Nhà ga T3, cầu Ba Son, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu… là những công trình nằm trong danh sách 50 công trình được vinh danh công trình tiêu biểu ở TP.HCM. Những công trình này đã gắn liền với hình ảnh TP.HCM, góp phần tạo động lực lớn cho sự phát triển TP nói riêng và cả nước nói chung trong suốt 50 năm qua.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông
Khánh thành từ tháng 4-2022, cầu Ba Son đã trở thành một trong những biểu tượng của TP.HCM. Đây cũng là một công trình hạ tầng giao thông quan trọng, góp phần tiếp thêm động lực phát triển cho khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP và cũng là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – cho biết, cầu Ba Son là công trình trọng điểm trên trục giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng. Cầu dài 1,5km, gồm 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp nghiêng về phía Thủ Thiêm. Sau khi hoàn thành, cầu Ba Son đã giúp giảm tải lưu lượng cho hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1, đồng thời kết nối trực tiếp quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.
Theo ông Trung, trong giai đoạn thiết kế, công ty đã mời đơn vị thiết kế cầu dây văng danh tiếng của Phần Lan tham gia, cùng với đội ngũ tư vấn giám sát từ Hàn Quốc và các nhà thầu có kinh nghiệm trong khu vực. Dù gặp không ít khó khăn trong thi công, công trình vẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng và đã được nghiệm thu, đưa vào khai thác.
“Việc đặt tên cầu Ba Son không những mang ý nghĩa tạo sự kết nối giữa xưa và nay trong lòng đô thị mang tên Bác mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc”, ông Trung chia sẻ.
Khánh thành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo ông Lê Khắc Hồng – Trưởng ban Quản lý dự án nhà ga T3, nhà ga T3 đánh dấu bước ngoặt lớn cho hệ thống hạ tầng hàng không của TP.HCM cũng như Việt Nam.
Trước đó, Sân bay Tân Sơn Nhất với nhà ga T1 và T2 liên tục quá tải. Nhà ga T1 thiết kế cho 15 triệu hành khách/năm nhưng từng phục vụ đến 26 triệu khách; còn nhà ga T2 thiết kế cho 13 triệu khách nhưng có lúc khai thác tới 16 triệu khách/năm. Tình trạng ùn tắc cả trên không lẫn dưới mặt đất khiến nhu cầu mở rộng sân bay trở nên cấp thiết.
“Nhà ga T3 là nhà ga nội địa lớn nhất Việt Nam hiện nay có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, giúp nâng tổng năng lực khai thác của Sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm, hoàn thiện đúng quy hoạch đề ra. Đây cũng là nhà ga đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ phân loại hành lý tự động và công nghệ sinh trắc học (nhận diện gương mặt) thông qua VNeID, cho phép hành khách tự làm thủ tục nhanh chóng, tiện lợi mà không cần nhân viên hỗ trợ”, ông Hồng thông tin.
Sự kiện đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phát triển giao thông công cộng của TP.HCM.
Với chiều dài 19,7km, tuyến Metro số 1 gồm 14 ga, trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị – tàu điện đầu tiên của TP.HCM, nối trung tâm TP với khu vực cửa ngõ phía Đông, giúp giảm tải cho đường Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội, đây là một trong những trục huyết mạch nhưng thường xuyên kẹt xe.
Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết, từ ngày 22-12-2024 đến 9-3-2025, Metro số 1 có hơn 15.300 chuyến tàu được vận hành, phục vụ 5.346.878 lượt hành khách, trung bình khoảng 348 lượt khách/chuyến, gấp 1,8 lần so với dự kiến ban đầu.
Chăm sóc sức khỏe cho người dân
Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp – chia sẻ, Bệnh viện Nhi đồng TP được đặt trong cụm y tế Tân Kiên (54ha), vị trí giao giữa Quốc lộ 1, Đại lộ Đông Tây, đường Vành đai 2, cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Điều này cho thấy bệnh viện chăm sóc sức khỏe không chỉ riêng cho người dân TP.HCM mà còn tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho các cháu thiếu nhi ở các tỉnh như Long An, Tây Ninh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Bệnh viện có diện tích rộng tạo sự thông thoáng cho các bệnh nhi đến thăm khám. Ngoài ra bệnh viện còn trồng cây xanh, hoa và trang trí nhiều hình ảnh khiến các cháu thiếu nhi cảm thấy thân thiện, gần gũi. Bệnh viện được đầu tư cơ sở kỹ thuật hiện đại tương xứng với các bệnh viện trên thế giới, đặc biệt là khoa “y học nhanh” với chức năng chăm sóc điều trị ung thư chuyên biệt cho bệnh nhi, đây là một trong những điểm đặc biệt của bệnh viện.
“Trong quá trình thiết kế, chủ đầu tư và các đơn vị tham gia đặt hết tâm trí, sức lực từng chi tiết để thực hiện. Chúng tôi quan tâm đến từng cầu thang, hành lang, lối đi, nhà vệ sinh để phục vụ cho trẻ em”, ông Dũng chia sẻ.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) cũng là một trong 50 công trình tiêu biểu của TP.HCM.
Chia sẻ về công trình, TS.BS Diệp Bảo Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) nằm vị trí thuận lợi cho bệnh nhân đến khám, điều trị khi kết nối với Metro số 1 và Bến xe Miền Đông mới. Bệnh viện khởi công năm 2016, khi bắt đầu triển khai khối phòng khám thì xảy ra dịch Covid-19, bệnh viện được trưng dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19. Tháng 4-2023, bệnh viện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ cắt băng khánh thành, đưa vào hoạt động. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường, được đầu tư trang thiết bị, phòng xét nghiệm hiện đại, trong đó hệ thống chống nhiễm khuẩn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) là công trình mơ ước của ngành y tế TP với mong muốn mỗi bệnh nhân được nằm một giường. Nhờ công trình này mà bệnh nhân yên tâm điều trị, bác sĩ yên tâm khi làm việc. Cũng nhờ cơ sở hiện đại mà bệnh viện phát triển thêm các kỹ thuật mới.
Ông Tuấn cho biết thêm, bên cạnh khu giải trí, công trình cây xanh, sắp tới bệnh viện sẽ đầu tư thêm sân chơi thể thao cho bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện cũng kỳ vọng sẽ tham gia cấp cứu đường hàng không khu vực phía Nam.
Sông Hậu
Bình luận (0)