Những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm 2020 của nhiều trường ĐH đã được các chuyên gia thông tin tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 12 năm 2020 diễn ra mới đây tại Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận).
Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Phú Nhuận về các ngành nghề đào tạo hiện nay
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng các trường ĐH, CĐ khác.
Những trường nào tổ chức kỳ thi riêng?
Năm 2020, Trường ĐH FPT tiếp tục duy trì việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng (kỳ thi sơ tuyển) để làm phương thức xét tuyển thành phần bắt buộc vào các ngành đào tạo của trường. Song song đó, thí sinh còn phải đạt một trong 2 điều kiện sau: tổng điểm tổ hợp xét tuyển 3 môn (mỗi môn tính trung bình hai học kỳ cuối THPT) đạt từ 18 trở lên hoặc tổng điểm tổ hợp xét tuyển 3 môn trong kỳ thi THPT quốc gia đạt từ 15 trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD-ĐT). Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực của trường, ThS. Nguyễn Tú Loan (Phó phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH FPT) cho hay, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 10-5, xoay quanh các câu hỏi kiểm tra về IQ, kiến thức xã hội xem người học có phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường hay không. “Thí sinh thực hiện hai bài thi bằng ngôn ngữ tiếng Việt, trong đó: Bài thi 1 nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi. Bài thi 2 nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh. Kiến thức bài thi không phải là kiểm tra về toán, lý, hóa thông thường”, ThS. Loan cho biết.
Tương tự, năm 2020, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng duy trì kỳ thi riêng do trường tổ chức, sử dụng làm một trong 6 phương thức xét tuyển vào trường. Với phương thức này, thí sinh chọn dự thi 2 môn (trong đó có ít nhất 1 môn bắt buộc là toán hoặc văn) và xét tuyển 1 môn trung bình lớp 12 trong học bạ THPT theo tổ hợp môn xét tuyển của ngành dự thi. Các môn thi và xét tuyển bao gồm: văn, lý, toán, hóa, sinh, tiếng Anh; kiến thức bài thi nằm trong chương trình học THPT. Trong khi đó, năm nay Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM vẫn trung thành với việc áp dụng kỳ thi riêng ở môn năng khiếu đối với ngành thiết kế, mỹ thuật, kết hợp với các môn thi THPT quốc gia để tạo thành tổ hợp xét tuyển. Bên cạnh phương thức xét phổ biến là sử dụng điểm thi THPT quốc gia. ThS. Võ Minh Tuấn (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho biết kỳ thi năng khiếu của trường đánh giá cao việc truyền tải chủ đề, sự sáng tạo mang tính ứng dụng của thí sinh.
Thêm cơ hội vào ĐH cho học sinh
Nhằm thu hút học sinh trong mùa tuyển sinh năm 2020, nhiều trường ĐH đã có hướng bổ sung cũng như thay đổi về phương thức xét tuyển. Trong những thay đổi đó, đáng chú ý nhất là thay đổi của Trường ĐH Luật TP.HCM. ThS. Vũ Đình Lê (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM) thông tin, mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng để có thời gian đánh giá, kiểm tra lại những bất cập của phương thức này. Thay vào đó, trường sử dụng 2 phương thức tuyển sinh độc lập là xét tuyển thẳng (chiếm 30% tổng chỉ tiêu) với đối tượng học sinh giỏi 3 năm liền, có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cụ thể; xét theo điểm thi THPT quốc gia (chiếm 70% tổng chỉ tiêu). Trước đó, Trường ĐH Luật TP.HCM là một trong những trường đầu tiên tại TP.HCM sử dụng kỳ thi riêng làm phương thức xét tuyển truyền thống vào trường. Đặc biệt, năm 2020, Trường ĐH Luật TP.HCM tuyển sinh thêm 1 ngành mới là Luật Thương mại quốc tế, nâng tổng số ngành đào tạo lên 5. Bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống, năm nay các tổ hợp xét tuyển của trường cũng mở rộng khi tăng thêm 7 tổ hợp mới là: D14 (văn, sử, tiếng Anh), D66, D69, D70 (văn, GDCD, ngoại ngữ – tiếng Anh (D66), tiếng Nhật (D69), tiếng Pháp (D70); D84, D87, D88 (toán, GDCD, ngoại ngữ – tiếng Anh (D84), tiếng Pháp (D87), tiếng Nhật (D88).
Mạnh dạn xác định ngành học kèm hướng đi sau này Trao đổi với học sinh trong trường, ThS. Nguyễn Quang Anh Chương (đại diện Phân viện ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho biết: Các em không chỉ xác định ngành nghề mà ngay từ bây giờ cần phải có sự trải nghiệm nhiều hơn. Hãy mạnh dạn đặt ra mục tiêu cho bản thân nhắm tới doanh nghiệp nào, vạch sẵn những đòi hỏi của doanh nghiệp để xem mình đã đáp ứng được những gì. Bước vào ĐH không phải là tất cả, đó mới chỉ là sự khởi đầu, kiến thức bậc học này sẽ là hành trang để các em hướng tới những mục tiêu mà mình đã đặt ra. Không phải là chọn trường học rồi ra trường mới tìm hiểu để bổ sung xem doanh nghiệp yêu cầu gì, cần gì, khi đó sẽ không còn kịp. |
Trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc làm thế nào học đúng ngành theo sở thích tại trường ĐH yêu thích, các chuyên gia khuyên: Ngoài việc cân nhắc những môi trường học có chung lĩnh vực đào tạo, học sinh cũng có thể đi đường vòng. Cụ thể, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho biết: “Tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, ở những ngành học được coi là “hot” với điểm chuẩn hàng năm cao và tỷ lệ chọi lớn, nếu sức học của các em chỉ ở mức bình thường thì có thể sẽ không đậu. Theo đó, các em có thể chuyển hướng, chuyển sang đăng ký học một ngành khác, sang năm thứ 2 đăng ký học song ngành trong 5 ngành đào tạo, bao gồm: Quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, báo chí, quản trị du lịch và lữ hành, tâm lý học, bắt đầu từ năm học 2020-2021. Thậm chí, sinh viên các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng được đăng ký học thêm song ngành ở 5 ngành này tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Đây là xu hướng đào tạo trong giáo dục ĐH hiện nay, đảm bảo trang bị thêm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực đến sinh viên, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp sau này”. Trong khi đó, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường ĐH KHTN TP.HCM) lưu ý: Đối với những ngành học “hot”, khi đăng ký xét tuyển, học sinh cần phải chú ý về sức học của bản thân. Trong nhiều ngành đào tạo của một số trường ĐH, các em còn phải quan tâm đến thành tích trong học tập thì mới có cơ hội trúng tuyển.
Một điểm mới nữa trong mùa tuyển sinh năm 2020 đối với những ngành đào tạo bác sĩ, theo ThS. Đặng Kiên Cường (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), bắt đầu từ năm 2020, học ngành y ra trường sinh viên sẽ được cấp bằng bác sĩ, không phải là bằng cử nhân. “Ngay cả học ngành bác sĩ thú y, ra trường sinh viên cũng được cấp bằng bác sĩ thú y. Có hai chương trình đại trà và tiên tiến, hiện đang đào tạo theo dạng tín chỉ, học từ 3,5-8 năm. Muốn theo ngành này, người học phải có tình yêu với động vật”, ThS. Cường chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)