Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhiều điểm mới trong phương án tuyển sinh ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Trường THPT Gia Định vừa qua, đại diện nhiều trường ĐH đã công bố những thông tin mới về phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu, khối xét tuyển… của đơn vị mình.

TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đang tư vấn cho các em học sinh 

ĐH Quốc gia TP.HCM:  Mở rộng số trường THPT được tuyển thẳng

Em Đinh Hoàng Đức (học lớp 12CA) hỏi: “Em nghe nói năm 2016, ĐH Quốc gia TP.HCM có mở rộng thêm đối tượng tuyển thẳng. Vậy những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có được tuyển thẳng vào các ngành ngôn ngữ của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không?”. TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: Năm 2016, trường chúng tôi và các trường thành viên khác sẽ xét tuyển theo quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo đó, trường chỉ tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT thi ở các cụm do trường ĐH tổ chức; những thí sinh có điểm trung bình cộng 5 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ 6,5 trở lên, có hạnh kiểm năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ loại khá trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển vào trường. “Trường không tuyển thẳng với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhưng những thí sinh thuộc diện này sẽ được ưu tiên xét tuyển. Cụ thể: Chứng chỉ tiếng Anh vào tất cả các ngành; tiếng Pháp vào ngành ngôn ngữ Pháp; tiếng Nga vào ngành ngôn ngữ Nga; tiếng Trung vào các ngành ngôn ngữ Trung Quốc và Đông phương học; tiếng Đức vào ngành ngôn ngữ Đức; tiếng Nhật vào ngành Nhật Bản học; tiếng Hàn vào ngành Hàn Quốc học. Các chứng chỉ này phải do các trung tâm khảo thí hoặc đào tạo có thẩm quyền hoặc được ủy quyền cấp và phải còn thời hạn 2 năm tính từ ngày cấp chứng chỉ”, TS. Phạm Tấn Hạ khẳng định.

Chia sẻ thêm về đối tượng tuyển thẳng, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: Năm 2016, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn dành 5% chỉ tiêu của mỗi ngành/nhóm ngành để ưu tiên xét tuyển các đối tượng thuộc diện được xét tuyển thẳng theo quy chế hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và học sinh giỏi thuộc một số trường THPT có điểm trung bình đứng đầu trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. “Năm 2015 có 5 trường được ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển thẳng học sinh là THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT chuyên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng thêm 10 trường THPT có học sinh giỏi được tuyển thẳng dựa trên các tiêu chí: Có hạnh kiểm tốt trong năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 và phải đạt một trong 2 tiêu chuẩn là học sinh giỏi trong năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 hoặc đã tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trong quá trình học THPT, đồng thời có kết quả học tập năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ loại khá trở lên. Mọi thông tin sẽ sớm được Bộ GD-ĐT công bố để các thí sinh theo dõi”.

Nói về những điểm mới trong công tác tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, dự kiến thí sinh sẽ không nộp hồ sơ xét tuyển vào từng trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM mà chỉ nộp 1 hồ sơ xét tuyển cho 1 cổng của toàn hệ thống. Thí sinh sẽ có 5 nguyện vọng vào 5 trường khác nhau trong hệ thống các trường thành viên. Thí sinh cũng được phép chọn 1 ngành trong tất cả các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, nếu không trúng tuyển ở trường này thì xét đến trường tiếp theo. Ngoài ra, các thí sinh xét tuyển vào Khoa Y của ĐH sẽ phải thực hiện một số bài trắc nghiệm tâm lý, phỏng vấn, tham gia các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp thực tiễn… Đây là những tiêu chí mới được bổ sung để giúp thí sinh hình dung ra những khó khăn và xác định mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp.

ĐH Luật TP.HCM: Xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực

Tại chương trình, ThS. Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết phương thức và quy trình tuyển sinh năm 2016 của trường dự kiến sẽ thực hiện xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực với 3 tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm bài kiểm tra năng lực). Cụ thể, phương thức tuyển sinh được thực hiện qua hai bước. Bước 1: Xét tuyển điểm trung bình của 3 môn thuộc tổ hợp các môn xét tuyển theo khối thi truyền thống (A, A1, C, D1,3,6) gồm: Học bạ ở 6 học kỳ THPT (chiếm 20%) và điểm thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì (chiếm 60%). Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển mới được tham gia làm bài kiểm tra năng lực. Bước 2: Tổ chức kiểm tra đối với những thí sinh đã đạt yêu cầu xét tuyển tại bước 1. Bài kiểm tra này chiếm 20% điểm trúng tuyển vào trường, gồm hai phần: Trắc nghiệm (45 phút) và tự luận (60 phút), mỗi phần chiếm 50% số điểm của bài kiểm tra. Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực, và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của trường. Thời gian đăng ký xét tuyển sơ bộ sẽ được trường thông báo cụ thể trên website vào đầu tháng 3…

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

Bình luận (0)