Chỉ tiêu đào tạo, phương thức tuyển sinh, nhu cầu nhân lực thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và luật… là những thông tin được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến 2020 “Your Future – Your Choice” với chủ đề “Giải đáp nhóm ngành ngôn ngữ và luật” diễn ra mới đây.
Các chuyên gia tham gia tư vấn trong chương trình
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Đa dạng nhu cầu đào tạo
Thông tin về phương thức tuyển sinh của hai nhóm ngành ngôn ngữ và luật trong năm 2020, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, xét về mặt quản lý đào tạo, hai nhóm ngành này thuộc khối ngành kinh doanh quản lý pháp luật và KHXH-NV. Đây là 2 khối ngành thu hút rất lớn sự quan tâm của học sinh khi chiếm đến 60% tổng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong mỗi mùa tuyển sinh. Với nhóm ngành luật, không chỉ là một ngành mà có tới 6 ngành như luật, Luật Hiến pháp hành chính, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế. Về nhu cầu, chỉ tính riêng về luật sư đã cần đến khoảng 35 ngàn nhân sự trong năm 2020, chưa kể đến các ngành liên quan. “Nhu cầu nhân lực trong nhóm ngành này rất lớn. Nhóm ngành này được xét tuyển theo nhiều phương thức, trong đó đa phần sử dụng điểm kỳ thi THPT quốc gia với các khối xét tuyển truyền thống”, TS. Nghĩa nói.
Ở nhóm ngành ngôn ngữ, TS. Nghĩa thông tin, thường có đến 90% thí sinh lựa chọn là tiếng Anh. Tuy nhiên, TS. Nghĩa lưu ý, với trường hợp thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được miễn thi môn tiếng Anh trong xét tốt nghiệp THPT, nhưng nếu dùng môn tiếng Anh làm tổ hợp để xét tuyển ĐH, CĐ thì vẫn phải tham gia thi như bình thường. “Hiện tại có đến 150 trường ĐH có đào tạo nhóm ngành ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; vì thế, việc cân nhắc chọn trường, chọn phương thức xét tuyển vào trường là điều mà thí sinh cần phải nghiên cứu kỹ. Bởi cùng một ngành học nhưng chọn trường nào, phương thức nào để phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình, mục tiêu cá nhân, tăng khả năng trúng tuyển thì các em cần tính toán kỹ”, TS. Nghĩa nhắn nhủ.
Là trường có thế mạnh đào tạo nhóm ngành ngôn ngữ và luật, năm 2020, HUTECH tiếp tục tuyển sinh 2 nhóm ngành này với các ngành luật, Luật Kinh tế, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc. Trong đó, 2 ngành luật và Luật Kinh tế xét tuyển ở 4 tổ hợp: A00, A01, C00, D01; 2 ngành ngôn ngữ Anh và Nhật xét tuyển ở 4 tổ hợp: A01, D01, D14, D15; 2 ngành ngôn ngữ Trung Quốc và Hàn Quốc xét tuyển ở 4 tổ hợp A01, C00, D01, D15. Trong nhóm ngành ngôn ngữ, TS. Nguyễn Quốc Anh (Phó Hiệu trưởng HUTECH) cho hay, thí sinh quan tâm đến nhóm ngành này có thể tham khảo thêm ngành Đông phương học, do đây là ngành khá gần với nhóm ngành ngôn ngữ, bởi bên cạnh học kiến thức văn hóa các nước phương Đông, sinh viên còn lựa chọn 1 ngôn ngữ để học chuyên sâu là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. “Ở tất cả các ngành đào tạo, bao gồm cả 2 nhóm ngành trên, nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức trong đề án tuyển sinh. Trong đó, ở 3 phương thức: xét điểm thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức đang bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phương thức còn lại là xét tuyển học bạ, thí sinh có thể tận dụng xét tuyển ngay trong giai đoạn hiện nay”, TS. Quốc Anh lưu ý. Ở phương thức xét tuyển học bạ, HUTECH áp dụng theo 2 hình thức: xét tuyển năm học lớp 12 trong tổ hợp 3 môn tham gia xét tuyển; xét tuyển học bạ 3 học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp 11, học kỳ I lớp 12), nhận hồ sơ từ ngày 16-3. “Với phương thức xét tuyển học bạ, nhà trường cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website trường. Thí sinh quan tâm phương thức này của trường hay các trường có áp dụng phương thức này cần theo dõi thường xuyên trên website trường để nắm rõ hướng dẫn cụ thể”, TS. Quốc Anh nhấn mạnh.
Chọn ngành nghề: mê thôi chưa đủ
Đây là khẳng định của chuyên gia tâm lý Tô Nhi A đưa ra trong chương trình tư vấn. Theo bà Nhi A, trong câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp thì “mê thôi chưa đủ” mà còn cần phải giỏi, có hiểu biết trước về ngành nghề đó. “Các em cần trả lời được câu hỏi năng lực của mình là gì, mục tiêu của mình ra sao trước khi đặt bút lựa chọn ngành nghề. Đừng chỉ chọn trường mà hãy chọn ngành học phù hợp. Trường ĐH không cấp “kim bài” việc làm cho sinh viên khi ra trường, ngay cả khi các em là sinh viên trường quốc tế. Vì vậy, học ở đâu, học trường top hay trường không top không phải là yếu tố quyết định tất cả, mà quan trọng là các em học được gì, học như thế nào trong những năm ĐH”, bà Nhi A chia sẻ.
“Học ở đâu, học trường top hay trường không top không phải là yếu tố quyết định tất cả, mà quan trọng là các em học được gì, học như thế nào trong những năm ĐH”, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A chia sẻ. |
Theo bà Nhi A, khi xin việc làm cần nhất kỹ năng mềm, trong đó quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp, bởi kỹ năng giao tiếp là yếu tố đầu tiên khi làm việc giữa người với người, người học cần biến nó thành năng lực của mình. Bên cạnh đó là kỹ năng thuyết trình, giải quyết vấn đề ngoài các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng chuyên môn. “Doanh nghiệp chọn các bạn vì đó là các bạn – một thương hiệu do chính các bạn tạo thành chứ không hẳn vì thương hiệu trường học”, bà Nhi A nói.
Với khối ngành ngôn ngữ, TS. Nguyễn Quốc Anh cho biết chương trình đào tạo tại các trường hầu như bắt đầu từ cơ bản đến nâng cao, nếu biết tiếng trước là lợi thế để nắm bắt nhanh hơn. Riêng tại HUTECH, ngoài việc học chuyên môn, sinh viên ngành ngôn ngữ đều có môi trường để giao tiếp, trao đổi, rèn luyện các kỹ năng. Nhưng quan trọng hơn cả là khi học ngành ngôn ngữ, các em phải cố gắng học tập tốt. Bổ sung thêm, ThS. Phạm Quỳnh Trang (Phó Trưởng khoa Tiếng Anh, HUTECH) cho biết học ngoại ngữ ở trường ĐH sẽ khác với trường phổ thông, người học sẽ được trang bị cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Đồng thời được trang bị thêm ngoại ngữ 2, qua đó mở rộng thêm cơ hội việc làm. “Khi chọn học song ngữ, các em nên chọn các ngôn ngữ có sự tương đồng, tuy nhiên có thể gặp khó khăn về vấn đề phát âm, ngữ pháp. Ngoài ra, người học cũng có thể chọn ngôn ngữ có sự khác biệt như hệ chữ khác nhau, ngữ pháp khác nhau, tùy theo khả năng”, ThS. Quỳnh Trang lưu ý.
Ở nhóm ngành luật, PGS.TS Bành Quốc Tuấn (Phó Trưởng khoa Luật, HUTECH) chia sẻ, nhu cầu nhân lực của ngành luật hiện nay rất lớn, phạm vi công việc sau khi ra trường rất rộng, từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tư pháp, giảng viên, nghiên cứu viên… Trong đó, để trở thành luật sư, người học cần trang bị thêm một vài kỹ năng như trải qua thêm một vài khóa học, lớp đào tạo luật sư, tham gia tập sự, thực hành, lấy chứng chỉ hành nghề. “Bất cứ ngành nghề nào cũng cần đến sự đam mê, ngành luật cũng vậy. Tuy nhiên, ở ngành này ngoài đam mê còn cần thêm tố chất như khả năng hùng biện, diễn giải, thể hiện suy nghĩ, khả năng phân tích, nhận định vấn đề, trí nhớ tốt là một lợi thế. Ngoài việc học thật tốt chuyên môn, muốn theo đuổi ngành học này cần rèn luyện thêm các kỹ năng để tăng tính cạnh tranh trong nghề, đặc biệt là cần làm chủ một ngoại ngữ”, TS. Tuấn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)