Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp lỗ do tỷ giá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều doanh nghiệp phải mua USD “chợ đen” giá cao, bán lại cho ngân hàng theo tỷ giá quy định (không quá 19.500 VND/USD). Sau đó, ký tiếp hợp đồng mua USD từ chính ngân hàng đã bán, chịu lỗ tỷ giá tới… hai lần!

Đợt USD tăng giá trên 5% vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng đã bị lỗ nặng, lên tới hàng triệu USD.

Ông Phạm Văn Minh, trưởng phòng mua hàng công ty cổ phần cáp điện LS-Vina (Hải Phòng) than phiền, công ty luôn có sẵn các đơn hàng cho ba tháng sản xuất. Do đó, mỗi tháng, công ty luôn phải nhập khẩu khoảng 3.000 tấn vật tư (đồng, nhôm, nhựa…) Tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu luôn trong khoảng 18 – 20 triệu USD/tháng.
Cứ vay mỗi triệu USD, chiếu theo tỷ giá ngân hàng quy định thì
doanh nghiệp mất 1,2 – 1,3 tỉ VND.
Đơn hàng ổn định vẫn… lỗ
Việc có đơn hàng ổn định như LS-Vina luôn là mong ước của mọi doanh nghiệp.
Nhập khẩu nguyên liệu bằng USD, nhưng LS-Vina thu VND từ bán hàng trong nước. Thế nên, khi USD tăng giá, thì LS-Vina phải mất thêm VND để mua lượng USD tương ứng dùng nhập khẩu nguyên liệu. Vì các đơn hàng ký là theo giá VND cố định. Thế nên, tỷ giá cứ tăng thì doanh nghiệp lỗ.
“Có khoảng 70% đơn hàng bán trong nước của LS-Vina – tương đương doanh số 40 – 50 triệu USD được thanh toán bằng VND. Do đó, tỷ giá tăng 2% thì công ty đã lỗ (vì chênh lệch tỷ giá) là gần 1 triệu USD”.
Báo cáo của phòng quản lý và kế hoạch công ty LS-Vina, sau hai lần tăng tỷ giá của năm 2010, công ty đã lỗ tới 4 triệu USD. Đương nhiên, nếu tỷ giá tiếp tục tăng, số lỗ của công ty cũng sẽ tăng… tương ứng.
LS-Vina không là nạn nhân duy nhất. Ông Bùi Việt Hoài, tổng giám đốc công ty cổ phận vận tải biển Việt Nam (Vosco) nói, công ty đầu tư hàng trăm triệu USD để tăng quy mô và trẻ hoá đội tàu. Khoản vốn đầu tư này chủ yếu là vay nước ngoài bằng USD.
“Năm 2009, Vosco lỗ vì chênh lệch tỷ giá là 95 tỉ VND. Dự kiến năm 2010 này, công ty sẽ lỗ tiếp khoảng 100 tỉ VND”, ông Hoài nói.
 

Liều không… thoát

Một chủ doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết, để có tiền thanh toán ngay cho hợp đồng nhập khẩu phân bón, công ty phải chấp nhận mua USD theo giá thị trường tự do với giá cao hơn tỷ giá liên ngân hàng từ 1.200 – 1.300 đồng/USD. Như vậy, cứ vay mỗi triệu USD, chiếu theo tỷ giá ngân hàng quy định thì doanh nghiệp mất 1,2 – 1,3 tỉ VND.

Nhưng thiệt hại của doanh nghiệp không giản dị như công thức 1 + 1 = 2, mà phức tạp hơn nhiều. Quy định hiện hành không chấp nhận USD doanh nghiệp mua ngoài thị trường tự do. Vì thế, sau khi vay VND (từ ngân hàng) để mua USD “chợ đen” với giá cao, doanh nghiệp phải bán lại số USD này cho ngân hàng theo tỷ giá quy định (không quá 19.500 VND/USD). Sau đó, lại ký tiếp hợp đồng mua USD từ chính ngân hàng đã bán để hợp pháp hoá nguồn gốc USD.
Cách làm phức tạp và rối rắm này đảm bảo sự hợp pháp về mặt quy trình. Nhưng vì mỗi công đoạn đều bị tính phí, nên trong đa số trường hợp, thì giá USD doanh nghiệp mua lại từ ngân hàng cũng cao chẳng kém USD mua ngoài chợ đen. Có nghĩa là doanh nghiệp phải chịu lỗ tỷ giá tới… hai lần.
Để giảm lỗ do tỷ giá, ông Phạm Văn Minh cho biết: “LS-Vina cố gắng mua nguyên liệu (có nguồn gốc nhập khẩu) ở trong nước và thanh toán bằng VND. Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời vì nguyên liệu này cũng được nhập khẩu, chẳng qua là được nhập về từ trước với đơn giá chưa tăng”.
Đồng thời, LS-Vina tăng cường xuất khẩu, đôi khi chấp nhận bán hoà vốn để thu ngoại tệ về, cân đối khoảng 30% nhu cầu ngoại tệ. Việc tăng giá bán sản phẩm cũng được công ty tính toán tuỳ theo sự biến động giá cả thị trường.
Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp có được khả năng như LS-Vina. Đơn giản vì không thể có chuyện mọi doanh nghiệp đều xuất khẩu với giá hoà vốn để đổi lấy ngoại tệ. Do thế, câu chuyện lỗ tỷ giá đương nhiên và chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra, nếu tỷ giá không ổn định.
Nguồn SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)