Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều cá nhân “quên”… nộp thuế

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, qua thanh tra, Cục Thuế TPHCM đã truy thu và nộp vào ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tuy nhiên, việc kiểm tra và truy thu thuế TNCN gặp không ít khó khăn và mất nhiều thời gian.

Tổ chức, cá nhân làm hồ sơ quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế TPHCM.

Truy thu hàng trăm tỷ đồng

Trong những năm qua, Cục Thuế TP đã xây dựng nhiều chuyên đề kiểm tra về thuế TNCN ở các lĩnh vực nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án ODA, nhà thầu xây dựng, các văn nghệ sĩ, cá nhân có thu nhập cao làm việc từ 2 nơi trở lên… Năm 2013 đã thu thêm của 163 cá nhân với số tiền 43,3 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, thu thêm của 71 cá nhân với 24 tỷ đồng. Cụ thể, cá nhân thành viên HĐQT, tổng giám đốc tại các công ty với số thuế truy thu 15,96 tỷ đồng; giới bác sĩ 2,71 tỷ đồng; văn nghệ sĩ 4,437 tỷ đồng; cá nhân làm đại lý bảo hiểm 1,25 tỷ đồng. Ngoài ra, có 4 cá nhân tại nhiều công ty đã tự kê khai bổ sung thêm 251 triệu đồng và 7 văn nghệ sĩ kê khai thêm 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua công tác thanh tra đối với thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn trong 6 tháng đầu năm, đã thu thêm của 7 cá nhân với số tiền 174 tỷ đồng.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, vấn đề khó nhất hiện nay trong việc thanh tra, kiểm tra thuế TNCN là thu thập dữ liệu thông tin của các cá nhân trong cả năm. Sau đó, đối chiếu lại việc kê khai của họ để cơ quan thuế xử lý theo đúng quy trình quản lý thuế. Cũng theo bà Hương, đối với các cá nhân có thu nhập nhiều nơi thì việc kiểm tra thuế càng khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức nhất. Như văn nghệ sĩ thường không sử dụng tên thật của mình mà sử dụng nghệ danh và biểu diễn rất nhiều nơi ở các tỉnh, thành và không có nơi cư trú cố định. Do đó, việc thu thập dữ liệu và việc tiếp cận được với họ rất mất thời gian. Mặt khác, việc kiểm tra đối tượng này chưa được triển khai rộng rãi ở các tỉnh, thành nên cũng chưa có mô hình chung để quản lý hiệu quả.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế TNCN, trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nhiều nơi thì thời gian chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 30-3 hàng năm) phải kê khai quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, Cục Thuế vẫn ghi nhận nhiều trường hợp cá nhân kê khai sai, lý do họ nghĩ rằng từng nơi chi trả thu nhập đã khấu trừ thuế 10% là xong trách nhiệm của họ và không biết phải tổng hợp thu nhập nhiều nơi trong năm để quyết toán thuế. Do vậy, khi tổng hợp lại thu nhập rơi vào thuế suất lũy tiến cao hơn (thường 30% – 35%) nên phát sinh số thuế phải nộp thêm.

Trước tình trạng này, dư luận đặt vấn đề liệu các trường hợp cá nhân bị truy thuế TNCN có được coi là hành vi trốn thuế? Bà Hương cho biết, căn cứ Thông tư 166/2013/TT-BCT hướng dẫn thi hành Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thuế sẽ xử lý phù hợp theo quy định.

Tập trung thanh tra, kiểm tra chuyên đề

Để khai thác nguồn thu từ thuế TNCN, bà Hương cho biết, thời gian tới, Cục Thuế TP sẽ tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra các chuyên đề về thuế TNCN (như tiền lương, tiền công, chuyển nhượng vốn…) để vừa khai thác số thu, vừa đánh động, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Do đặc thù ở từng lĩnh vực, đối tượng khác nhau nên Cục Thuế sẽ xây dựng phương pháp thu thập, phân tích số liệu phù hợp với từng đối tượng. Thực tế qua quá trình làm việc, Cục Thuế ghi nhận nhiều trường hợp vẫn chưa nắm được quy định về trách nhiệm kê khai thuế, quyết toán thuế của cá nhân. Do đó, ngoài việc tập trung thanh tra, kiểm tra chuyên đề, Cục Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân có thu nhập cao từ nhiều nơi trở lên thực hiện đúng quy định của luật thuế. Cụ thể, Cục Thuế sẽ tiếp tục ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết hơn về trách nhiệm của tổ chức chi trả, của cá nhân có thu nhập cho các tổ chức chi trả thu nhập là doanh nghiệp, khu chế xuất-công nghiệp, công ty tổ chức biểu diễn, quảng cáo, bệnh viện, trường học, trung tâm ngoại ngữ… để hướng dẫn chính sách, quy định cho phù hợp với từng loại thu nhập, từng đối tượng (bao gồm người Việt Nam và nước ngoài); soạn tài liệu dưới dạng tờ rơi thông qua các chi cục thuế tại quận, huyện, các cơ quan quản lý nhà nước, như quản lý xuất nhập cảnh, Sở LĐTB-XH, Sở Công thương, Sở VH-TT-DL… để phổ biến đến cá nhân.

Bà Hương cũng cho biết thêm, hiện nay ngành thuế đã có chương trình quản lý thuế TNCN tập trung, thống nhất trên toàn quốc, thể hiện chi tiết thu nhập chịu thuế, thời gian phát sinh thu nhập, đơn vị chi trả thu nhập… nên việc thu thập, khai thác dữ liệu thu nhập từ nhiều nơi của các cá nhân đã có hiệu quả hơn rất nhiều trong công tác kiểm tra thuế TNCN.

Cục Thuế TPHCM cho biết, số thu thuế TNCN ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng số thu ngân sách, nếu năm 2008 mới chiếm tỷ trọng 7,6% thì đến 2013 đã chiếm khoảng 12%. Theo chiến lược cải cách thuế và lộ trình cắt giảm thuế suất thuế gián thu thì nguồn thu từ thuế trực thu, trong đó có thuế TNCN, sẽ ngày càng quan trọng trong số thu ngân sách nhà nước.

ĐÌNH LÝ (SGGP)

Bình luận (0)