Sự kiện giáo dục

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo kế hoạch, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn có thể đăng ký tại địa phương. Mức vay tối đa đối với doanh nghiệp không quá 2 tỷ đồng/dự án, cá nhân là 100 triệu đồng/dự án.


Một cửa hàng kinh doanh trước thời điểm TP tăng cường giãn cách

Thông tin này được bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra tại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”, diễn ra lúc 20h ngày 8-10.

Tại chương trình, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, 8 ngày qua, TP bắt đầu phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Tình hình dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi nhưng phải tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, việc làm vì không biết khi nào dịch bệnh sẽ hết hoặc có thể có biến chủng khác.

“Chúng ta phải chấp nhận sống cùng với dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới. Tất cả các cá thể trong xã hội, từ người dân, doanh nghiệp, cho đến Chính phủ đều phải tìm cách thích nghi linh hoạt, tổ chức điều kiện cuộc sống, phát triển kinh tế phù hợp”, bà Thắng cho hay.

Theo bà Thắng, TP hết sức trăn trở, dự định khoảng ngày 15-9 sẽ mở cửa nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp bắt buộc phải dời lại đến ngày 1-10. Tuy nhiên, từ ngày 15-9, TP đã tổ chức thử nghiệm một số hoạt động.

Mặt khác, để mở cửa từ ngày 1-10, TP đã có những bước chuẩn bị, đơn cử tập trung tiêm vắc xin cho người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để đảm bảo yêu cầu khi mở cửa. Hiện có gần 80% người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đã tiêm mũi 2, tương tự các chuỗi cũng ứng hàng thiết yếu cũng tiêm đủ 2 mũi. Đến nay, gần 70% người dân trên 18 tuổi ở TP đã tiêm mũi 2, cơ bản đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Trước những khó khăn người dân, công nhân, doanh nghiệp gặp phải trong thời gian tăng cường giãn cách cách xã hội, bà Thắng hết sức chia sẻ. Theo bà, ngay cả ngân sách TP cũng khó khăn mặc dù đầu năm đã có dự toán.

Trước thắc mắc về kế hoạch hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn, bà Thắng cho hay các doanh nghiệp phản ánh tại Ngân hàng Nhà nước để tìm hiểu các chính sách hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ tập trung vào giãn nợ, khoanh nợ, không cho nhảy nhóm nợ.

Phía chính quyền TP cũng tổ chức các buổi làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn, xây dựng những chính sách cụ thể. TP đã chỉ đạo Sở Công thương, các quận, huyện kết nối hệ thống ngân hàng chính sách tại địa phương. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc hộ kinh doanh nào có nhu cầu vay vốn có thể đăng ký tại địa phương đang sinh sống. Mức vay tối đa đối với doanh nghiệp không quá 2 tỷ đồng/dự án, cá nhân là 100 triệu đồng/dự án. Còn các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… cũng được vay nhiều lần, nhưng tổng số lần vay không quá 100 triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng.

Bà Thắng thông tin thêm, Cục thuế TP cũng đã có động thái phối hợp với các chi cục thuế quận, huyện hoàn thuế sớm hơn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây là nguồn vốn kịp thời giúp các hộ sản xuất kinh doanh thuận lợi hoạt động trở lại.

Cũng theo bà Thắng, TP.HCM với một kỳ vọng tổ chức trở lại các hoạt động thì phải giữ vững các kết quả phòng chống dịch, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải có ý thức giữ gìn. Nếu làm không kỹ, không tốt thì tình hình đóng cửa là có thể xảy ra. Từ đây đến ngày 15-10, nếu tình hình dịch ổn định thì sẽ tính toán thêm, để không nói bình thường mới mà là bình thường.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)