Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều gia đình chưa muốn… thoát nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 22-4, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện công tác giảm nghèo.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011) và 9,6% (năm 2012), bình quân giảm 2,3%/năm. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi Tây Bắc cao gấp 2,97 lần so với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, miền núi Đông Bắc là 1,81 lần, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên là 1,56 lần, duyên hải miền Trung là 1,27 lần”.
“Mê” làm hộ nghèo
Nhìn vào những con số mà Bộ LĐ-TB&XH báo cáo, cho thấy: Với nhiều chính sách của Trung ương cũng như địa phương, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm nhưng số hộ nghèo ở nhiều tỉnh, nhất là miền núi Tây Bắc và Đông Bắc vẫn còn khá cao. 
Tỉnh Lào Cai là một điển hình. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 27,69% (tương đương với trên 40 ngàn hộ), giảm 7,6% so với năm 2011 (khoảng 10 ngàn hộ). Hộ cận nghèo còn gần 17 ngàn hộ. “Khó khăn của Lào Cai hiện nay là vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa tự giác vươn lên để thoát nghèo. Theo đó, tính bền vững của chương trình giảm nghèo chưa cao”, đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết. Với tỷ lệ 30,13%, Hà Giang xếp vị trí thứ 3 trong cả nước (sau Điện Biên và Lai Châu) về tỷ lệ hộ nghèo. Ông Sèn Chỉn Ly – Phó chủ tịch UBND tỉnh – tâm tư: “Do điều kiện tự nhiên nên tỷ lệ thoát nghèo ở Hà Giang còn ít. Chính sách xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo rất khó thực hiện, do lao động ở đây còn hạn chế về văn hóa, nhận thức…”.
Tính đến cuối năm 2012, An Giang vẫn còn khoảng 32 ngàn hộ nghèo và từng đó hộ đã thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo. Ông Hồ Việt Hiệp – Phó chủ tịch UBND tỉnh – cho rằng: “Muốn giảm nghèo thì trước tiên chính bản thân người dân phải muốn thoát nghèo. Nhưng hiện nay, có quá nhiều chính sách “cho không” nên nhiều người không muốn thoát nghèo. Chúng ta đang làm thui chột lòng tự trọng của người nghèo, họ sợ thoát nghèo sẽ bị mất nhiều chính sách…”.
Bằng chứng của việc “cho không” đó là “Nhà nước hỗ trợ người dân miền núi 3 triệu đồng để nuôi bò thịt, cho họ vay ngân hàng chính sách 2 triệu đồng để mua 1 con bò. Nuôi được vài tháng, họ bán con bò với giá 4 triệu đồng, lấy 2 triệu trả nợ ngân hàng, còn 2 triệu bỏ túi. Và kết cục là không thoát được nghèo”, đại diện Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương bức xúc.
Cho “con cá” hay “cái cần câu”?
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo. Đồng thời thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và các dân tộc, nhóm dân cư. Các chính sách giảm nghèo ngày càng được hoàn thiện, mang tính hệ thống để hỗ trợ có hiệu quả hơn đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy, đến nay câu hỏi: Cho “con cá” hay “cái cần câu”? vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Nhiều nơi vẫn còn loay hoay chưa biết chọn phương án nào.
Lai Châu là một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ nhì trong cả nước – 31,82% (cuối năm 2012) – tương đương với khoảng 25 ngàn hộ. Đại diện UBND tỉnh này cho rằng: “Cần phải giảm dần chính sách “cho không” thì mới đảm bảo giảm nghèo bền vững được. Như hiện nay, nhiều người dân cứ ỉ lại vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo”. Trái lại, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, Kon Tum… lại cho rằng, Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng được hỗ trợ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng – cho rằng: “Muốn có “cá” thì phải “câu”. Nhưng đi thực tế tại các huyện/xã nghèo mới thấy, cho “cần” mà người nghèo “câu” cả năm vẫn không được “cá”. Vì vậy, bên cạnh việc cho “cần” thì phải cho cả “cá” nữa. Và cần xây dựng lộ trình về tỷ lệ “cho không”, cho vay và đầu tư đối với hộ nghèo”.
“Việc thoát nghèo trước hết là cho mỗi người dân. Nếu người dân không muốn thoát nghèo, cứ muốn nghèo mãi thì chính sách thất bại. Nhưng để người dân tự thực hiện sẽ rất khó khăn, do vậy Nhà nước phải đóng vai trò hỗ trợ”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong việc hỗ trợ giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm tạo việc làm, gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhà nước giảm dần các chính sách “cho không”, tăng các chính sách khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên. Bên cạnh đó sẽ sớm ban hành các chính sách hỗ trợ những đối tượng hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để góp phần giải quyết giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
Hòa Triều
Tại TP.HCM, sau 4 năm thực hiện chương trình giảm nghèo đã giúp cho trên 113 ngàn hộ có thu nhập vượt chuẩn nghèo giai đoạn 3 (2009-2015), kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của TP từ 8,4% xuống còn 2,12% vào cuối năm 2012, bình quân mỗi năm giảm 1,7% hộ nghèo; đã có 54 phường và quận 6 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo giai đoạn 3 vào cuối năm 2012…
 

Bình luận (0)