Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nhiều dịch bệnh đã được kiểm soát chặt

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngành y tế đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh. Riêng bệnh sởi, đến nay đã được khống chế và giảm tại nhiều địa phương.
Bệnh sởi đã được khống chế và giảm dần
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng tại cuộc họp báo phía Nam do Bộ Y tế tổ chức mới đây ở TP.HCM, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận có 4.857 trường hợp mắc bệnh sởi được xác định trong số 24.648 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố. Hầu hết các trường hợp mắc sởi đều tập trung ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 76,5%), trong đó có 11% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine), 87% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vaccine sởi hoặc không nắm rõ tiền sử tiêm chủng. Đặc biệt, vẫn còn tới 9% trẻ đã tiêm mũi 1 và 4% trẻ đã tiêm mũi 2 mắc sởi.
Sau hiện tượng số ca tử vong gia tăng mạnh vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế đã có những giải pháp kịp thời như tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị tích cực và đặc biệt các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện.
Bên cạnh đó, bộ đã triển khai nhanh công tác khám, phát hiện, cách ly và chuyển khám tại phòng khám truyền nhiễm để hạn chế lây lan và chuẩn bị phương tiện như thuốc men, cơ sở vật chất, phương tiện phòng hộ cá nhân để điều trị lây lan. Đồng thời, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế đã triển khai cấp tốc các lớp tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị hô hấp, truyền nhiễm cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở này.
Với hàng loạt các giải pháp được thực hiện đồng bộ, tình trạng quá tải và tử vong tại các bệnh viện Nhi TW, Nhiệt đới TW, Bạch Mai đã giảm tối đa.
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết: “Song song với những giải pháp trước mắt và cấp bách, Bộ Y tế đã triển khai nhanh chóng và kịp thời chiến dịch tiêm vét vaccine sởi tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện tại, chiến dịch đã tiến hành tiêm vét vaccine sởi cho hơn 800.000 trẻ từ 9-36 tháng tuổi trên cả nước. Trong đó Hà Nội đã tiêm vét cho 80.000 trẻ, TP.HCM đã tiêm vét được cho 200.000 trẻ”.
Tính đến ngày 27-5, tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi trên toàn quốc đạt 96,1%. Trong đó, có một số tỉnh thành như TP.HCM đạt 99,6%, 49 tỉnh thành khác đạt 95% trở lên; 12 tỉnh, thành đạt tỷ lệ từ 90-95% và duy nhất có 2 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 90% là Cao Bằng (87,4%) và Tây Ninh (83,6%).
Đề phòng, ngăn chặn các loại dịch bệnh khác
Hiện nay, bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. So với cùng kỳ những năm trước thì số ca mắc đang ở mức thấp. Tuy vậy, ở một số địa phương, số người mắc có chiều hướng tăng và nguy cơ dịch bùng phát.
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên cả nước ghi nhận có 20.383 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu); có 9.413 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (6 trường hợp đã tử vong tại các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Cà Mau, Bình Phước).
Cụ thể, bệnh tay chân miệng có số ca mắc chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, chiếm 78,5% số trường hợp mắc trong cả nước. Có 5 tỉnh số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 là TP.HCM tăng 29,1%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 27,8%, Cà Mau tăng 18,7%, Lâm Đồng tăng 18,6% và Sóc Trăng tăng 8,4%.
Ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: “Bên cạnh việc rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, thuốc, vật tư trang thiết bị thì Bộ Y tế đã tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao năng lực về thực hành lâm sàng cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trực tiếp tham gia phòng chống dịch. Đồng thời cập nhật và chuẩn hóa các hướng dẫn về chuyên môn, chẩn đoán, xử lý, cấp cứu, điều trị tích cực; thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường ghi nhận ca bệnh; mở rộng tuyên truyền cho nhân dân qua nhiều kênh để phòng chống, phát hiện bệnh sớm…”.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng thông báo và khuyến cáo với các địa phương và người dân về việc phòng chống một số dịch bệnh khác như: Cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), thủy đậu, viêm não virus, sốt rét. Đặc biệt cần theo dõi tình hình dịch bệnh quốc tế với các bệnh dịch mới xuất hiện như: Bệnh viêm hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông (MERS-CoV), cúm A (H7N9), bại liệt hoang dại… để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn không cho bệnh xâm nhập vào Việt Nam.
Bài, ảnh: Kim Anh
Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản B
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa khuyến cáo người dân phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản B. Viêm não Nhật Bản B là bệnh nhiễm virus viêm não Nhật Bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng như: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê… trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người. Điều đáng nói là đến nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B, người dân cần: Đưa trẻ đi tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B đầy đủ và đúng lịch: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Phải cho trẻ ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt. Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)