Tác giả TS. Ninh Văn Bình – nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận
Có thể nói, tôi là một trong số người làm công tác giáo dục gắn bó lâu dài với Báo Giáo dục TP.HCM ngay từ những giai đoạn đầu phát triển của tòa soạn báo. Đó là thời kỳ báo còn phát hành mỗi tuần chỉ có một số với hình thức chuyên san Giáo dục & Sáng tạo chứ chưa ra báo ngày như bây giờ. Lúc này tôi đang phụ trách mảng GDTX của quận Phú Nhuận với chức vụ Giám đốc trung tâm. Thời kỳ đó loại hình GDTX mới được thành lập từ mô hình BTVH nên có nhiều khó khăn. Báo Giáo dục TP.HCM cũng đã thực sự quan tâm tới sự ra đời và phát triển của loại hình ngoài công lập để phản ánh những khó khăn và cách khắc phục kịp thời để nâng cao chất lượng dạy học.
Còn nhớ khi tôi đưa ra đề xuất thành lập Ban đại diện cha mẹ học viên của Trung tâm GDTX quận Phú Nhuận thì gặp phải một số ý kiến không đồng tình vì cho rằng các học viên đã lớn tuổi lại học ban đêm không giống đặc thù các trường phổ thông nên không cần thiết. Hầu hết trình độ học viên đều mất căn bản, nhập cư từ nhiều nơi đến vừa đi học vừa đi làm nên có nhiều khó khăn. Có hội phụ huynh, nhà trường mới có thêm một tổ chức ủng hộ và san sẻ mọi công việc cho nhà trường. Thế rồi những hoạt động của hội sau này được báo chí phản ánh và dần dần tự khẳng định nên đem lại thành công nhất định và rất có tác dụng cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục học viên tại trung tâm GDTX.
Thời gian này, chúng tôi cũng thống nhất đưa tổ chức Đoàn Thanh niên vào trung tâm hoạt động với mục đích phát huy năng lực của lớp trẻ, tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho học viên. Nhờ vậy mà có một số học viên cá biệt sau đó đã được cảm hóa, tham gia tích cực vào đội trật tự của lớp, của trường. Các em còn nhờ phụ huynh giúp đỡ các bạn nghèo mà tiêu biểu nhất là cất nhà ở cho một học viên ở miền Trung ở khu đất gần chùa để có cơ hội tiếp tục đến lớp. Tôi nhớ phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM xuống đưa tin về câu chuyện cảm động này. Tất cả các hoạt động của trung tâm đều được báo ngành đưa tin, ghi bài nên có tác dụng rất lớn. Khi là một Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục quận Phú Nhuận và sau này là Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, tôi lại có thêm cơ hội gắn bó với Báo Giáo dục TP.HCM thông qua việc hỗ trợ công tác phát hành, phân phối báo xuống các trường, nhận đặt thêm nhiều số báo đặc biệt làm quà tặng phần thưởng cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Các hoạt động từ cơ sở đặc biệt là xây mới và cải tạo trường lớp cũng được báo chí đưa thông tin kịp thời đem lại niềm phấn khởi và tin tưởng cho phụ huynh học sinh và xã hội. Ngoài ra Phòng GD-ĐT nhận thấy sự hiệu quả trong tương tác giữa báo ngành và cơ sở giáo dục, các trường nên kêu gọi các đơn vị cùng tham gia đặt mua báo trong và ngoài định kỳ.
Tuy nhiên duyên nợ với Báo Giáo dục TP.HCM nhiều nhất vẫn là hoạt động nghiên cứu khoa học mà điển hình nhất là sự phối hợp giữa Phòng GD-ĐT Phú Nhuận với Báo Giáo dục TP.HCM để tổ chức Hội thảo nghiên cứu khoa học hằng năm. Nhờ có hoạt động này mà đội ngũ cán bộ Phòng GD-ĐT quận và giáo viên các trường có thêm cơ hội làm việc với Tổng Biên tập, phóng viên và bộ phận tổ chức sự kiện của tòa soạn báo. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được trình bày trước hội thảo và đặc biệt là đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM giúp đội ngũ giáo viên làm quen với không khí học thuật, học hỏi nhiều từ đồng nghiệp và các nhà khoa học đầu ngành cả nước. Đó là bài báo định hướng về chuyên môn, quản lý giáo dục của GS. Thái Duy Tuyên, GS. Nguyễn Gia Cầu, TS. Huỳnh Công Minh, TS. Hồ Thiệu Hùng, TS. Lê Văn Cuộc, TS. Hà Thị Kim Sa, TS. Lê Đức Ánh, ThS. Võ Cao Long, ThS. Trương Thị Mỹ Lai…
Trong quá trình phát triển, Báo Giáo dục TP.HCM đã đáp ứng được các yêu cầu của bạn đọc với các thông tin mang tính thời sự, các sự kiện liên quan đến giáo dục. Theo tôi báo tiếp tục tập trung vào các nội dung, thông tin thể hiện sự tìm hiểu, học hỏi tại cơ sở đặc biệt chú ý những cái mới, cái đi lên của giáo dục. Mỗi bài báo phản ánh hoạt động giáo dục thì phải phát hiện ra những cái mới, những điều hay, phát hiện mới mang tính mở cần học hỏi. Gần đây một số trường học xây dựng mô hình trường học hạnh phúc để đạt đến mục đích trường hạnh phúc, trò hạnh phúc và thầy hạnh phúc thông qua việc chống bạo lực học đường xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Thông qua báo chí tuyên truyền, mô hình xây dựng trường hạnh phúc sẽ được nhân rộng. Bên cạnh đó, báo chí không quên tập trung vào việc đổi mới SGK, cùng với bộ, sở tuyên truyền chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thay tiết học ngoài giờ lên lớp bằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Có thể nói càng ngày tôi càng có duyên nợ với báo chí. Bên cạnh dạy học (hiện giảng viên của Trường ĐH Trà Vinh), tôi cũng đang viết nhiều bài nghiên cứu khoa học về hoạt động quản lý giáo dục trường phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong đó ưu tiên các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát huy tính tích cực và năng lực của học sinh. Là thành viên của Ban Biên tập Tạp chí Giáo chức Việt Nam, tôi đã có một số bài báo về hoạt động quản lý giáo dục từ kinh nghiệm nhiều năm công tác của bản thân đang tập hợp in thành sách hy vọng thông qua đó truyền thêm kinh nghiệm và lý luận quản lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay. Tôi thật tự hào vì đó là những duyên nợ của tôi đối với nghề báo trong đó có Báo Giáo dục TP.HCM.
TS. Ninh Văn Bình
(Nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận)
Bình luận (0)