Bên trái: tế bào ung thư (màu tím) "vô hiệu hóa" tế bào T trong hệ miễn dịch -Đại học Columbia |
Liệu pháp miễn dịch hiệu quả hơn hóa trị
Năm 2016, các nhà khoa học đã đạt nhiều tiến bộ mới trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị thay thế hóa trị như dùng thuốc theo liệu pháp miễn dịch (immunotherapy), tức sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể kết hợp với các loại thuốc để chống lại dịch bệnh.
Liệu pháp này bao gồm việc chỉnh sửa tế bào miễn dịch T-cell để nó có thể “tìm và diệt” tế bào ung thư, thay vì bị tế bào ung thư vô hiệu hóa.
Một trong những kháng thể trị ung thư nổi bật trong năm qua là atezolizumab, có tác dụng khiến các tế bào ung thư dễ bị hệ miễn dịch của người bệnh tấn công hơn, giúp tăng khả năng sống sót của họ.
Tháng 4, Hãng dược Roche thông báo kháng thể trị ung thư atezolizumab của họ đã được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp quy trình fast-track, tức ưu tiên xem xét để sớm có thể đưa vào sử dụng nhờ những hiệu quả đã được chứng minh của nó.
Chỉ một tháng sau đó, FDA tiếp tục chấp thuận việc dùng atezolizumab trong điều trị ung thư bàng quang.
Trong một thí nghiệm đăng trên tạp chí Lancet, các nhà khoa học đã so sánh hiệu quả của atezolizumab với phương pháp hóa trị trên một nhóm gồm 1.225 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ. Kết quả kháng thể này giúp tăng thời gian sống của bệnh nhân từ mức trung bình 9,6 tháng lên đến 13,8 tháng.
Một loại kháng thể tương tự atezolizumab là nivolumab, cả hai đều hoạt động theo hướng “truyền sức mạnh cho hệ thống miễn dịch của người bệnh, và kết quả là có tác dụng kéo dài sự sống đáng kể” – trưởng nhóm nghiên cứu, GS Achim Rittmeyer (Đại học Goettingen, Đức), cho biết.
Thuốc Pembrolizumab (tên thương mại Keytruda) được cho là tác nhân làm thay đổi cuộc chơi trong việc điều trị ung thư phổi. Keytruda cũng hoạt động theo hướng vô hiệu hóa một loại gen giúp một số tế bào ung thư lẩn tránh được các tế bào miễn dịch trong cơ thể người bệnh, khiến tế bào ung thư không trốn được nữa và bị tế bào miễn dịch tiêu diệt.
Theo thí nghiệm được công bố, những bệnh nhân được cho dùng loại thuốc này đáp ứng tốt hơn, sống lâu hơn và ít có dấu hiệu tiến triển bệnh sau 10 tháng so với những bệnh nhân được hóa trị. Keytruda cũng có khả năng ngăn tử vong vì ung thư phổi tốt hơn 40% so với phương pháp hóa trị truyền thống.
Một nghiên cứu trên bệnh nhân bị ung thư bạch cầu lympho ác tính (ALL) cho thấy liệu pháp miễn dịch có thể loại bỏ 94% các triệu chứng bệnh.
Thử nghiệm với những bệnh nhân bị các loại ung thư máu khác cũng cho thấy tỉ lệ phản ứng lớn hơn 80%, và hơn một nửa các bệnh nhân thuyên giảm hoàn toàn. Liệu pháp này hoạt động tốt nhất trên khối u được tìm thấy trong máu và tủy xương, nhưng các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm khả năng điều trị của phương pháp này.
Xét nghiệm máu |
Xét nghiệm máu phát hiện ung thư
Hồi tháng 9, trong khuôn khổ Festival khoa học Anh ở thành phố Swansea, các nhà khoa học tuyên bố họ đã tìm ra phương pháp xét nghiệm máu đơn giản giúp “phát hiện ung thư trước khi cơ thể người bệnh có bất kỳ dấu hiệu đáng chú ý nào”.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Y khoa Đại học Swansea so sánh việc xét nghiệm máu để phát hiện ung thư với thiết bị báo cháy. Thiết bị báo cháy không phát hiện ra đám cháy trực tiếp mà thông qua khói; tương tự, phương pháp xét nghiệm này dựa vào các biến đổi trên tế bào máu để phát hiện người bệnh có bị ung thư hay không.
Các nhà nghiên cứu đã liên tục thử nghiệm trên 300 người, gồm người khỏe mạnh, bệnh nhân có dấu hiệu tiền ung thư và các bệnh nhân ung thư thực quản trong vòng bốn năm trước khi tìm ra được phương pháp xét nghiệm cuối cùng. Việc xét nghiệm chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ với trang thiết bị phòng thí nghiệm tiêu chuẩn.
Phương pháp xét nghiệm máu cũng có tiềm năng được áp dụng rộng rãi để phát hiện bệnh ung thư vú. Đây là tin vui với phụ nữ bởi các phương pháp phát hiện ung thư vú trước nay thường liên quan đến chụp X-quang hoặc sinh thiết, khiến nhiều phụ nữ thấy không thoải mái.
Việc xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện các chỉ dấu sinh học (biomarker) do các khối u ung thư gây ra. Nhưng phải nhiều năm nữa phương pháp này mới có thể áp dụng rộng rãi cho công chúng.
Cắt nguồn cung cấp cho khối u
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oregon (Mỹ), phương pháp metronomic dosage regimen (phác đồ liều dùng theo nhịp) không đặt mục tiêu chữa khỏi bệnh hoàn toàn, mà là tạo ra môi trường gây khó khăn cho sự phát triển của khối u, chủ yếu bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp máu của các tế bào ung thư.
Ngăn nguồn cung cấp cho khối ung thư |
“Mục tiêu là làm giảm đáng kể khối u, làm chậm hoặc ngăn sự tái phát triển của nó, giúp cơ thể và hệ thống miễn dịch của người bệnh có thời gian phục hồi sức khỏe và khả năng tự nhiên để chống ung thư” – Adam Alani, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trong thông cáo hồi tháng 8.
Alani tự tin phương pháp của ông mang lại một cách tiếp cận hoàn toàn mới trong điều trị ung thư. “Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có thể quản lý bệnh ung thư trên cơ sở lâu dài như một căn bệnh mãn tính, giống như ta đang làm với chứng cao huyết áp hoặc tiểu đường – ông nói – Đây có thể là một bước tiến lớn của y học”.■
YÊN LAM (TNO)
Bình luận (0)