Ban Đô thị HĐND TP.HCM vừa tổ chức giám sát công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP.HCM tại một số quận, huyện, TP.Thủ Đức và sở ngành. Kết quả cho thấy, những bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của các dự án. Khá nhiều dự án hơn 20 năm vẫn chưa đền bù giải tỏa xong, nhiều dự án phải hủy bỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM nói chung, các quận/huyện nói riêng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân nằm trong khu quy hoạch…
Với định hướng phát triển trở thành khu đô thị sinh thái, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Củ Chi có không ít dự án phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Ảnh: I.T
Giá thị trường 50 triệu đồng, đền bù 3,5 triệu đồng/m2
Theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, trên địa bàn huyện có 95 dự án đã được HĐND TP.HCM thông qua. Trong đó, 56 dự án thu hồi đất; 32 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha; 7 dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha. Đến nay, 30 dự án hoàn thành; 39 dự án đang triển khai và huyện Củ Chi đề xuất hủy bỏ 22 dự án (trong đó có 2 dự án đã được HĐND TP chấp thuận hủy bỏ).
Theo ông Nguyễn Văn Vững – Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất dù đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhiều công trình dự án thu hồi đất, có chuyển mục đích đất trồng lúa khi đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tuy đã thực hiện xong, đã đưa vào hoạt động nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện các thủ tục giao thuê đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường, dẫn đến huyện phải thực hiện chuyển tiếp danh mục dự án sang năm kế tiếp để đơn vị hoàn thành thủ tục giao thuê đất.
Các công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội như đất cơ sở giáo dục, đất giao thông… mặc dù đã bám sát kế hoạch đề ra nhưng đến khi thực hiện thì điều chỉnh nguồn vốn; do đó chưa phân bổ vốn kịp thời dẫn đến một số công trình chưa được thực hiện.
Một số công trình đã có chủ trương của UBND TP, được yêu cầu đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhưng chậm được bố trí vốn để thực hiện. Một số công trình tuy có đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng chưa kịp giải ngân vốn thực hiện nên phải tiếp tục chuyển sang năm sau…
Ông Vững chia sẻ, có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều dự án chủ đầu tư không liên hệ, hàng năm đơn vị không báo cáo tiến độ thực hiện nên gây khó khăn cho công tác giám sát thực hiện kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện. Mặt khác, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Một số dự án dù đã có quyết định thu hồi hoặc thông báo thu hồi đất nhưng người dân chưa thống nhất giá bồi thường dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi đất, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
“Đơn cử như dự án mở rộng Tỉnh lộ 8 đến nay đã nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến ngân sách TP. Ở dự án này, giá người dân chuyển nhượng đất nông nghiệp ở mặt tiền đường khoảng 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá bồi thường khi áp dụng Quyết định 28 năm 2022 của UBND TP.HCM chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/m2 nên rất khó vận động người dân bàn giao mặt bằng”, ông Vững ví dụ.
Cũng theo ông Vững, Luật Đất đai quy định phải có khu tái định cư trước khi thực hiện dự án nhưng hiện nay huyện Củ Chi không có dự án tái định cư nên rất khó để vận động người dân. Vì chậm thực hiện nên các dự án đã đội vốn lên rất nhiều so với thời điểm phê duyệt dự án.
Nhiều dự án 20 năm vẫn chưa bồi thường xong
Huyện Bình Chánh có 244 dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đã được HĐND TP thông qua từ năm 2015. Đến nay có 71 dự án hoàn thành; 121 dự án đang thực hiện; 52 dự án quá 3 năm chưa thực hiện.
Nhìn chung công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án của Bình Chánh đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, gần 50% tổng số các dự án đang triển khai thực hiện từ các nghị quyết năm 2016, 2019 đến nay vẫn chưa hoàn thành, trên 21% số lượng dự án đã loại, không tiếp tục thực hiện do chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư công, chưa đảm bảo pháp lý chủ trương đầu tư.
Theo Ban Đô thị HĐND TP.HCM, hoạt động giám sát nhằm lắng nghe các kết quả đạt được, cũng như các hạn chế, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP tại các địa phương. Qua đó, sẽ đánh giá lại những nội dung kiến nghị và tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND TP đề xuất UBND TP và các sở ngành liên quan quan tâm trong thời gian sắp tới. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền giải quyết của TP sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm định hướng trong thời gian tiếp theo. |
Theo ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nguyên nhân chủ yếu các dự án chậm hoàn thành do công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn thiện, công tác điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đo vẽ, xác định nguồn gốc đất, định giá mất nhiều thời gian. Đơn giá bồi thường chưa thực sự sát với giao dịch thực tế trên thị trường nên chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Bên cạnh đó, nguồn gốc pháp lý đất đai phức tạp chưa được cấp giấy chứng nhận, không đủ điều kiện bồi thường đất ở theo quy định của Luật Đất đai nên người dân chưa đồng thuận về đơn giá, loại đất. Một số chủ đầu tư chưa thật sự phối hợp cùng địa phương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả tiền bồi thường. Đơn cử dự án Khu Đô thị Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân đã 20 năm nay nhưng chưa xong; dự án Khu E (khu đô thị Nam TP) đã 22 năm qua nhưng vẫn còn hơn 3ha chưa bồi thường xong, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Từ những khó khăn, vướng mắc, huyện Bình Chánh đề xuất một số chủ trương, chính sách cần nghiên cứu điều chỉnh. Trong đó, đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tham mưu UBND TP xây dựng cơ chế kiểm soát giá giao dịch trên thị trường, từ đó căn cứ vào các hợp đồng giao dịch để đề xuất đơn giá bồi thường sát với thị trường, tạo được sự đồng thuận của người dân có đất thu hồi.
Bên cạnh đó, kiến nghị các sở, ngành sớm tham mưu TP đề án tổ chức lại các ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành các trung tâm phát triển quỹ đất tại quận, huyện; đồng thời xây dựng cơ chế thực hiện, tạo nguồn lực để huy động nguồn vốn triển khai các dự án thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực phát triển địa phương.
Linh Anh
Bình luận (0)