Tòa soạnThư đi – tin lại

Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên có hiệu lực từ tháng 9

Tạp Chí Giáo Dục

Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Phương cho biết bắt đầu từ tháng 9, một số chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh sẽ bắt đầu áp dụng cho năm học 2013-2014.
Từ ngày 1-9, quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ 15kg gạo/học sinh/tháng cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, mỗi học sinh được hưởng mức gạo hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học. Các đối tượng được nhận hỗ trợ gồm: Học sinh tiểu học và THCS đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và THCS công lập thuộc khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu tại các xã, thôn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường THPT và các trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.
Theo thông tư số 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính nhằm hướng dẫn thực hiện quyết định số 12/2013/QĐ-TTG của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, từ ngày 1-9, học sinh sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở bằng 40% lương tối thiểu.
Cụ thể, học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở trong quá trình học tập. Các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ tối đa là 9 tháng/năm học, mức hỗ trợ tiền ăn/tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung. Với các em học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ thêm tiền nhà ở bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh.
Từ ngày 15-9, mức học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với trường ngoài công lập.
Đối với các trường sư phạm và các ngành nghề đào tạo không thu học phí thì quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 8% nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù học phí.
Chính sách miễn giảm học phí cũng bổ sung thêm 3 đối tượng gồm: Sinh viên học chuyên ngành Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Đồng thời những đối tượng trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sẽ không còn được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại nghị định số 74/2013/NĐ-CP do Nhà nước đã có chính sách miễn giảm học phí cho con em các vùng khó khăn.
Cũng theo quy định mới, bắt đầu từ năm học 2013-2014, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các sở giáo dục, do đó đối tượng được miễn giảm học phí ở bậc ĐH sẽ được miễn giảm trực tiếp tại trường, thay vì nộp học phí như bình thường và về địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ này.
Bộ GD-ĐT cũng giải thích, việc cấp bù trực tiếp học phí cho các trường học sẽ giải quyết được các trường hợp chậm giải ngân. Bởi thực tế học phí kỳ này đôi khi phải 2-3 kỳ sau mới được nhận, gây thiệt thòi cho các đối tượng hưởng chính sách.
Một chính sách khác được Bộ GD-ĐT triển khai trong năm nay là bổ sung chính sách đối với nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.
Theo đó, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ (thay cho mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng như quy định hiện hành).
Điểm mới ở chính sách này là quy định giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà chưa thực hiện được việc luân chuyển, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thu hút.
Nguyệt Hà/VGP

 

Bình luận (0)