Đại học Kinh tế quốc dân yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải đạt IELTS 5.5. Với Đại học Bách khoa Hà Nội, tiêu chuẩn tiếng Anh đầu ra là TOEIC 500.
Theo đề án đào tạo tiếng Anh Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) công bố hôm 23/10, sinh viên đại trà khối không chuyên ngữ có thể đăng ký học tiếng Anh tăng cường (6 tín chỉ) và 5 học phần tiếng Anh từ cơ bản đến định hướng chuẩn đầu ra (30 tín) ở trường nhằm mục tiêu đạt tối thiểu mức B2 theo khung tham chiếu châu Âu, tương đương IELTS 5.5.
Ông Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, cho biết đề án này nằm trong lộ trình nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ, bắt đầu từ năm 2012. Theo đó, sinh viên trúng tuyển từ năm 2012 sẽ phải đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh tương đương IELTS 4.5 nhưng tập trung vào hai kỹ năng là nghe, đọc. Đến năm 2015, chuẩn đầu ra như cũ nhưng sinh viên phải đạt cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Các em có thể thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL hoặc tham gia kỳ thi nội bộ của trường.
Từ năm 2017, nhà trường nâng chuẩn đầu ra lên mức tương đương IELTS 5.5, bỏ hoàn toàn kỳ thi nội bộ và không chấp nhận các chứng chỉ do bất kỳ đại học nào cấp. "Đây là cách trường giúp sinh viên có cơ hội việc làm cao hơn và việc học chuyển tiếp dễ dàng hơn bởi chứng chỉ quốc tế mới được công nhận rộng rãi", ông Đức nói.
Với đề án hỗ trợ sinh viên đạt chuẩn đầu ra vừa công bố, Đại học Kinh tế quốc dân muốn sinh viên được học ngay tại trường với kinh phí thấp hơn (có thể chỉ bằng 40% bên ngoài) vì trường được các tổ chức quốc tế hỗ trợ để sinh viên thi lấy chứng chỉ tại trường và học phí chỉ tính theo tín chỉ thông thường. Hơn nữa, những sinh viên học theo đề án này được trường cam kết đầu ra dù thi ở bất kỳ đâu. Nếu không đạt, nhà trường dạy lại miễn phí hai học phần cuối.
"Chúng tôi đã ấp ủ đề án này từ lâu nhưng đến năm nay khi cơ sở vật chất, nguồn lực đáp ứng được, nhà trường mới thực hiện. Đây là nỗ lực lớn của trường nhằm nâng cao chất lượng đầu ra", ông Đức chia sẻ và cho biết trước đề án này, sinh viên chỉ học 9 tín chỉ tiếng Anh trong chương trình đào tạo.
Các giảng đường mới ở Đại học Kinh tế quốc dân đủ đáp ứng việc thực hiện đề án đào tạo tiếng Anh. Ảnh: Giang Huy |
Không chỉ Kinh tế quốc dân, nhiều đại học cũng bắt đầu quan tâm hơn đến việc nâng chuẩn đầu ra tiếng Anh nhằm giúp sinh viên đạt được những yêu cầu nhất định của thị trường lao động. Tuy nhiên, cách thực hiện có phần khác nhau. Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) yêu cầu sinh viên đạt được trình độ nhất định theo lộ trình từng năm học.
Đại học Bách khoa Hà Nội yêu cầu đầu ra tiếng Anh ở mức TOEIC 500 (áp dụng với sinh viên trúng tuyển từ năm 2017, trước đó là 450) với hệ đại trà không chuyên ngữ, nhưng sinh viên không phải học tiếng Anh trong trường nhiều. Trường chỉ tổ chức dạy hai học phần cơ bản ở năm nhất. Dựa vào điểm tiếng Anh ở kỳ thi THPT quốc gia và chứng chỉ quốc tế, sinh viên sẽ được miễn hoặc chỉ học một học phần. Tuy nhiên, điểm chỉ là điều kiện công nhận hoàn thành chứ không tính vào điểm trung bình.
Ở những năm tiếp theo, sinh viên tham dự các kỳ thi cấp chứng chỉ nội bộ của trường nhiều lần, mỗi lần cách nhau 50 ngày. Nếu không đạt chuẩn tiếng Anh theo lộ trình, các em bị hạn chế đăng ký tín chỉ. Ví dụ, sinh viên đã học từ 64 tín chỉ phải đạt 350 TOEIC, nếu không sau đó sẽ chỉ được đăng ký tối đa 14 tín cho một học kỳ chính. Sinh viên phải đạt 500 TOEIC mới được giao đề tài đồ án/khóa luận tốt nghiệp. Các em có thể dùng chứng chỉ quốc tế để quy đổi.
Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), môn Ngoại ngữ là bắt buộc trong chương trình đào tạo với 10 tín chỉ. Sau khi sinh viên nhập học, Phòng Đào tạo và Trung tâm ngoại ngữ tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh, từ đó phân loại, bố trí lớp. Học xong bốn học kỳ đầu, sinh viên phải đạt trình độ A2 mới được đăng ký học tiếp năm thứ ba. Chuẩn đầu ra tối thiểu để được công nhận tốt nghiệp là B1 với đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Với Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM), để phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ, đồng thời đảm bảo sinh viên chương trình tiêu chuẩn đạt đầu ra IELTS tối thiểu 5.0 và chất lượng cao là 5.5, trường đầu tư khu sinh hoạt, học thuật riêng. Tòa nhà dạy học ngoại ngữ với 6 tầng được trang bị đầy đủ trang thiết bị, không gian mô phỏng nước ngoài. Bước vào đây, tất cả phải sử dụng ngoại ngữ để rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng học ngoại ngữ trong khu học thuật riêng. Ảnh: Ton Duc Thang University |
Ở khối trường cao đẳng, một số trường cũng bắt đầu quan tâm đến tiếng Anh. Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP HCM), với chuyên ngành tiếng Anh thương mại, chuẩn đầu ra là 4.5 IELTS, các ngành cao đẳng khác là 350 TOEIC, các ngành bậc trung cấp 250 TOEIC. Ngoài ra, chương trình chính khóa còn có 120 tiết tiếng Anh, được xây dựng để sinh viên có thể đáp ứng được chuẩn trên.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay quy mô trường khoảng 30.000 sinh viên và học viên, tỷ lệ "nợ" tiếng Anh đầu ra trước đây khá lớn. Nhờ đầu tư từ trường, từ việc chia sẻ giáo trình, phát triển học trực tuyến, ngân hàng đề thi, tình hình đã được cải thiện. "Hiện tiếng Anh là điều kiện bắt buộc, có chứng chỉ tốt, cơ hội tìm việc làm của các em rất lớn", bà Lý nói.
Trong khi đó, trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 (TP HCM) với quy mô hơn 4.000 sinh viên, chủ yếu đào tạo kỹ sư thực hành, mới đang xây dựng chuẩn đầu ra tiếng Anh theo khung 6 bậc. Dự thảo quy định điều kiện tốt nghiệp tối thiểu là chứng chỉ A2 với bậc cao đẳng, A1 với trung cấp. Phó hiệu trưởng Bùi Văn Hưng cho biết hiện trường cũng áp dụng điều kiện trên làm tiêu chuẩn tốt nghiệp nhưng việc tổ chức học, thi chỉ mang tính nội bộ. Thi xong các em chỉ được công nhận đạt kết quả để tốt nghiệp chứ không có chứng chỉ.
Theo ông Hưng, đầu vào ở các trường cao đẳng nghề không cao, nhiều em ở nông thôn nên tiếng Anh rất yếu. "Việc này phải từng bước cải thiện, dù rất vất vả. Trường hiện đầu tư mạnh cho trung tâm ngoại ngữ, tạo môi trường cho sinh viên được học và thực hành nhiều hơn", ông Hưng nói.
Theo Dương Tâm – Mạnh Tùng/Vnexpress
Bình luận (0)