Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học 2024

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2024, dù cách thức tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH cơ bản giữ ổn định nhưng vẫn có nhiều điểm mới thí sinh cần lưu ý. Đáng chú ý là việc mở thêm các ngành đào tạo mới thích ứng với nhu cầu xã hội.

Giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức là định hướng tuyển sinh một số trường năm 2024.

Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học 2024 - Ảnh 1.

Năm 2024, một số trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi riêng. NHẬT THỊNH

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường dự định tăng chỉ tiêu và tăng số lượng chương trình đào tạo sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính (tuyển sinh riêng). Chẳng hạn, chương trình ĐH chính quy chuẩn dự kiến dành khoảng 30 – 35% chỉ tiêu phương thức xét điểm kỳ thi riêng (năm ngoái chỉ 10 – 15%). Năm 2023 chương trình chất lượng cao chưa áp dụng phương thức xét tuyển này thì năm tới dự kiến dành 15 – 20% chỉ tiêu.

Cùng xu hướng này, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến tăng chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm 2024. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho hay trường dự kiến giữ ổn định với 2 đợt thi dự kiến vào tháng 5 và tháng 7, với định dạng bài thi và số môn thi như cũ.

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM dự kiến xem xét sử dụng chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho VN trong xét tuyển năm tới. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng, cho biết trường dự kiến điều chỉnh tiêu chí đánh giá với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM. Cụ thể, trường có thể kết hợp thêm chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc khi xét tuyển học sinh nhóm trường THPT chuyên, năng khiếu và nhóm trường có học sinh đạt kết quả cao kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm. Như năm 2022 trở về trước, phương thức này ưu tiên xét tuyển học sinh 149 trường THPT dựa trên kết quả học tập và xếp loại hạnh kiểm 3 năm THPT.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết năm 2024 chỉ tiêu tuyển sinh của trường dự kiến tăng nhẹ và dành khoảng 60% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, 40% chỉ tiêu xét học bạ THPT.

Nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học 2024 - Ảnh 2.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. NGỌC DƯƠNG

Nhiều trường mở ngành thiết kế vi mạch

Năm 2024, nhiều trường ĐH dự kiến bổ sung nhiều ngành đào tạo mới. Chẳng hạn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ mở thêm một số chương trình đào tạo, ngành đào tạo mới, như khoa học dữ liệu, marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết năm 2024 trường áp dụng 4 phương thức gồm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của trường và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm tới, trường cũng mở thêm ngành mới về thiết kế vi mạch.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết điểm mới trong tuyển sinh năm tới dự kiến là mã ngành mới về thiết kế vi mạch ở bậc ĐH với 132 tín chỉ.

Cùng trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, dự kiến tuyển sinh trong năm tới. Từ chuyên ngành, trường sẽ nâng cấp thành 2 ngành độc lập đào tạo trong 4 năm với tổng số 135 – 140 tín chỉ, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được bằng cử nhân kỹ thuật.

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có gì mới?

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục được giữ ổn định, với 2 đợt thi gồm: đợt 1 ngày 7.4 và đợt 2 ngày 2.6.2024. Thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 22.1 đến hết ngày 4.3, và đợt 2 từ ngày 16.4 đến hết 7.5.2024.

Năm 2024, có 2 điểm thi mới tại Bình Phước và Tây Ninh ngoài 21 địa điểm thi tại các tỉnh thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu.

Cấu trúc bài thi được giữ ổn định gồm 120 câu hỏi, thí sinh làm trong 150 phút theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với 1.200 điểm, bài thi gồm 3 phần: Phần 1 sử dụng ngôn ngữ (400 điểm gồm 40 câu); phần 2 có điểm tối đa là 300, gồm 10 câu toán học phổ thông, 10 câu tư duy logic theo dạng suy luận và xác định các quy luật logic, 10 câu phân tích số liệu với bảng dữ liệu được cho trước; phần giải quyết vấn đề tối đa 500 điểm, là những câu hỏi liên quan đến kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, mỗi lĩnh vực hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử có 10 câu.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)