Thị trường lao động tại các trung tâm lớn là TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương có nhiều biến động. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động để cứu nhà máy nhưng một số doanh nghiệp khác lại “chết dở, sống dở” do thiếu lao động trầm trọng.
|
Trở lại sau Tết Nguyên đán, hơn 100 lao động của Công ty Thuận Phong (Q.8, TP.HCM) nhận tin buồn họ sẽ thất nghiệp kể từ tháng 3-2009 vì đóng cửa, ngưng sản xuất. Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM cho biết Công ty Hùng Mẫn (KCN Lê Minh Xuân) cũng đề nghị được đóng cửa ngày 10-2, điều này đồng nghĩa với việc 600 công nhân bị sa thải. Trước Tết Nguyên đán đã có hàng chục công ty, xí nghiệp ở TP.HCM ngưng hoạt động, thu hẹp sản xuất khiến hàng chục ngàn công nhân mất việc.
TP.HCM: 75% công nhân trở lại làm việc |
Trong khi đó cũng có không ít doanh nghiệp đang thiếu lao động trầm trọng bởi công nhân về quê ăn tết và… không hẹn ngày tái ngộ. Doanh nghiệp khó khăn, lương bổng thấp, chi phí ăn ở cao… là những lý do khiến hàng ngàn công nhân sẵn lòng nói lời từ biệt.
Một cán bộ Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân (TP.HCM) nói: “Điều kỳ lạ là đến nay vấn đề mất việc và khan hiếm lao động lại xảy ra cùng lúc”.
Rầm rộ rao tuyển
Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đã khởi động chương trình tuyển dụng để phục vụ việc mở rộng sản xuất của năm 2009. Công ty TNHH Xuân Thanh, chuyên may vải, kết cườm (Q.Tân Phú, TP.HCM) mở rộng sản xuất thêm hai chuyền, rao tuyển 200 lao động.
Do khó kiếm lao động, công ty tuyển cả những lao động phổ thông để đào tạo nghề. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, phụ trách phòng tổ chức Công ty Xuân Thanh, cho biết: “Công ty ngày càng có nhiều đơn hàng nên việc mở rộng sản xuất là tất yếu”.
Tại KCX Linh Trung 1 (TP.HCM), Công ty Danu Vina chuyên may thú nhồi bông xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu cũng tuyển 500 lao động. Công ty Freetrend A hiện sử dụng hơn 10.000 lao động nhưng nay tiếp tục tuyển thêm 5.000 lao động.
Bà Quách Kim Hồng, giám đốc Công ty may Trường Vinh (Q.12, TP.HCM), nói trước tình trạng thị trường truyền thống là Âu – Mỹ gặp khó khăn, ban giám đốc công ty đã liên tục sang Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đại lục tìm đơn hàng và cũng từ đây công ty đã tìm thị trường mới. Trong năm 2009 công ty sẽ mở rộng thêm hai chuyền và tuyển thêm 200 công nhân.
Ngay khi được tin khoảng 800 công nhân Phú Hữu mất việc, nhiều công ty trên địa bàn đã nhanh chóng tiếp cận để nhận những công nhân này về làm việc. Công ty may An Phước (Q.5, TP.HCM) đề nghị được nhận 100 công nhân may. Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty may thêu Thuận Phương (Q.6, TP.HCM), MDK (Q.12, TP.HCM)… yêu cầu nhận toàn bộ số công nhân này về làm việc.
Trong thông báo tuyển dụng lao động, ông Trần Đắc Long – giám đốc điều hành Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân – cho biết công ty cần tuyển 200 lao động may giày dép và 200 lao động may quần áo. Công ty sẵn sàng tiếp nhận công nhân có tay nghề từ các doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất hoặc ngưng hoạt động. Hàng ngàn công nhân mất việc khác ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Q.12, Thủ Đức… đã được các doanh nghiệp khác cùng địa bàn tuyển vào làm việc.
Hạ chuẩn, tăng phúc lợi
Tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2009 đã được khẳng định, tiếp tục sẽ có nhiều doanh nghiệp thu hẹp, đóng cửa sản xuất, nhiều lao động mất việc. Tuy vậy, việc khan hiếm lao động sau tết là có thật. Bởi vậy, các doanh nghiệp chấp nhận hạ “chuẩn” để tuyển công nhân. Trước đây, nhiều doanh nghiệp tại các KCX-KCN thường tuyển công nhân đã có tay nghề, trình độ thấp nhất là hết lớp 9, tuổi từ 18-25, nay những tiêu chí trên trở nên quá xa vời.
Ngay trong thông báo tuyển dụng của Công ty Freetrend A, điều kiện tuyển dụng rất đơn giản: trình độ văn hóa biết đọc biết viết, tuổi từ 18 đến… 36. Hầu hết công ty đều chấp nhận đào tạo tay nghề cho công nhân và trong thời gian học việc vẫn được hưởng lương căn bản 1,2 triệu đồng/tháng, bao cơm trưa. Có công ty khác còn ưu ái hơn như Công ty Trường Vinh lo cả phòng trọ miễn phí cho công nhân. Đó là chưa kể công nhân còn được hưởng các khoản tiền: chuyên cần, thi đua, thưởng năng suất…
Sáng 5-2, trên nhiều tuyến đường dẫn vào KCN Sóng Thần I, II, KCN Đồng An (Bình Dương); KCN Bình Chiểu, Linh Trung II (Thủ Đức, TP.HCM)… treo đầy bảng tuyển dụng. Các công ty đua nhau tung ra những lời chào mời hấp dẫn để thu hút lao động.
Nếu Công ty Han Soll (Bình Dương) tuyển 1.500 lao động với lời mời “thu nhập bình quân hằng tháng thấp nhất từ 1,8-1,9 triệu đồng, làm việc tiện nghi, thoải mái, ăn trưa miễn phí” thì Công ty Triumph International (Thủ Đức) chào đón: “Tổng thu nhập sau khi ký hợp đồng là hơn 2,5 triệu đồng, hợp đồng có thể ký ngay sau một tháng học việc. Ngoài ra công nhân còn được hưởng lương tháng 13, tăng tiền lương 5%/năm, quà tặng, khám sức khỏe hằng năm, môi trường làm việc tiện nghi, sạch sẽ…”.
Năm 2009: xuất khẩu lao động sẽ rất khó khăn |
Công nhân không mặn mà
Quảng cáo là thế nhưng nhiều công nhân vẫn chẳng mặn mà. Chị Nguyễn Thị Đào (quê Thanh Hóa) cầm hơn năm bộ hồ sơ đảo quanh các KCN Bình Dương hơn ba ngày qua và lắc đầu: “Nhiều công ty quảng cáo tuyển dụng rất ngọt ngào, cam kết đủ các loại chế độ nhưng thực tế thì lương bổng không ổn định, hễ khó khăn là sa thải công nhân”.
“Mẹ vừa gọi điện nhủ về gấp, ở quê phải mướn nhân công thu hoạch mùa màng hơn 100.000 đồng/ngày nhưng tìm không ra. Ở đây công việc năm mới chưa biết thế nào, không khéo lại phải nghỉ chờ việc như năm ngoái. Tôi quyết định về quê phụ giúp gia đình” – anh Nguyễn Văn Thạnh (quê Nghệ An), công nhân Công ty DH, nói.
Sau tết số công nhân trở lại làm việc tại Bình Dương, Đồng Nai thấp hơn hẳn so với năm trước. Công nhân sợ nhất là doanh nghiệp tuyển dụng người nhưng làm ăn trắc trở và lại sa thải hoặc trả lương “cầm hơi”. Chị Nguyễn Thị Lan, vốn là công nhân Công ty Việt Long (Mỹ Phước, Bình Dương), cho biết: “Năm qua công ty liên tục thiếu đơn hàng, lương hằng tháng không đủ trang trải cuộc sống nên đành phải về quê. Nếu tìm được một công ty nào ở gần nhà làm công nhân thì tốt hơn, nếu thất nghiệp thì còn phụ cha mẹ làm ruộng”.
Nhận định được tình trạng thiếu lao động sau tết, một số công ty đã “cố tình” giữ lại một phần ngày công, tiền thưởng hay hứa sẽ lì xì đầu năm cho công nhân… nhưng xem ra không hiệu quả. Ông Trần Phước Dư, phó giám đốc phụ trách sản xuất Công ty Lan Hạnh (Dĩ An, Bình Dương), cho hay: “Sau tết chỉ có hơn 65% công nhân trở lại công ty làm việc. Nhiều công nhân về quê ăn tết không trở lại hoặc trở lại trễ.
Hiện đơn hàng của công ty khá mạnh nhưng tìm công nhân lành nghề không ra. Công ty đã treo bảng tuyển dụng hơn 500 công nhân nhưng mới tuyển được hơn 10 lao động”. Ngay cả Công ty cổ phần Trần Đức (Bình Dương), nơi tổ chức chín xe đưa đón công nhân về quê ăn tết, số công nhân trở lại làm việc cũng chỉ đạt khoảng 70%. Ông Nguyễn Văn Khương, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, sau tết có khoảng 30% công nhân chưa trở lại làm việc, trong đó có một số công ty thiếu khoảng 70% công nhân”.
Bình luận (0)