Trên địa bàn TP.HCM có nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc. Tuy nhiên, những câu lạc bộ, đội, nhóm này chủ yếu hoạt động tự do, thiếu nơi tập luyện và tự xoay xở kinh phí. Nếu được đầu tư, đây sẽ là nơi cung cấp tài năng âm nhạc phục vụ cho các sự kiện của thành phố và cũng là cơ hội để họ đến gần hơn với công chúng, góp phần đưa nền âm nhạc Việt Nam phát triển.
Một nhóm nhạc thuộc Trung tâm Văn hóa quận 1
Tự xoay xở
Tại Liên hoan ban nhạc, nhóm ca TP.HCM lần thứ V năm 2022 do Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức, nhiều nhóm nhạc, ban nhạc đến từ các trung tâm văn hóa quận, huyện được đánh giá cao từ hình thức biểu diễn cho đến chất giọng. Tuy nhiên cũng từ đây cho thấy rằng, họ có tiềm năng nhưng lại chật vật xoay xở để duy trì nhóm nhạc.
Bạn Cao Huyền My (trưởng nhóm một nhóm nhạc thuộc Trung tâm Văn hóa quận 1) cho biết, nhóm nhạc gồm 8 thành viên có niềm đam mê âm nhạc. Ngoài dòng nhạc hiện đại, các thành viên còn hát được nhạc phục vụ hoạt động chính trị cho các sự kiện trên địa bàn và thành phố. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nhóm nhạc là kinh phí, nơi tập luyện. “Do điều kiện của trung tâm nên không thể hỗ trợ được nhiều cho chúng em. Vì vậy chúng em chủ yếu là tự xoay xở từ tìm kiếm show diễn, nơi tập luyện… để thỏa mãn đam mê. Em mong được hỗ trợ để nhóm chúng em có điều kiện hoạt động tốt hơn”, My chia sẻ.
Các nhóm nhạc thuộc Trung tâm Văn hóa quận 4 cũng gặp khó khăn tương tự. Bạn Thái Minh Tâm (trưởng nhóm một nhóm nhạc) cho hay, các thành viên trong nhóm nhạc đều được đào tạo bài bản nên nhận được nhiều lời mời biểu diễn ở các quán cà phê, địa điểm vui chơi, giải trí. Để có được những show diễn đó nhóm phải tự tìm kiếm, không được trung tâm hỗ trợ về kinh phí cũng như cơ sở vật chất. Về sân chơi để thi thố tài năng, nhóm cũng chỉ trông chờ vào các cuộc thi, liên hoan do thành phố tổ chức. “Nếu có nhiều điều kiện, chúng em tin rằng nhóm sẽ hoạt động tốt hơn và ngày càng phát triển”, Tâm chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nữ (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 4) cho biết, trên địa bàn quận 4 có nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm về âm nhạc. Trước đây, mỗi năm trung tâm tổ chức một cuộc thi về âm nhạc để các đội, nhóm giao lưu, thi thố tài năng. Tuy nhiên suốt khoảng 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động âm nhạc cấp cơ sở dường như “đóng băng”. Từ khi được hoạt động trở lại, các câu lạc bộ, đội, nhóm nhạc trên địa bàn hoạt động tự do, chưa được hỗ trợ nhiều. “Trung tâm Văn hóa quận 4 cũng gặp nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu để các em có thể tập luyện. Vì vậy, khi có các cuộc thi, liên hoan cấp thành phố, trung tâm mới tuyển chọn, đầu tư để những câu lạc bộ, đội, nhóm đó đi thi chứ chưa thể hỗ trợ được hết các câu lạc bộ, đội, nhóm khác trên địa bàn. Đây cũng là điều mà chúng tôi rất trăn trở và mong muốn sớm được khắc phục khó khăn”, bà Nữ bày tỏ.
Mong được hỗ trợ
Chia sẻ về tình hình của hoạt động âm nhạc của trung tâm mình, ông Chiêu Dương (Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Văn hóa quận 3) cho biết, trước đây, trung tâm là cái nôi sản sinh ra nhiều giọng ca chính trị hoạt động mạnh mẽ trên địa bàn TP.HCM. Lúc đó Sân khấu 126 chính là địa điểm để những tài năng âm nhạc hoạt động. Từ khi sân khấu này ngừng, những tài năng âm nhạc thuộc các câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn thiếu nơi để giao lưu. Hiện tại, trên địa bàn quận 3 có nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm nhưng phần lớn là hoạt động tự do vì cơ sở không có điều kiện để “nuôi” các em. Mỗi khi trên địa bàn hay thành phố cần nhân lực để phục vụ, trung tâm phải nhờ đến lực lượng cộng tác viên từ bên ngoài. “Sắp tới đây, trung tâm sẽ đầu tư phòng tập âm nhạc dành cho các bạn trẻ, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 12-2022. Đây sẽ là nơi để những bạn trẻ mê âm nhạc có thể tụ họp về. Bên cạnh đó, trung tâm cũng dự định thành lập thêm một số câu lạc bộ, đội, nhóm và mời chuyên gia về đào tạo cho các em. Chúng tôi mong Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM quan tâm, đầu tư thêm để chúng tôi có đủ điều kiện để hỗ trợ các bạn trẻ tốt hơn nữa trong thời gian tới”, ông Chiêu Dương mong mỏi.
Nói về việc phát động các cuộc thi, liên hoan âm nhạc cho giới trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc phát động cuộc thi, liên hoan âm nhạc là một chuyện nhưng làm sao để phát huy thành quả lại là một chuyện khác, hết sức quan trọng. Khi làm không phải làm cho có mà phải làm sao tạo điều kiện cho các nhóm, ban nhạc được biểu diễn sau liên hoan, cuộc thi là rất quan trọng. Chỉ có như thế mới tạo niềm tin cho các tài năng, giúp họ an tâm cống hiến. |
Bà Đoàn Mỹ Lệ (Phó Trưởng phòng Văn hóa, văn nghệ, Trung tâm Văn hóa quận 1) thông tin, tình hình hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn rất mạnh và cũng là lực lượng nòng cốt phục vụ cho các sự kiện văn hóa, nghệ thuật của thành phố. Khó khăn là trung tâm không thể đầu tư nhiều kinh phí để các em tập luyện nên các em phải tự mình lo liệu để duy trì nhóm. Tuy nhiên trung tâm sẽ nỗ lực để có nguồn thu và đầu tư thêm các phòng tập cho những tài năng trên địa bàn. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tổ chức thêm sân chơi về âm nhạc để các bạn trẻ đến vui chơi, giao lưu. “Chúng tôi rất mong được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tạo điều kiện để tổ chức sân chơi, cuộc thi cho các bạn trẻ, hỗ trợ kinh phí cho trung tâm để hoạt động hiệu quả hơn nữa sau dịch Covid-19. Bởi khi trung tâm có điều kiện thì mới có thể hỗ trợ được các đội, nhóm trên địa bàn”, bà Lệ bày tỏ.
NSƯT, nhạc sĩ Trần Vương Thạch nhận định: “Tiềm năng về nhóm nhạc, ban nhạc tại TP.HCM mạnh nhất cả nước. Đây là một tài sản quý, cần được sử dụng hiệu quả”.
Kiều Khánh
Bình luận (0)