Năm 2022 là năm học đặc biệt vì TP.HCM vừa trải qua cơn đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không ít đến việc học tập của nhiều học sinh. Thấu hiểu khó khăn đó, công tác tuyển sinh của các trường ĐH cũng có những thay đổi để tạo thêm cơ hội xét tuyển cho các em.
Ban tư vấn đợt 1
Đây là thông tin của các chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ “Cùng bạn định hướng tương lai” năm học 2021-2022 diễn ra tại tỉnh Đồng Nai vừa qua. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cùng Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai thực hiện, phát sóng trực tiếp trên Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai đồng thời live stream trên Fanpage Youtube “Kênh Tuyển Sinh Hướng Nghiệp”. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), Trường ĐH Gia Định, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường là những đơn vị đồng hành cùng chương trình.
Điểm cộng cho thí sinh
ThS. Trần Ký
ThS. Trần Ký (Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (ngôi trường công lập duy nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường phía Nam) đã chủ động đưa ra những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cũng như gặt hái được kết quả tốt cho mùa tuyển sinh năm 2022. Theo đó, nhà trường đã đưa ra 4 phương thức tuyển sinh: dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào học bạ; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM và phương thức tuyển thẳng. Trong đó phương thức xét tuyển học bạ dựa theo 5 học kỳ gồm: học kỳ 1, học kỳ 2 của năm lớp 10, năm lớp 11 cùng học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ khá trở lên. “Năm 2022, công tác tuyển sinh của trường có điểm mới là cộng thêm điểm cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL. Ngoài các ngành đang được đào tạo, nhà trường cũng dự kiến mở thêm 2 ngành mới là ngành quản lý bất động sản và ngành quản lý công trình đô thị, dự kiến tuyển sinh mỗi ngành khoảng 50 sinh viên”, ThS. Trần Ký thông tin.
TS. Nguyễn Đình Khiêm
Trong khi đó TS. Nguyễn Đình Khiêm (Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho hay, năm nay nhà trường tuyển sinh thêm 2 ngành mới là ngành sư phạm mầm non và ngành quản lý bệnh viện nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 48 ngành trong bậc ĐH chính quy. “Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng và các trường ĐH nói chung hiện nay đều đào tạo theo hướng thực hành vì vậy các em cứ yên tâm. Dù học bên khối ngành nào thì các em cũng được trang bị kiến thức về kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin. Với mỗi ngành nghề nhà trường đều có chương trình đào tạo phù hợp”, TS. Khiêm cho biết.
Ban Tư vấn đợt 2
Giới thiệu về trường, ThS. Nguyễn Anh Vũ (Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng) cho biết, nhà trường có 3 phương thức tuyển sinh trong năm 2022: xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa theo kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Riêng phương thức tổng hợp là phương thức mới của trường dựa vào kết quả học tập bậc THPT và kèm theo một số yêu cầu khác. Đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ tiếng anh hay học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, trường năng khiếu, học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế… sẽ có điểm cộng vào cột điểm xét tuyển của trường. “Thí sinh nên đa dạng phương thức xét tuyển bởi vì dù các em trúng tuyển bằng phương thức nào thì đều được học tập như nhau, không có sự phân biệt thí sinh trúng tuyển giữa các phương thức”, ThS. Anh Vũ lưu ý.
Chọn đúng nghề thành công cao
ThS. Phạm Doãn Nguyên
Trong chương trình tư vấn, các chuyên gia cho rằng học sinh không nên chọn đa dạng ngành nghề, chỉ một là đủ. Bởi việc chọn ngành nghề còn theo đam mê, tố chất, năng lực và thị trường lao động. Việc chọn đúng ngành, đúng nghề giúp các em có tương lai tươi sáng và con đường thành công rộng mở. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) dẫn chứng, khi chọn nhóm ngành luật người học phải có tư duy logic, khả năng phản biện, hùng biện, khả năng phân tích, đánh giá, khả năng xử lý vấn đề, bản lĩnh chính trị cao, trí nhớ tốt và không phân biệt đối xử. Nếu người học hội tụ đủ những tố chất đó thì việc chọn học nhóm ngành luật sẽ có cơ hội thành công cao.
Phó GS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ
Trả lời câu hỏi của một học sinh về sự khác nhau giữa ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí và chế tạo máy? cơ hội việc làm sau khi ra trường, Phó GS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ (Phó Trưởng khoa cơ khí chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) thông tin, khoa cơ khí chế tạo máy của trường hiện có 6 chương trình đào tạo: công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ chế tạo máy; cơ điện tử; robot – trí tuệ nhân tạo; kỹ thuật công nghiệp; kỹ nghệ gỗ và nội thất. Trong đó, công nghệ kỹ thuật cơ khí và chế tạo máy là 2 chuyên ngành giống nhau gần 30% trong chương trình học đại cương; 30% chương trình cơ sở ngành, chỉ khác biệt 40%. Nếu người học chọn chuyên ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí sẽ được học về công nghệ CNC (liên quan cơ khí tự động hóa) lĩnh vực rất cần thiết tại Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, nhóm chế biến, chế tạo cần tới 300 ngàn lao động/năm, chiếm 3,7% GDP, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021. Điều đó cho thấy nhóm lĩnh vực này rất phát triển, giúp người học có tương lai tốt đẹp. “Đây là nhóm ngành quan trọng nên tỉ lệ sinh viên thất nghiệp rất hiếm. Trong 10 năm trở lại đây nhà trường chưa có sinh viên thất nghiệp ở nhóm ngành này. Không chỉ hút lao động ở Việt Nam, ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản cũng rất cần lao động liên qua đến công nghệ kỹ thuật cơ khí và chế tạo máy.
Nhi Nhi
Bình luận (0)