Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhiều dịch bệnh động vật lăm le vào Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trước tình hình dịch bệnh trên vật nuôi có chiều hướng gia tăng, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn các tỉnh phía Bắc”.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại hai tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 8.875 con. Hiện cả nước vẫn còn 1 ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Khánh Hòa đã qua 16 ngày. Bên cạnh đó, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại nhóm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa được tiêm vắc-xin ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị… Theo thống kê, tổng số gia súc mắc bệnh lở mồm long móng là 757 con; đã tiêu hủy 679 con. Đáng chú ý, hiện 4 tỉnh: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Kom Tum vẫn còn lợn mắc bệnh, nhưng chưa qua 21 ngày.

Đối với bệnh lợn tai xanh, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh dại, từ đầu năm 2019 không phát sinh. Tuy nhiên, nguy cơ gia súc, gia cầm có khả năng mắc bệnh được đánh giá là lớn và đáng lo ngại. 

Trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã xuất hiện 105 ổ dịch, phải tiêu hủy gần một triệu con lợn do bệnh tả lợn châu Phi. Trước nguy cơ dịch xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao, Cục Thú y vừa lập 8 đội phản ứng nhanh, kiện toàn 8 phòng xét nghiệm. Tính đến hết tháng 1-2019, đã có hơn 4.000 mẫu được xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng thông báo cho đại sứ quán các nước như Ba Lan, Hungary, Bỉ về việc Việt Nam tạm dừng nhập khẩu lợn, sản phẩm của lợn từ các vùng có bệnh dịch tả lợn châu Phi theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nguy cơ các mầm bệnh H5N1, H7N9, dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam rất cao. Hiện đang trong giai đoạn cao điểm của việc phòng, chống dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, nhiều địa phương vẫn chủ quan, thờ ơ trong việc phòng chống dịch bệnh động vật. Vì vậy, cần phải quyết liệt phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm mới có kết quả. Đồng thời, phải đánh giá lại việc phòng chống dịch bệnh thời gian qua và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. 

Theo đó, ông Tiến chỉ đạo ngành NN&PTNT các tỉnh, thành triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 6-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại; Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2018 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Đồng thời giao Cục Thú y tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên động vật tại các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam; Hỗ trợ kịp thời vắc-xin, hóa chất cho các địa phương để tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả; Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với lợn và các sản phẩm của lợn từ địa phương của các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi…

T.S

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)