Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều bất hợp lý trong chấm thi

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 12-10, tại hội thảo về công tác khảo thí và kiểm định chất lượng (do Bộ GD-ĐT tổ chức ở TP.HCM), nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại về việc các tỉnh thành chấm chéo bài thi tốt nghiệp THPT.
Ông Trần Hữu Tháp, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, nêu bức xúc: “Bộ GD-ĐT nên đánh giá lại hiệu quả của vấn đề chấm chéo. Tổ chức chấm như thế các tỉnh phải có một chuyến xe chở bài thi đi, một chuyến giao kết quả thi, một chuyến giao bài phúc khảo… hết sức phức tạp, tốn kém và nguy hiểm. Quan trọng là cái “gốc” của vấn đề: nếu chấm chéo mà giám khảo chưa có chuyên môn vững, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với thí sinh thì vẫn xảy ra chuyện không hay”.
Một số đại biểu cũng phản ảnh những bất hợp lý trong quy chế chấm phúc khảo (kỳ thi tốt nghiệp THPT). Ông Phạm Thành Mận, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hậu Giang, nêu: “Quy định điểm bài thi phải thấp hơn điểm trung bình môn học từ 2 điểm trở lên thí sinh mới được phúc khảo” là quá ngặt nghèo, điểm chênh lệch là 1 thì vừa phải hơn. Tôi thấy nhiều em đạt 29 hoặc 29,5 điểm nhưng đành chịu rớt tốt nghiệp vì không đủ điều kiện xin chấm phúc khảo”.
Ông Trần Văn Chương, giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhấn mạnh: “Công tác phúc khảo hiện đang có vấn đề. Trên thực tế, nhiều thí sinh bị chấm điểm 0 một cách oan uổng. Thí sinh khiếu nại thì những người liên quan lại chậm xử lý. Chỉ khi nào phụ huynh làm quyết liệt, đòi xem lại bài thi vấn đề mới được giải quyết”.
“Khi có kết quả phúc khảo, lệch bao nhiêu điểm tôi nghĩ ngành giáo dục cũng phải điều chỉnh cho thí sinh vì lỗi là do người chấm, không phải lỗi của thí sinh. Quy định lệch 1 điểm mới điều chỉnh kết quả bài thi là không hợp lý, vì có em chỉ thiếu nửa điểm cũng phải chịu rớt tốt nghiệp” – ông Nguyễn Hồng Oanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, đề nghị.
HOÀNG HƯƠNG (TTO)

Bình luận (0)