Song song với việc chọn trường, chọn ngành nghề, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động luôn là mối quan tâm của các bạn trẻ hiện nay. Theo dự báo của các chuyên gia, giai đoạn từ 2023 đến 2030, tầm nhìn đến 2035, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao. Đây là cơ hội để các bạn trẻ tìm được việc làm, phát huy tài năng, đóng góp sức mình phát triển đất nước.
Cần nhiều nhân lực qua đào tạo
Theo ông Trần Anh Tuấn (Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động), giai đoạn từ 2023 đến 2030, tầm nhìn đến 2035, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ cần số lượng lớn nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%; nhóm ngành nghề kinh tế – tài chính – ngân hàng – pháp luật – hành chính chiếm tỷ trọng 33%; nhóm ngành nghề khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%; các nhóm ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 3-5%. Theo thống kê, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo ĐH chiếm tỷ trọng bình quân 20%; CĐ chiếm 18%; TC chiếm 27% và sơ cấp chiếm 25%. “Thị trường lao động trong giai đoạn tới sẽ thay đổi chất lượng cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp, lồng ghép nhau hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp với cơ cấu công nghệ số”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, trong số những nhóm ngành nghề đón đầu xu thế thì nhóm nghề kinh tế – thương mại, quản trị kinh doanh – thương mại điện tử, marketing – digital marketing, logistics, quản trị nhân lực, quản trị doanh nghiệp, tài chính kế toán – kiểm toán sẽ mở ra cơ hội việc làm rộng lớn cho giới trẻ. Trong đó, thương mại điện tử hay kỹ thuật số là nhóm ngành nghề thực sự bùng nổ. Tương tự, nhóm ngành nghề logistics phát triển nhanh, trở thành một ngành dịch vụ quan trọng trong giao thương quốc tế. Để đáp ứng khối lượng công việc ngày một lớn, nhu cầu nhân sự ngành nghề logistics ngày một tăng cao. Trong khi đó, nhóm ngành nghề kinh doanh thương mại cũng có cơ hội việc làm rộng lớn, vì tất cả doanh nghiệp đều cần bộ phận bán hàng; ngoài ra, lĩnh vực siêu thị bán lẻ hiện đang rất phát triển và cần nhu cầu nhân lực cao.
“Việt Nam là quốc gia thu hút FDI (doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam) hàng đầu khu vực châu Á. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, các bạn trẻ có thể làm việc tại nhiều doanh nghiệp đa quốc gia hay những công ty lớn của Việt Nam đang kinh doanh quốc tế trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Đối với những bạn trẻ có khả năng tiếng Anh tốt hoàn toàn có thể làm việc tại các công ty quốc tế”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong những yếu tố rất quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển chính là nguồn nhân lực của nhóm ngành nghề tài chính – ngân hàng – kế toán – kiểm toán chất lượng cao. Nguồn nhân lực này sẽ không chỉ yêu cầu cao về chuyên môn mà còn phải có khả năng ngoại ngữ tốt cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, có thể luân chuyển trong khu vực và trên thế giới.
Dự báo giai đoạn 2023-2030, nhu cầu nhân lực chất lượng cao của nhóm ngành nghề tài chính – ngân hàng – kế toán – kiểm toán tăng 20%/năm. Do đó, nếu các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động sẽ thiếu trầm trọng. Ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp phải chi phí rất nhiều để thuê các chuyên gia nước ngoài như chiến lược phát triển mạng lưới, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế, công nghệ tài chính, kiểm toán…
Phải đảm bảo 6 điều kiện về nghề nghiệp
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, mặc dù xã hội cần nguồn nhân lực nhưng không phải ai cũng đáp ứng nhu cầu. Để phù hợp thị trường lao động phát triển theo yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, người lao động phải đảm bảo 6 điều kiện chất lượng nghề nghiệp. Thứ nhất, người lao động phải có năng lực nghề nghiệp. Am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao. Thứ hai, người lao động phải có kỹ năng đặc biệt như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc. Thứ ba, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Thứ tư, hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ cao bao gồm công nghệ thông tin. Thứ năm, sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ. Và cuối cùng là hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật, bao gồm pháp luật lao động.
Theo ông Tuấn, ưu điểm nổi trội của học sinh TP.HCM và Việt Nam là sau bậc THPT trở thành sinh viên ĐH, CĐ; học sinh TC là ham học hỏi, quyết tâm học hành và có sự cần cù, chăm chỉ. Có khoảng 50-60% sinh viên, học sinh có ưu điểm phù hợp thời đại: Thái độ tốt và tính thích nghi, tích cực rèn luyện kỹ năng và ngoại ngữ; khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ; luôn có tinh thần học hỏi và đổi mới, có cách nhìn nhận và ý tưởng mới. “Những dự báo về thị trường lao động trong tương lai cho thấy sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhân tố khoa học – công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định… Do đó, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng kỹ năng học hỏi tích cực trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động”, ông Tuấn nói.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)