Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhiều bệnh truyền nhiễm từ chuột

Tạp Chí Giáo Dục

Đặt bẫy là một trong những cách diệt chuột hữu hiệu. Ảnh: T.L

Thời gian gần đây, người dân vô cùng hoang mang bởi sự “nổi loạn” của chuột. Chúng không chỉ cắn phá đồ đạc, thức ăn, gây mất vệ sinh mà còn cắn cả người. Theo ThS.BS Lê Hồng Nga – Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: “Chuột là ổ chứa của khá nhiều tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, trong đó có những bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao”…
Chuột có thể lây lan 35 bệnh
BS. Hồng Nga khẳng định: “Trên thế giới, các loài chuột có thể làm lây lan 35 bệnh khác nhau. Có những bệnh lây trực tiếp sang người qua phân, nước tiểu, nước bọt của chúng như sốt xuất huyết với hội chứng thận, dịch hạch, bệnh vàng da xuất huyết do Leptospira, sốt xuất huyết với hội chứng thận do Hantavirus. Ngoài ra, có những bệnh lây từ chuột sang người thông qua trung gian là bọ chét hoặc ve như bệnh dịch hạch, sốt xuất huyết Omsk, sốt núi đá, viêm não ngựa miền Tây… Một số bệnh lây sang người qua vết cắn như bệnh dại, sốt do chuột cắn. Bên cạnh đó, chuột là nguồn lây bệnh nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella thông qua việc chúng thải phân mang những chủng Salmonella gây bệnh làm ô nhiễm thức ăn, nước uống của người”.
Tại Việt Nam, có ít nhất 5 bệnh do chuột gây ra. Trước tiên phải kể đến bệnh dịch hạch. Khi nhiễm, người bệnh thường có các triệu chứng là sốt, ớn lạnh và viêm hạch (biểu hiện qua tình trạng sưng, nóng, đỏ và đau). Ngoài ra còn có dịch hạch thể phổi với biểu hiện viêm phổi nặng và có thể lây lan từ người sang người. Bên cạnh đó là bệnh do Hantavirus, biểu hiện lâm sàng của bệnh thường xuất hiện sau 1-2 tuần, khởi phát với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, xuất huyết tương tự như sốt xuất huyết Dengue (do muỗi) nhưng giai đoạn cuối của bệnh có xuất hiện triệu chứng suy thận. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiếp đến là bệnh vàng da xuất huyết, khởi phát với các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau cơ, sung huyết kết mạc, nổi hồng ban. Ngoài ra còn có bệnh sốt chuột cắn là bệnh do các vi khuẩn sống trong khoang hô hấp trên của chuột gây ra. Bệnh khởi phát sau 2-10 ngày bị chuột cắn. Các triệu chứng là sốt, đau cơ, đau khớp, nôn ói, nổi hồng ban, có thể xuất huyết. Cuối cùng là bệnh do vi khuẩn Salmonella, bệnh khởi phát trong vòng 12-17 tiếng sau khi nhiễm với các triệu chứng tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng…
Phòng ngừa các bệnh liên quan đến chuột
“Các bệnh do chuột lây truyền hầu hết đều chưa có vaccine phòng ngừa. Vì vậy, để phòng ngừa sự lây nhiễm các bệnh trên cho người, cần thiết phải kiểm soát sự phát triển của chuột, hạn chế sự tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng”, BS. Hồng Nga khuyến cáo.
Trong điều kiện khí hậu nước ta, chuột sinh sản quanh năm, mạnh nhất từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Để kiểm soát sự sinh sôi nảy nở của chuột cần phải diệt chuột bằng các biện pháp như nuôi mèo, đặt bẫy, sử dụng hóa chất và keo dính chuột…
“Nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, người dân phải mang găng tay cao su cho xác chuột vào bao nilon nhiều lớp, gói kín lại và bỏ vào thùng rác. Nên sử dụng găng tay cao su khi dọn dẹp nhà trong trường hợp nghi ngờ có chuột để tránh sự tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu và phân chuột. Nếu phát hiện phân và nước tiểu của chúng phải dùng nước Javen để lau sạch bề mặt ô nhiễm, sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô. Không nên quét khô ở những bề mặt nhiễm phân và nước tiểu của chuột vì có thể hít phải bụi hoặc những giọt nước nhỏ mang mầm bệnh. Nhà cửa phải luôn gọn gàng, sạch sẽ nhằm hạn chế sự xâm nhập của chuột”, BS. Hồng Nga nhấn mạnh.
Trong trường hợp bị chuột cắn phải rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng bằng cồn hoặc Povidine. Người bị thương cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh.
Kim Anh

Bình luận (0)