theo đó, chính sách tiền lương được cải cách theo hướng tiệm cận với giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng năng suất lao động, chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế… Bên cạnh đó, đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.
Với những vấn đề mới được đặt ra, ông Hải kỳ vọng T.Ư sẽ cụ thể hóa bằng các chính sách, quy định để NLĐ được hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo phúc lợi xã hội đầy đủ. Vấn đề tiền lương phản ánh giá trị thị trường về sức lao động nhưng cũng đặt ra chính sách phù hợp nhằm cải thiện cuộc sống và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của NLĐ với các tầng lớp khác trong xã hội. Quan trọng nhất là NLĐ cảm nhận được sự đóng góp của mình cho xã hội và nhận được sự quan tâm toàn diện.
Về chính sách BHTN, ông Hải cho rằng trước sức ép của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều lĩnh vực lao động mới xuất hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ các ngành thâm dụng lao động vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng cơ cấu lực lượng lao động. Đây là lực lượng chịu ảnh hưởng đầu tiên nên các chính sách BHTN phải thay đổi theo hướng mở ra cơ hội học tập cho NLĐ, giúp họ sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi môi trường làm việc.
Theo Thu Ngân – Sỹ Đông/TNO

 

Bình luận (0)