Đào tạo cử nhân theo hình thức liên kết quốc tế được đánh giá là có nhiều ưu điểm trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, thiếu người học, khó khăn trong tuyển sinh… lại đang là thực trạng hiện nay của mô hình này.
Sinh viên chương trình liên kết quốc tế Trường đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM giao lưu cùng giáo sư người Anh (University of Gloucestershire). Ảnh: T.T.
Không tuyển đủ chỉ tiêu
Năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) có hiệu lực, cho phép đại học (ĐH) trong nước nếu đủ điều kiện tự chủ được tự mở ngành đào tạo và chương trình liên kết mà không cần xin phép. Ưu điểm của mô hình này là đào tạo đạt chuẩn quốc tế, bằng cấp được cả Việt Nam và quốc tế công nhận, giúp tỉ lệ sinh viên có việc làm cao sau khi ra trường, học phí và chi phí sinh hoạt thấp. Cơ chế này đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong hoạt động hợp tác liên kết quốc tế.
Những ưu điểm, thuận lợi đó, tưởng chừng sẽ đáp ứng được nhu cầu khá lớn của học sinh Việt Nam, nhưng thực tế lại không được như vậy. Năm học 2023-2024, Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM phải xét tuyển bổ sung 108 chỉ tiêu cho 13 ngành đào tạo liên kết do đối tác của trường cấp bằng. Năm học trước, trường có 1.460 chỉ tiêu các ngành đào tạo theo chương trình liên kết do ĐH đối tác cấp bằng, nhưng ngay sau khi công bố kết quả trúng tuyển đợt 1, trường đã phải thông báo tuyển bổ sung 935 chỉ tiêu cho 25 chương trình. Các năm trước nữa, số lượng tuyển được cho chương trình đào tạo liên kết của trường cũng chỉ từ 400-600 sinh viên.
Tại Hà Nội, tháng 9/2023, Trường ĐH Thương mại thông báo tuyển bổ sung 20 chỉ tiêu cho chương trình liên kết với Cộng hòa Áo, 14 chỉ tiêu cho chương trình liên kết với Cộng hòa Pháp. Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 150 chỉ tiêu chương trình cử nhân quản trị kinh doanh liên kết ĐH St.Francis (Mỹ); 200 chỉ tiêu chương trình cử nhân quản trị kinh doanh liên kết ĐH Troy (Mỹ). Nhưng tháng 9/2023, với mỗi chương trình, trường chỉ xét tuyển trực tiếp được 100 chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia Hà Nội cũng phải tuyển bổ sung 100 chỉ tiêu cho năm học này. 2 mùa tuyển sinh gần đây, Học viện Ngân hàng đều phải tuyển bổ sung cho các chương trình liên kết quốc tế. Năm 2022, Học viện Ngân hàng thiếu 95 chỉ tiêu. Năm 2023, riêng chương trình liên kết quốc tế với ĐH Coventry ngành marketing số của học viện đã thiếu 20 chỉ tiêu.
Rào cản tiếng Anh
Theo tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM – khó khăn trong tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế đã diễn ra trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ông cho rằng, khi chương trình liên kết quốc tế mới xuất hiện ở nước ta thì phụ huynh và học sinh rất quan tâm bởi đó là mô hình mới. Song giai đoạn sau, khi bắt đầu có nhiều sự cạnh tranh thì tuyển sinh cũng khó khăn hơn.
Ở góc nhìn tuyển sinh, nguyên nhân các chương trình liên kết đào tạo quốc tế “ế” được một số trường ĐH lý giải là do thí sinh “đuối” với yêu cầu ngoại ngữ đầu vào. Tại hội thảo về nâng cao chất lượng các chương trình liên kết, tiến sĩ Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – cho biết: “Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nhưng thực tế người học không đáp ứng được tiếng Anh. Có trường hợp khi tốt nghiệp ra trường rồi vẫn gặp khó tiếng Anh”.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân được các nhà quản lý giáo dục đưa ra là chất lượng chương trình của các đối tác liên kết. Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức thẳng thắn nói: “Khi kiểm tra, đánh giá, có rất nhiều trường làm tốt nhưng cũng có những đơn vị chưa kiểm soát được về chất lượng. Rất nhiều chương trình đào tạo trực tuyến từ xa nên kiểm duyệt chất lượng khó khăn. Nhiều trường hợp tác có xếp hạng không cao”.
Bộ GD-ĐT cũng đã thống kê, cả nước có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Các quốc gia có chương trình liên kết đào tạo nhiều là Anh (101 chương trình), Mỹ (59), Pháp (53), Úc (37) và Hàn Quốc (27). Trong số gần 180 cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài liên kết đầu tư với 86 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam có đến 62,7% cơ sở giáo dục đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới. Năm 2020, bộ đã phải rà soát và dừng gần 200 chương trình liên kết không đạt yêu cầu.
Theo tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, du học tại chỗ chỉ có 1 hạn chế là học chương trình nước ngoài nhưng không có cơ hội trải nghiệm đời sống du học sinh, văn hóa nước ngoài. Để khắc phục khó khăn trong tuyển sinh, cũng như để mô hình liên kết đào tạo thực sự đạt hiệu quả, ông cho rằng các trường phải làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh và học sinh hiểu sự ưu việt của chương trình quốc tế, tạo những lộ trình học tập thuận lợi cho sinh viên, liên tục cải thiện để phù hợp với thay đổi của thị trường.
Nằm ngoài nhu cầu đa số người học Khi các trường tư bắt đầu nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo của họ theo chuẩn quốc tế, dịch vụ của họ và chất lượng đạt được cũng không khác chương trình liên kết đào tạo quốc tế – nên việc tuyển sinh của các chương trình liên kết quốc tế cũng vì thế mà ít nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh đó, thí sinh đã khá rõ ràng trong lựa chọn, một là học chương trình trong nước, hai là du học. Ban đầu, chúng ta xây dựng chương trình liên kết để giải quyết vấn đề: thay vì học ở nước ngoài với mức học phí cao thì có thể học ở Việt Nam, học phí chỉ bằng khoảng 30 – 50% so với du học mà vẫn thụ hưởng được chương trình. Tuy nhiên, thực tế có 2 nhóm người học: nhóm chọn chương trình trong nước, và nhóm chọn du học. Với nhóm chọn du học là gia đình có điều kiện hoặc đã chuẩn bị kế hoạch từ trước. Các em học xong lớp Mười hai hoặc vào năm nhất ĐH là du học luôn. Do đó, nhóm chọn lựa liên kết quốc tế, du học tại chỗ không nhiều như logic ta suy nghĩ. Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc |
Theo Uông Ngọc – Trang Thư/PNO
Bình luận (0)