Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều điểm mới trong ngày hội STEM quận Phú Nhuận

Tạp Chí Giáo Dục

Mô hình lọc nước ngọt từ nước mặn, hệ thống nhà nổi, thành phố thông minh… là các sản phẩm đầy sáng tạo do học sinh các trường tiểu học, THCS quận Phú Nhuận tự thiết kế và tranh tài trong ngày hội “Giáo dục STEM- khơi nguồn sáng tạo” năm học 2023-2024 do Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận tổ chức sáng 23-5.


Sáng 23-5, quận Phú Nhuận đã khai mạc ngày hội STEM năm học 2023-2024

Với mô hình lọc nước ngọt từ nước mặn, nhóm của Nguyễn Hoàng Anh Khoa – lớp 8A3, Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Phú Nhuận) gây chú ý bởi tính ứng dụng thực tiễn rất cao.

Anh Khoa cho biết, mô hình gồm 3 bộ phận chính: bình chứa nước mặn; bể bay hơi và bể chứa nước ngọt, hoạt động theo cơ chế bốc hơi và ngưng tụ của nước trong môn vật lý lớp 7.

“Cách thức hoạt động của bình lọc này rất đơn giản. Chỉ cần đun nóng nước mặn, sau đó mở khóa để nước mặn chảy vào bể bay hơi. Sử dụng nhiệt năng từ mặt trời làm nước bay hơi, sau đó ngưng tụ lại và chảy vào bể chứa nước ngọt. Nếu mô hình được áp dụng sẽ là giải pháp cải thiện tình trạng thiếu nước ngọt mùa nắng ở nhiều tỉnh thành phía Nam trong thời gian qua”- Anh Khoa nói.

Mô hình cái cân toán học do giáo viên khối 1, Trường Tiểu học Cao Bá Quát (quận Phú Nhuận) thiết kế lại mang đến sự thích thú khi học toán thật dễ dàng, thú vị.


Mô hình lọc nước ngọt từ nước mặn của nhóm học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm

Cô Trần Kim Thùy – giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Cao Bá Quát cho biết, mô hình do giáo viên khối 1 thiết kế nhằm giúp học sinh lớp 1 vui trong học toán và học dễ hiểu hơn.

Mô hình đã được giáo viên đưa vào giảng dạy, các em rất tích cực khi học toán, không còn nhàm chán trong giờ học.


Gần 1.000 giáo viên, học sinh tham gia trong ngày hội năm nay

Trong các quả cân là các con số toán học được giáo viên sẽ sử dụng cát tượng trưng cho số lượng. Ví dụ, số 1 thì sẽ sử dụng khoảng 50 gram cát, số 2 thì là 100 gram cát… cứ như thế đến số 10 sẽ là 500gr. Như vậy các em dễ hình dung nhất về các con số.

“Trong Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 1 sẽ học các bài toán về tách gộp số. Khi học về tách gộp số thì học sinh sẽ khó hình dung hơn. Tuy nhiên, với mô hình cái cân toán học thì các con số lại có sự định lượng rất rõ ràng, các em dễ dàng hình dung hơn về các bài toán cộng, trừ, tách gộp…” – cô Thùy chia sẻ.


Điểm mới của ngày hội năm nay là có cả sự tham gia của bậc mầm non

Đầy vui thích khi phụ giúp các cô dán con số vào từng quả cân trong mô hình cái cân toán học, Hoàng Ngọc Phương An và Nguyễn Ngọc Gia Hân – học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Cao Bá Quát hào hứng thực hành: Khi con đặt số 3 có hình con chuột lên quả cân bên này, sau đó con đặt số 7 có hình con voi lên quả cân còn lại thì cán cân sẽ nghiêng về phía có quả cân số 7. Như vậy số 7 lớn hơn số 3. Mô hình giúp chúng con học toán dễ hơn, vui hơn.

Nhóm học sinh lớp 4/1, Trường Tiểu học Đông Ba lại mang đến ngày hội mô hình “Núi lửa phun trào”. Mô hình được chế tạo từ chai nhựa, giấy màu thủ công cùng 1 số chất như nước rửa bát, bột baking soda, màu thực phẩm.

STEM góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018

Trong những năm gần đây, STEM là định hướng quan trọng được TP.HCM đẩy mạnh trong đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hiện nay giáo dục STEM đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố từ mầm non đến THPT. Riêng bậc tiểu học, từ năm học 2023-2024, STEM bài học được đưa vào thời khoá biểu chính khoá để tăng sự trải nghiệm cho học sinh, gắn kiến thức bài học vào thực thiễn.

Giáo dục STEM đề cao hoạt động thực hành và phương pháp mô hình trong giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống thông qua hoạt động nhóm, hoạt động tập thể, hoạt động cộng đồng. Từ đó rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy, sáng tạo, tranh luận, phản biện… Đồng thời trang bị cho các em những kỹ năng phù hợp để phát triển trong thế kỷ 21: kỹ năng diễn đạt và thuyết trình, kỹ năng trao đổi và cộng tác, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo dự án…

Bảo Nhi – lớp 4/1 chia sẻ: Khi cho bột baking soda cùng màu thực phẩm, nước rửa bát và giấm vào mô hình thì sẽ tạo ra phản ứng hoá học, từ đó có nước sủi lên tạo thành núi lửa phun trào.

“Với mô hình thí nghiệm này, chúng em hiểu về núi lửa, quá trình xảy ra núi lửa, từ đó bài học khoa học trở nên thú vị hơn rất nhiều. Ngoài ra, từ thí nghiệm, chúng em còn biết thêm được rằng giấm và baking soda sẽ tạo thành “cặp đôi hoàn hảo” giúp đánh bay vết ố, mảng bám trên đồ gia dụng…” – Bảo Nhi nói.

Nhiều điểm mới

Năm học 2023-2024 là năm thứ 4 quận Phú Nhuận tổ chức ngày hội giáo dục STEM. Điểm mới trong ngày hội STEM năm học này là gồm nhiều hoạt động đa dạng diễn ra song song: Gian hàng triển lãm, thí nghiệm khoa học; Hội thi STEAM – Robotics; Trò chơi STEAM. Trong đó mở rộng nội dung giáo dục STEAM (mọi năm chỉ có robotics). Đặc biệt ngày hội có sự tham gia của bậc mầm non.

Theo bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, Ngày hội “Giáo dục STEM – Khơi nguồn sáng tạo” năm nay nhằm tạo sân chơi để giáo viên và học sinh từ mầm non đến THCS trên địa bàn quận giao lưu, trao đổi, giới thiệu các sản phẩm từ hoạt động thiết kế, tổ chức hoạt động giáo dục STEM của giáo viên; các sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh; thiết kế, chế tạo lập trình robot.

“Ngày hội năm nay đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 giáo viên, học sinh trên địa bàn quận tham gia. Qua sân chơi cũng là cách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phương thức giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018….” – bà Bình nói.  

Yến Hoa

Bình luận (0)