Nhóm sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một đang thảo luận về đề tài “Phân tích tác nhân ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế thu nhập cá nhân tại Bình Dương” thuộc lĩnh vực kinh tế |
Thành đoàn TP.HCM vừa phối hợp với ĐHQG TP.HCM tổ chức tổng kết và trao giải Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka năm 2016. Theo đó, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 85 đề tài xuất sắc trong tổng số 115 đề tài vào chung kết.
So với các năm trước, năm nay có nhiều đề tài nghiên cứu những vấn đề thời sự đang diễn ra ở lĩnh vực giáo dục, CNTT, tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc đô thị…, qua đó đưa ra những hướng giải quyết thuyết phục, mang tính khoa học và thực tiễn cao. Cụ thể, ở lĩnh vực giáo dục, nổi bật là các đề tài: “Hiệu quả cải thiện vệ sinh răng miệng của mô hình tích hợp âm nhạc trong hướng dẫn chải răng cho học sinh tiểu học 9-10 tuổi tại TP.HCM” của nhóm sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM; đề tài “Mối quan hệ giữa khả năng tự kiểm soát và tính gây hấn của học sinh THCS” của nhóm sinh viên Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), góp phần hỗ trợ nhà trường trong việc quan tâm, giáo dục học sinh toàn diện hơn. Ở lĩnh vực tài nguyên môi trường, có đề tài “Nghiên cứu sản xuất “giấy xanh” – giấy từ phế phẩm nông nghiệp” của sinh viên Đặng Thị Ngọc Ánh (Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế) đã tìm ra được nguyên liệu đầu vào dễ tìm để sản xuất, có giá thành rẻ gồm các phi thân gỗ phế phẩm rơm rạ, các thân cỏ, bã dừa, bã mía, xác hữu cơ thực vật… Hiện dự án phát triển theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất giấy cho các hộ nông dân để chính nông dân thực hiện, từ đó phế phẩm nông nghiệp được xử lý theo hướng tích cực hơn và người dân có nguồn thu nhập từ chính sản phẩm của mình. Đặc biệt, trong số các đề tài được trao giải, đề tài “Phát hiện, nhận biết mặt người và ứng dụng video thông minh trên thiết bị di động” ở lĩnh vực CNTT của nhóm sinh viên Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) được Ban giám khảo đánh giá rất cao. Đề tài xây dựng một hệ thống smart video sử dụng thiết bị di động như một ứng dụng hữu ích để duyệt, quản lí và cung cấp các thông tin để tương tác với các nhân vật trong video. Ngoài ra, hệ thống còn kết nối với các thông tin, dịch vụ trực tuyến trên mạng xã hội như facebook, twitter… để tương tác với nhân vật trong video một cách trực quan và sinh động nhất.
Được biết, tại buổi lễ trao giải, Thành đoàn TP.HCM đã chuyển giao 5 công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao cho một số sở, ngành tại TP.HCM để triển khai trong thực tế.
N.Trinh
Bình luận (0)