Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhiều bệnh nhân thoát chết nhờ… xe cấp cứu 2 bánh

Tạp Chí Giáo Dục

“Chỉ trong vòng khoảng 5 phút sau khi nhận cuộc gọi, bác sĩ (BS) cùng điều dưỡng đã điều khiển xe cấp cứu 2 bánh luồn lách vào các ngõ hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, kịp thời có mặt để sơ cấp cứu cho bệnh nhân, cứu sống nhiều trường hợp”, BS.CKII Nguyễn Khắc Vui – Giám đốc BV Đa Khoa Sài Gòn – cho biết.

Xe cấp cứu 2 bánh của BV Đa khoa Sài Gòn lên đường cứu người. Ảnh: Trịnh Thiệp

Theo BS Vui, trong 20 ngày đưa vào sử dụng xe 2 bánh để đi cấp cứu, trạm cấp cứu của BV đã điều 26 lần xe 2 bánh đến hỗ trợ người dân. Trong đó có 9 lần BV chỉ cần điều xe cấp cứu 2 bánh đến nhà người dân. Các BS đã sơ cứu, khám bệnh, kê đơn và tư vấn người bệnh mà sau đó không cần sự hỗ trợ của xe cứu thương; 17 trường hợp còn lại thuộc các tình huống tai nạn giao thông, các bệnh lý cần phải nhập viện khẩn cấp, BV đã điều động cùng lúc xe cấp cứu 2 bánh và xe cứu thương. Theo đó, BS đi xe cấp cứu 2 bánh đến trước để kịp thời sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến để chuyển bệnh nhân về BV điều trị.

BS Vui chia sẻ: “Từ khi sử dụng xe cấp cứu 2 bánh, số lượt đi cấp cứu ngoại viện tại BV đã tăng 30% so với giai đoạn trước đây khi chỉ dùng xe cứu thương đi cấp cứu. Hiệu quả của những đợt sơ cấp cứu cũng được nâng lên đáng kể, nhiều trường hợp người bệnh được cấp cứu kịp thời, hạn chế tỷ lệ tử vong, tỷ lệ biến chứng do can thiệp muộn. Sắp tới, dự kiến BV sẽ tăng cường nhân lực cấp cứu ngoại viện, đặc biệt là cấp cứu bằng xe 2 bánh nhằm đảm bảo tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân…”.

Là thành viên thuộc trạm cấp cứu ngoại viện của BV Đa khoa Sài Gòn, BS Trần Điền Tú đã trực tiếp tham gia hàng chục ca cấp cứu bằng xe 2 bánh, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân thoát khỏi “tử thần”.

BS Tú kể, mới đây trạm cấp cứu ngoại viện nhận được cuộc gọi từ gia đình của 2 bệnh nhi quốc tịch Anh, gốc Việt – cả 2 bệnh nhi (bé trai nhỏ 4 tuổi, bé trai lớn 6 tuổi) đều trong tình trạng sốt cao, co giật… Nhận định tình hình khẩn cấp, trạm cấp cứu của BV đã điều động xe cấp cứu 2 bánh đến trước để nhanh chóng sơ cấp cứu, đồng thời điều động xe cấp cứu 4 bánh đến vận chuyển cả 2 bệnh nhi đến BV cấp cứu. Kết quả, cả 2 bé bị nhiễm siêu vi, may mắn được điều trị kịp thời, không ảnh hưởng đến tính mạng. Một trường hợp khác là thai phụ 31 tuần tuổi (Q.4) bị đau bụng, xuất huyết âm đạo, dọa sinh non. Nhận được cuộc gọi cấp cứu, đội ngũ cấp cứu xe 2 bánh tức tốc lên đường, khoảng 5 phút BS đã đến nơi nhưng nhà của thai phụ ở sâu trong con hẻm nhỏ, phải luồn lách mới đi vào được. Trong quá trình chờ xe cứu thương 4 bánh, bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp. Sau đó thai phụ được chuyển lên xe đưa đến BV Từ Dũ, cả 2 mẹ con đều may mắn vượt qua được thời khắc nguy hiểm.

TP.HCM ra mắt trung tâm cấp cứu vệ tinh thứ 26

Ngày 4-12, tại BV Quốc tế City đã ra mắt Trạm vệ tinh Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM. Tham dự có PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM; Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM Nguyễn Duy Long.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, trong thời gian qua, số lượng cuộc gọi cấp cứu của người dân trên địa bàn TP đều tăng lên mỗi năm, cho thấy mạng lưới cấp cứu của TP đã và đang ngày càng phát triển, thu hút được niềm tin của bệnh nhân. Nhiều người dân có những phản hồi tích cực khi bác sĩ đã tiếp cận nhanh, kịp thời sơ cấp cứu, cứu sống người bệnh. Với sự ra mắt của Trung tâm Cấp cứu vệ tinh thứ 26 của TP đặt tại BV Quốc tế City, Sở Y tế TP hi vọng mạng lưới cấp cứu trên toàn TP sẽ ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sơ cấp cứu của người dân.

“TP hiện đang trong quá trình thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh, nhằm kịp thời hỗ trợ sơ cấp cứu cho người bệnh trong những trường hợp đặc biệt. BV Quốc tế City sớm nghiên cứu phương án và triển khai mô hình này để ngày càng làm tốt hơn nữa công tác cấp cứu cho người dân…”, BS Thượng đề nghị.

H.Thương

Ngoài ra, theo BS Tú còn nhiều trường hợp bệnh nhân trung niên, lớn tuổi có những cơn tăng áp, đột quỵ, co giật, động kinh… “Điều đáng mừng là hầu hết người dân sử dụng và chứng kiến dịch vụ này đều hài lòng vì BS đến rất nhanh so với trước đây. Sau khi nghe tin báo, trung bình chỉ từ 3 đến 5 phút, xa hơn thì không quá 15 phút là BS đã tiếp cận được người bệnh. Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm, giao thông ùn ứ, kẹt xe nhiều nơi thì xe cấp cứu 2 bánh cũng vẫn đến với người bệnh một cách nhanh nhất”, BS Tú nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, mô hình xe cấp cứu 2 bánh là một trong nhiều loại hình xe cấp cứu trên thế giới đã sử dụng. Tại TP.HCM, trong các tình huống hẻm nhỏ, kẹt xe… thì xe cấp cứu 2 bánh cũng là một phương án lựa chọn đảm bảo được lực lượng cấp cứu đến hiện trường nhanh, đảm bảo sơ cấp cứu ban đầu kịp thời. Từ thực tế thí điểm, Sở Y tế TP.HCM vừa chấp nhận cho BV Q.1, 2, 4, Thủ Đức và Trung tâm Cấp cứu 115 tham gia thử nghiệm bổ sung loại hình xe cấp cứu 2 bánh cho các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các BV này.

Hoài Thương

Bình luận (0)