Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều bộ SGK: Học, dạy và thi ra sao ?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi quyết định chủ trương xóa bỏ độc quyền SGK, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 phương án sử dụng sách. Một là, Sở GD-ĐT, hai là hiệu trưởng các trường sẽ chọn bộ SGK phù hợp để triển khai dạy và học ở địa phương, trường mình. Nói thì dễ, nhưng thực hiện còn trăm điều khó.
Chuyển từ độc quyền làm sách sang độc quyền dùng sách
Phương án Bộ GD-ĐT đưa ra là hiệu trưởng có thể chọn SGK. Ngay sau đó, phóng viên làm một cuộc "điều tra xã hội" nhỏ với hàng chục hiệu trưởng ở Hà Nội, câu trả lời đều là không thể. Dù là những hiệu trưởng có trình độ chuyên môn và quản lý giỏi nhưng họ đều từ chối "quyền" chọn SGK với những lý do mà những nhà quản lý không thể không tính đến.
Thứ nhất, muốn chọn SGK thì lại phải căn cứ vào một hội đồng bộ môn, phải có thời gian, điều kiện để đánh giá cuốn nào hay, hay ở chỗ nào, cuốn nào dở, vì sao? Một hiệu trưởng, chỉ có trình độ chuyên môn giỏi ở một môn khoa học làm sao chọn sách cho cả mười mấy môn? Nhiệm kỳ hiệu trưởng chỉ 5 năm, ai nhiều nhất thì cũng 2 nhiệm kỳ, hiệu trưởng kế nhiệm có dùng SGK hiệu trưởng tiền nhiệm đã chọn? Ngay cả trong một đời hiệu trưởng thì năm nay có 5 quyển, chọn trong 5 quyển ấy, sang năm thêm một vài quyển, có chọn lại không? Chọn xong lại phải tập huấn, phải dạy thử, phải soạn giáo án, vv và vv…
Thứ hai, mỗi trường một bộ SGK thì việc chỉ đạo chuyên môn của sở cũng sẽ gặp khó khăn. Lẽ dĩ nhiên, sở sẽ phải chuyển từ chỉ đạo theo SGK sang theo chuẩn CT và chuẩn kiến thức, nhưng bước chuyển ấy không dễ.
Vì thế, câu trả lời chung của tất cả hiệu trưởng khi được hỏi đều là "kính chuyển" quyền chọn SGK cho Sở GD-ĐT.
Không phải bây giờ ở nước ta mới sắp có chuyện cơ quan quản lý giáo dục địa phương chọn SGK mà trước kia, khi còn tồn tại 3 bộ SGK Toán, 2 bộ SGK Ngữ văn, việc này đã được thực hiện. Cách làm này tiện cho việc chỉ đạo và trên thực tế đã diễn ra tình trạng vùng, miền nào dùng sách của tác giả miền đó. Nay, nhiều bộ SGK để phù hợp với vùng, miền thì xu hướng này ắt sẽ xảy ra. Đấy là chưa kể đến những "tác động" của quan hệ, của phí phát hành. Cho nên, chuyện tỉnh nào dùng sách do NXB của tỉnh ấy ấn hành sẽ không phải hiếm. Ngay cả khi Sở chọn SGK thì việc có dùng nguyên bộ SGK của NXB này, nhóm tác giả kia hay sẽ chỉ chọn những quyển hay trong từng bộ sách cũng là một vấn đề đặt ra. Lúc này, liệu vai trò quản lý của Bộ có khả năng giám sát để không xảy ra khuynh hướng cục bộ hóa? Nếu không thì mục tiêu người học được chọn lựa SGK có chất lượng tốt nhất cho mình đứng ở vị trí nào? Phải chăng sẽ là thứ yếu và độc quyền làm sách sẽ chuyển sang độc quyền sử dụng sách?
Phù hợp vùng, miền là mục tiêu cao nhất ?
Một trong những lý do để phải có nhiều bộ SGK là có độ chênh lệch giữa các vùng, miền. Ngoài việc HS dân tộc thiểu số chưa sõi tiếng Kinh mà phải học như HS thành phố là điều không thể, còn là chuyện HS phải được cung cấp những kiến thức gần gũi và cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Không chỉ Việt Nam phải giải quyết vấn đề này mà theo một số nhà khoa học có điều kiện tìm hiểu nền giáo dục của nước khác trên thế giới cho biết nhiều nước có những cách giải quyết khác nhau và phụ thuộc nhiều vào hệ thống giáo dục. Ví dụ ở Nga, với học sinh dùng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ và ở khu vực thuận lợi thì học 4 năm hết cấp tiểu học, ở vùng khó khăn hơn thì 5 năm, còn vùng dân tộc thì học 6 năm. Trung Quốc thì "nhất cương, đa bản". Mỹ thì mỗi bang một CT, một bộ SGK nhưng cũng đang gặp phải khó khăn trong vấn đề nhập cư, di cư. Có thể nói, một CT, nhiều bộ SGK hay thậm chí nhiều CT nhiều bộ SGK là xu thế hiện nay. Nhưng có điểm cần lưu ý, ở nhiều nước, SGK phổ thông được cấp miễn phí.
Ở nước ta, trên thực tế không có vùng, miền thuần nhất, mà là như tấm da báo. Nghĩa là, trong một tỉnh có HS dân tộc, HS người Kinh, có vùng rất khó khăn nơi mà HS đi học đã là quý nhưng cũng có thị trấn, thị xã nơi HS muốn không chỉ học xong phổ thông mà còn phải vào được ĐH, CĐ. Cũng đã có lúc, có 3 CT cho HS tiểu học, gồm 165 tuần cho HS ở khu vực bình thường, 120 tuần cho HS vùng khó, 100 tuần cho HS lang thang cơ nhỡ, nhưng cũng chỉ thực hiện được 4 năm phải bỏ vì các địa phương phàn nàn: tại sao con em tôi phải học CT 120 tuần, như thế là hạ thấp trình độ, là phân biệt đối xử. Suốt 30 năm qua, vấn đề vùng, miền không giải quyết được bởi sự dập khuôn, cứng nhắc trong việc chỉ đạo cũng như thực hiện chứ không phải chỉ vì có một bộ SGK. Nay chúng ta giải quyết độ chênh lệch vùng, miền chỉ bằng nhiều bộ SGK với một đất nước còn nghèo có phải là cách làm hay?
Học gì thi nấy, thi thế nào đây ?
Nguyên tắc khi chọn phương án 1 CT nhiều bộ SGK là sẽ quản lý chuyên môn bằng CT. Nhưng có một điểm chắc chắn rằng khi viết SGK ngoài những kiến thức chuẩn tối thiểu mà khi thi tốt nghiệp chỉ dựa vào đó, các tác giả sẽ phải có phần nâng cao, để tạo lợi thế cho HS khi học sách của mình trong kỳ thi vào ĐH, CĐ. Đây là cách để tạo "thương hiệu" của tác giả, cũng như NXB. Khi ấy, việc thi cử, nhất là ra đề thi chung của Bộ sẽ như thế nào?
Người học có quyền đặt ra câu hỏi ấy bởi học để thi và thi ĐH là một nguyện vọng chính đáng. Thêm nữa, những rắc rối trong việc ra đề thi trong một, hai năm gần đây khi có HS phân ban tốt nghiệp cho thấy lo lắng về việc thi cử thế nào khi triển khai nhiều bộ SGK là hoàn toàn có cơ sở. Với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tình hình có thể kiểm soát được nếu quyền chọn SGK được giao cho Sở GD-ĐT. Nhưng với kỳ thi ĐH thì không đơn giản nhất là Bộ đang muốn đổi mới bằng việc chỉ tổ chức một kỳ thi duy nhất sau THPT để nhằm
2 mục đích: vừa là căn cứ tốt nghiệp vừa là một căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Khi thay đổi cách làm SGK phải tính đến việc đổi mới các kỳ thi bởi việc học không tách rời việc thi. Nếu không, HS lại là thử nghiệm cho những đổi mới không tổng thể của Bộ GD-ĐT.
Kim Thoa (Theo HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)