Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều giải pháp, dự án đầy tiềm năng tại cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2023

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chiều ngày 22-12-2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chi nhánh ĐBSCL phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành, các trường đại học trong khu vực tổ chức “Vòng chung kết và trao giải cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2023 tại Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ.


Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL, thông tin những điểm nổi bật của cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2023

Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2023 được tổ chức nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng và hỗ trợ những dự án khởi nghiệp (KN)  tiềm năng, đổi mới sáng tạo, có ứng dụng công nghệ, qua đó thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế từng địa phương nói riêng, ĐBSCL nói chung. Đây  là hoạt động lớn và tiêu biếu nhất năm 2023, được tổ chức thường niên từ năm 2016. Trải qua 8 năm thực hiện, Cuộc thi đã khẳng định được danh tiếng bằng việc quy tụ hơn 3.000 hồ sơ, với hơn 9.000 người tham gia, trong đó hàng trăm dự án đã được trao thưởng, được tư vấn, kết nối giao thương, đầu tư vốn và hiện đều phát triển,  tìm được chổ đứng trên thương trường.


Quang cảnh chung kết cuộc thi Khởi nghiệp

Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2023 nhận được 1.511 hồ sơ của hơn 4.000 thí sinh từ 12/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành phố khác ngoài khu vực. Các lĩnh vực nổi bật gồm: Nông nghiệp, biến đổi khí hậu, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ, du lịch… Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là 31,6% với 478 hồ sơ; tiếp đó là lĩnh vực giải pháp kinh doanh – thương mại dịch vụ chiếm 21,6% với 327 hồ sơ, chế biến thực phẩm có 201 hồ sơ chiếm 13.3%, công nghệ chiếm 9,99% với 151 hồ sơ… Tính theo địa bàn, số lượng hồ sơ tham gia dự thi nhiều nhất thuộc về các tỉnh: Long An, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp…


Ban tổ chức trao giải nhì và ba cho các tác giả, nhóm tác giả

Trải qua 3 vòng cuộc thi, vòng chung kết là cuộc tranh tài của 10 dự án/ý tưởng xuất sắc nhất nhằm tìm ra những dự án xứng đáng nhận những giải thưởng cao nhất của cuộc thi.  Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI  ĐBSCL – trưởng ban tổ chức, cho biết:  Với mục tiêu “Giám khảo là nhà đầu tư”, cũng như tạo môi trường “thi quốc tế” cho các thí sinh,  bên cạnh các giám khảo là các chuyên gia có học vị, có chuyên môn; còn có các giám khảo đến từ các quỹ đầu tư quốc tế, doanh nhân thành công; đây là điểm nổi bật của hội đồng giám khảo năm nay.


Diễn giả trình bày tham luận tại chương trình hội thảo

… Kết thúc vòng thi chung kết, hội đồng giám khảo chọn ra 1 giải nhì (không có giải nhất), 1 giải ba; 2 giải khuyến khích. Và các giải phụ gồm: Giải nữ doanh nhân ấn tượng nhất, 1 giải dự án được yêu thích nhất, 1 giải dự án trưng bày đẹp nhất, 1 giải mô hình đóng góp cộng đồng, 1 giải mô hình sinh viên khởi nghiệp ấn tượng nhất, 1 giải ý tưởng tiềm năng. Trong đó giải nhì thuộc về dự án "Sản xuất bánh quy dừa từ các thành phần tự nhiên không hóa chất và phẩm màu" của tác giả Huỳnh Thị Thy Thy (Tiền Giang). Chị Thy Thy hiện đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng I TP.Hồ Chí Minh. Sản phẩm bánh quy dừa sử dụng nguyên liệu chính là trái dừa kết hợp những nguyên liệu khác có sẵn tại vùng đất Gò Công (Tiền Giang); được sản xuất với quy trình chặt chẽ, không sử dụng phụ gia và chất bảo quản. Nhờ bí quyết gia truyền kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, đã tạo ra những chiếc bánh có hương vị độc đáo, thơm ngon, khác hẳn tất cả các loại bánh ngọt đang có trên thị trường. Sản phẩm làm phong phú thêm các loại thực phẩm được chế biến từ trái dừa; và góp phần nâng cao giá trị trái dừa nói riêng, nhiều mặt hàng nông sản, chăn nuôi của ĐBSCL nói chung.


Đại biểu tìm hiểu sản phẩm bánh qui dừa của chị Huỳnh Thị Thy Thy (áo vàng, bìa phải)

Đạt giải ba là dự án "Cua biển Việt – tạo nên sự khác biệt" của nhóm tác giả Nguyễn Việt Bắc, Nguyễn Thị Tiên, Dương Xuân Đào, Phạm Ngọc Sang (Cà Mau).

Ngoài trao tặng các phần thưởng chính, ban tổ chức (BTC) với các đối tác của VCCI ĐBSCL, sẽ  hỗ trợ  các tác giả, nhóm tác giả các dự án đạt giải tham gia những chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên sâu;  tư vấn hoàn thiện sản phẩm, miễn phí không gian làm việc, hỗ trợ gói thuê thiết bị phục vụ sản xuất, gia công sản phẩm và gói chuyên gia tư vấn sản phẩm trong quá trình thử nghiệm; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, phát triển hệ thống phân phối… đồng thời giới thiệu các dự án đạt giải cao tham gia những cuộc thi tầm cỡ hơn, được tổ chức ở trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ sự kiện, BTC đã tổ chức khu trưng bày sản phẩm nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của các startups, từng địa phương nói riêng và hình ảnh vùng đất đồng bằng năng động, và quyết tâm thành lập doanh nghiệp của giới trẻ ĐBSCL nói chung. Chương trình cũng nhằm tạo cơ hội cho các startup cũng như đại biểu tham dự tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và giao thương của doanh nghiệp, nhà đầu tư và startups.

Đặc biệt, BTC phối hợp với Beacond Fund, BambuUP tổ chức hội thảo chuyên đề “Con đường tăng trưởng bền vững từ đổi mới sáng tạo: Nắm cơ hội – vượt thách thức cho năm 2024”;  và chương trình gặp gỡ, ráp nối  giữa Quỹ đầu tư Startups, SMEs, nhằm giúp các thí sinh tham gia cuộc thi, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các SMEs tiếp cận được các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư, từ đó giải quyết được “bài toán về vốn” cũng như nhận diện được khó khăn, nắm bắt xu hướng mới, để sinh tồn và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)