Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều đại học nguy cơ thiếu chỉ tiêu, đóng ngành học

Tạp Chí Giáo Dục

 

Hiện nay đã có hơn 100 trường đại học, cao đẳng công bố điểm thi tuyển sinh năm 2010. Trong khi các trường nhóm trên dự kiến điểm chuẩn sẽ tương đương năm trước thì rất nhiều trường nhóm dưới lại lo lắng không tuyển đủ chỉ tiêu.
Lãnh đạo các trường đại học thuộc nhóm trên như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Đại học Bách khoa… đều cho biết, mặc dù số thí sinh đạt điểm cao ít hơn nhưng phổ điểm chủ yếu vẫn ở ngưỡng từ 6 đến 8 điểm như năm trước. Do đó, điểm chuẩn dự kiến sẽ tương đương năm 2010 (khoảng  trên dưới 20 điểm)
Thí sinh dự thi đại học năm 2011. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Tuy nhiên, rất nhiều trường lại than thở điểm thi năm nay thấp hơn năm trước nên việc tuyển sinh đang đứng trước nhiều khó khăn.
Tại Đại học An Giang, mặc dù chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ thí sinh theo từng mức điểm nhưng theo nhận định chung của ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Khảo thí của trường thì điểm thi năm nay khá thấp. So với kết quả thi năm 2010, mặt bằng điểm giảm khoảng 1 đến 1,5 điểm.Trong các nhóm ngành thì chỉ có nhóm kinh tế là khá nhất. Nhóm có điểm kém nhất là khối ngành sư phạm.
Với kết quả thi này, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ mức điểm sàn như năm 2010 (13 điểm với khối A, D và 14 điểm với khối C, D), hàng loạt ngành học của trường đang đứng trước nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu như ngành Trồng trọt, Chăn nuôi, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Địa lý, ngay cả Sư phạm Văn, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học… cũng trong tình trạng này," ông Thanh lo lắng nói.
Cũng theo ông Thanh, trường sẽ xin Bộ được giãn điểm ưu tiên theo vùng, nhưng mức điểm cũng không thể quá thấp. Chẳng hạn, nếu thí sinh chỉ 8 điểm cũng đủ đỗ vào trường thì trung bình mỗi môn, thí sinh đó chỉ cần khoảng 2,5 điểm, mức điểm mà với thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ cần làm xác suất cũng có thể đạt được. “Vì tuyển sinh như thế thì cũng… buồn cười,” ông Thanh phân trần.
Năm 2010, trường đã phải tạm dừng một số ngành như Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Khoa học Cây trồng vì không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm nay, với tình trạng tuyển sinh “ăn đong”, các ngành này cũng khó lòng tái khởi động việc đào tạo.
Tại Đại học Tây Bắc, tình trạng tuyển sinh nhóm ngành sư phạm cũng khó khăn không kém. Năm nay, mặc dù số lượng thí sinh dự thi vào trường tăng đột biến với 11.200 em, tỷ lệ dự thi lên đến 81%, nhưng kết quả thi lại rất thấp. Theo Trưởng phòng Đào tạo Phạm Minh Thông, nếu lấy điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2010 làm chuẩn  thì chỉ có 25% thí sinh trúng tuyển. Trường hiện có tới 17 ngành học sư phạm đang đứng trước nguy cơ khó tuyển.
Đây cũng là tình cảnh của rất nhiều trường. Số thí sinh của Đại học Đại Nam đạt tổng điểm trên 10 điểm chỉ chiếm 40%. Ở Đại học Hà Hoa Tiên, thí sinh thủ khoa của trường mới đạt 12,5 điểm, dưới mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2010.
Với kết quả thi ảm đạm đó, các trường chỉ còn có thể trông chờ nguồn tuyển vào nguyện vọng 2 và 3. Vì thế nên dù chưa công bố điểm chuẩn chính thức, việc tuyển nguyện vọng 1 vẫn chưa bắt đầu nhưng rất nhiều trường đã lên kế hoạch chỉ tiêu và thông báo sẽ tuyển nguyện vọng 2.
Lãnh đạo Đại học An Giang cho biết, trường đang hy vọng hơn vào nguồn tuyển nguyện vọng 2 để bổ sung thiếu hụt.
Đại học Đại Nam cũng dự kiến tuyển tới 60% nguyện vọng 2. Hàng loạt trường như Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tiền Giang, Đại học Lạc Hồng cũng cho biết sẽ dành chỉ tiêu không nhỏ cho đối tượng này.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng tuyển sinh sẽ họp và công bố điểm sàn trước ngày 10/8/2011.
Căn cứ điểm sàn này, các trường đại học, cao đẳng sẽ công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1, chậm nhất là ngày 19/8/2011./.
Theo Phạm Mai
(Vietnam+)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)