Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhiều cơ hội dành cho sách tinh gọn

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 1 năm phát triển thị trường sách tinh gọn, ngành xuất bản Việt Nam đã có 10 đơn vị tham gia, phát hành 973 đầu sách; trong đó, 880 đầu là sách điện tử với 10.997.806 lượt truy cập. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cơ hội dành cho sách tinh gọn còn rất lớn.

Những đầu sách tinh gọn được nhiều người tìm đọc

Những đầu sách tinh gọn được nhiều người tìm đọc

Nắm bắt xu thế

Thị trường sách tinh gọn (còn gọi là sách tóm tắt) điện tử trên thế giới có bước phát triển vượt bậc với nhiều nền tảng tham gia và đạt được doanh thu khổng lồ. Trong đó có thể kể đến nhiều tên tuổi lớn như Blinkist (Đức), GetAbstract (Mỹ), Instaread (Mỹ)… Sự thành công của các đơn vị làm sách tóm tắt trên thế giới đã tạo ra tiềm năng phát triển của thị trường này tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT-TT, khẳng định, sách tinh gọn sẽ phát triển trong tương lai của ngành xuất bản. Thị trường sách tinh gọn phục vụ đối tượng độc giả ít thời gian, muốn tiếp cận tri thức một cách nhanh gọn. Thực tế, đây là đối tượng độc giả của xã hội hiện đại. Do vậy, sách tinh gọn là một thị trường đáp ứng nhu cầu của độc giả, là một thị trường tiềm năng.

Cùng chung nhận định này, theo bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự Thật, sách tinh gọn đem lại nhiều tiện ích cho độc giả, tiết kiệm thời gian mà vẫn cho độc giả biết về những nội dung, ý nghĩa cuốn sách truyền tải. Các sản phẩm sách chính trị dạng cẩm nang, tinh gọn của đơn vị đã nhận được những phản hồi tích cực. Trong thời gian tới, NXB sẽ tiếp tục đầu tư thêm cho việc phát triển sách tinh gọn.

Nhận định sách tinh gọn đáp ứng nhu cầu nghe, đọc nhanh của độc giả trong thời đại số, đặc biệt giới trẻ, đại diện NXB Kim Đồng cho biết, 10 năm trước đã bắt đầu tóm tắt các tác phẩm văn học kinh điển dành cho người lớn, thành sách phù hợp độc giả nhỏ tuổi. Có 2 hình thức tinh gọn: giữ nguyên hình thức sách, chỉ rút gọn nội dung và chuyển thể sang thể loại khác. NXB Kim Đồng từng mua bản quyền từ Hàn Quốc, tóm tắt các tác phẩm kinh điển theo hình thức truyện manga, đạt hiệu quả cao.

Vẫn còn những rào cản

Phát triển mạnh về mảng sách điện tử, Alphabooks hiện có hơn 700 tác phẩm tinh gọn. Đơn vị này chọn sách liên kết xuất bản trước đó để tóm tắt và phát hành trên các nền tảng ebook, audio. Công ty Reavol có gần 7.000 sách được tóm tắt và đăng trên ứng dụng với hơn 1 triệu người dùng. Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty CP Sách điện tử Waka, cho biết, sau 1 năm phát triển đã có hơn 600 bản ebook, hơn 1.019 bản audio tinh gọn, kéo theo số lượng người sử dụng sách tinh gọn phát triển rõ rệt. Song, theo ông Quang Hoàng, đây là giai đoạn đầu tư phát triển thị trường, doanh thu sẽ chưa thể bù được chi phí đầu tư. Nó là bài toán đầu tư dài hạn.

Bên cạnh đó, nhiều NXB cũng chỉ ra vướng mắc của mảng sách tinh gọn là vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm gốc, tác phẩm tinh gọn còn nhiều bất cập, gây trở ngại… Liên quan tới nội dung này, ông Nguyễn Nguyên cho biết, cơ quan chức năng sẽ cố gắng hoàn thiện thể chế, công tác quản lý để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển loại hình này. Các giải pháp xử lý vi phạm bản quyền sách gốc và tinh gọn cũng sẽ được triển khai, bằng việc thành lập Trung tâm Bản quyền trực thuộc Hội Xuất bản Việt Nam, kết hợp Hiệp hội Quyền sao chép (VIETRO).

“Chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành hợp tác, liên kết chủ động xuất bản sách gốc kèm bản tinh gọn theo các loại hình khác nhau, phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn đọc trong xu hướng phát triển của thị trường, công tác chuyển đổi số”, ông Nguyễn Nguyên nói.

Sách tinh gọn là dạng ấn phẩm ngắn dưới 200 trang, tóm tắt nội dung những tác phẩm được xuất bản. Dạng sách này đa dạng về hình thức, từ bản in truyền thống, bản điện tử như audio, ebook, podcast, infographic. Ở sách in, thể loại được ưu tiên là sách nhiều tập, lịch sử, văn học kinh điển. Bản điện tử phù hợp thể loại sách kinh tế, tài chính, kỹ năng, khoa học – công nghệ.

Theo Mai An/SGGPO

 

Bình luận (0)