Phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2020; một số lưu ý khi lựa chọn môi trường học tập… Đó là những thông tin được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020 diễn ra tại Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh) mới đây.
Chuyên gia đang tư vấn các ngành nghề đào tạo hiện nay cho học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng các trường ĐH, CĐ khác.
Tiếp tục duy trì kỳ thi riêng
Mùa tuyển sinh năm 2020 chứng kiến sự “lên ngôi” của các kỳ thi riêng khi nhiều trường ĐH tiếp tục duy trì kỳ thi này làm một trong các phương thức tuyển sinh độc lập. Theo đó, năm 2020, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ duy trì việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của trường, sử dụng làm phương thức xét tuyển độc lập song song với 3 phương thức khác là: xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia; xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn từ 18 điểm trở lên; xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, kỳ thi tuyển sinh riêng của trường sẽ mở ra thêm một cơ hội để học sinh được học tập và rèn luyện ở những ngành nghề yêu thích trong môi trường đào tạo theo xu hướng quốc tế. Cụ thể, kỳ thi riêng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12-7 tới theo hình thức trắc nghiệm. Thí sinh đăng ký các môn thi theo nhu cầu xét tuyển vào ngành học. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi theo phương thức này từ ngày 1-4 đến 30-6. Trong khi đó, ở phương thức xét tuyển bằng học bạ, trường sẽ nhận hồ sơ theo 8 đợt, bắt đầu từ ngày 2-5 đến 10-9.
Tương tự, mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Việt Đức tiếp tục sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực riêng làm một trong các phương thức xét tuyển độc lập vào trường. Bên cạnh các phương thức xét tuyển truyền thống như: Xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia; tuyển thẳng thí sinh tài năng dành cho học sinh giỏi và học sinh có các chứng chỉ quốc tế. “Hiện tại trường đang “mở cửa” để học sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của trường. Kỳ thi này được tổ chức trong hai ngày 16 và 17-5 tới. Theo đó, kỳ thi thực chất không nhắm vào việc kiểm tra trực tiếp các kiến thức mà tập trung đánh giá các kỹ năng nhận biết, suy luận, xử lý vấn đề của người học. Bài thi sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh, gồm 2 phần: phần thi cơ bản theo hình thức trắc nghiệm và phần thi chuyên ngành, kiểm tra mức độ phù hợp của học sinh ở từng chuyên ngành. “ĐH Việt Đức là một trường công lập phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức. Chương trình dạy của trường 100% bằng tiếng Anh. Quá trình học tập, hơn 60% khối lượng chương trình sinh viên sẽ học với giáo sư từ Đức sang giảng dạy. Đồng thời có cơ hội đi thực tập từ 6-12 tháng tại Đức, song song học thêm tiếng Đức. Bằng cấp của trường được công nhận trên toàn thế giới”, TS. Vũ Quốc Huy (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Việt Đức) cho hay.
Cân nhắc khi chọn môi trường học
Học thiết kế cần nhất khả năng tư duy, sáng tạo ThS. Trần Minh Tuấn (Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho biết: “Tuy không áp dụng vẽ tay nhưng để theo học các ngành liên quan đến khối ngành thiết kế, học sinh cần phải có năng khiếu về thẩm mỹ, tư duy sáng tạo, khả năng nhìn nhận mỹ thuật ứng dụng trong đời sống. Trong quá trình học, khối ngành này thao tác nhiều trên máy tính thông qua các ứng dụng. Tuy nhiên, để có thể thành công, người học phải thể hiện cá tính riêng trong từng sản phẩm. Ngành kỹ thuật không gian là gì? Trước thắc mắc của nhiều học sinh về ngành kỹ thuật không gian, TS. Mai Linh (Trưởng khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết đây là ngành đào tạo ra kỹ sư trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh vệ tinh, công nghệ viễn thám và định vị vệ tinh. Ngành học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao trong ứng dụng công nghệ vệ tinh vào đời sống xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo và an ninh quốc phòng. “Ra trường, người học có thể làm việc ở các vị trí như giám sát, quản lý tài nguyên rừng, đất đai, lãnh thổ, biển đảo của đất nước, hay nghiên cứu tại các viện và trung tâm, làm việc trong lĩnh vực liên quan đến viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử…”, TS. Linh thông tin. |
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM), hiện nay với việc các trường mở ra nhiều phương thức tuyển sinh độc lập, tăng thêm cơ hội cho học sinh trong xét tuyển nên việc vào ĐH không còn quá khó khăn, thậm chí khá dễ dàng. Điều quan trọng là các em phải chọn được ngành học phù hợp với bản thân về năng lực, nguyện vọng, sở thích. Các em đừng chọn ngành học, trường học theo ý của bạn bè, hay theo sở thích của bạn bè. Góp ý thêm, ThS. Nguyễn Việt Thái (Trưởng phòng Tư vấn – Tuyển sinh, Trường ĐH Hoa Sen) lưu ý học sinh khi chọn ngành học, trường học nên cân nhắc thêm về năng lực tài chính.
Ngoài việc cân nhắc trong việc chọn ngành, chọn trường, TS. Nguyễn Văn Long Giang (Phó khoa Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) khuyên học sinh cần chú ý đến chương trình đào tạo trong mỗi ngành nghề. “Các chương trình đào tạo hiện nay thông thường là chương trình đào tạo đại trà, chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo liên kết quốc tế. Trong đó, chương trình đào tạo đại trà có mức học phí thấp hơn các chương trình đào tạo còn lại. Tuy nhiên, các chương trình chất lượng cao, đào tạo liên kết quốc tế lại trang bị cho người học nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp tiếng Anh”, TS. Nguyễn Văn Long Giang cho biết.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)