Khu nhà ở CC Ngô Gia Tự, Q.10 dành cho người thu nhập thấp, trong đó có giáo viên
|
Hiện gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách TP.HCM chưa có nhà, đất ở. Họ phải sống tạm bợ trong các phòng trọ chật hẹp hoặc cậy nhờ nhà cha mẹ, người thân.
Sáu năm trước, Quỹ phát triển nhà ở (HOF) TP.HCM ra đời nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho CB-CC-VC với nhiều ưu đãi. Nhưng…
Gần 30.000 CB-CC-VC cần nhà ở
Theo Quỹ HOF TP.HCM, đối tượng được xem xét, giải quyết cho vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) là những CB-CC-VC thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách TP, có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, có thời gian công tác cho cơ quan, đơn vị từ 3 năm liên tục trở lên, chưa từng được giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở… Ngoài ra, người xin vay tiền phải có khả năng trả trước 30% số tiền mua nhà (vay tối đa 70% trị giá căn nhà và không vượt quá 400 triệu đồng/hồ sơ)… Nhiều CB-CC-VC than rằng, một số quy định làm căn cứ xét duyệt hiện vẫn còn bất hợp lý, đánh đố người đi vay. Đơn cử như quy định về diện tích nhà ở tối thiểu 8m2/người. “Hơn ba năm qua, vợ chồng tôi thuê một phòng trọ rộng 18m2 ở Q.Thủ Đức với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Phòng chật chội lại ẩm thấp rất khó chịu. Vậy mà, hồ sơ vay tiền mua nhà của chúng tôi bị từ chối vì lý do: Diện tích nhà ở tối thiểu tại thời điểm vay lớn hơn 8%. Không còn cách nào khác, vợ chồng tôi đành phải chuyển sang căn phòng trọ khác nhỏ hơn, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo để làm lại hồ sơ xin vay” – anh Nguyễn Thế Hưng, giáo viên một trường THCS tại Q.Thủ Đức, ngậm ngùi.
Ông Trình Huỳnh Lê Thương, Giám đốc Dự án khối đầu tư tập đoàn C.T Group cho rằng: “Nếu được vay tối đa 400 triệu đồng, lãi suất 0,75%/tháng, thời hạn vay trong vòng 15 năm, người vay phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với thực tế thu nhập còn quá thấp, nhiều CB-CC-VC không thể đảm bảo khả năng trả nợ. Một thành viên hội đồng xét duyệt cho thuê và thuê mua NƠXH thừa nhận, do còn nhiều quy định khắt khe nên trong năm 2011, dù nhận hàng ngàn hồ sơ xin vay mua nhà, hội đồng chỉ giải quyết được cho gần 100 trường hợp đủ điều kiện.
Tuy đứng đầu cả nước về nguồn quỹ huy động, song lãnh đạo HOF nhận định, so với số lượng gần 30.000 CB-CC-VC ở TP đang có nhu cầu về nhà ở, nguồn vốn hiện có chỉ là “muối bỏ biển”. Vốn cho vay không đáp ứng đủ nhu cầu của lực lượng CB-CC-VC nên chưa thể mở rộng sang các đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp khác. Gần đây, nguồn thu của HOF ngày càng khan hiếm do vướng mắc trong việc sắp xếp, thu hồi, bán đấu giá mặt bằng kho xưởng thuộc sở hữu Nhà nước đang bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, thị trường nhà đất đóng băng, các dự án phát triển nhà ở bị ngưng trệ cũng làm giảm đáng kể nguồn thu của quỹ.
Đẩy nhanh các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, TP hiện có hơn 100 dự án NƠXH, nhà giá thấp được đăng ký triển khai. Song, đến nay mới chỉ có 6 dự án đang xây dựng và 17 dự án khác được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Việc chậm triển khai các dự án NƠXH là do Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích nên các doanh nghiệp ngại đầu tư vào phân khúc nhà thu nhập thấp vì lợi nhuận không cao lại thu hồi vốn chậm. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị: “Nhà nước nên sớm thể hiện vai trò chính đối với chương trình NƠXH, mạnh dạn xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc HOF cho biết: “Từ lúc triển khai “Chương trình cho vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người thu nhập thấp” đến nay đã có gần 1.000 CB-CC-VC được tiếp cận nguồn vốn vay trị giá trên 186 tỷ đồng của HOF. Trong đó, giáo viên, cán bộ, công nhân viên ngành giáo dục chiếm 48%, y tế (15%), tòa án (7%), khu chế xuất (1%) và các đối tượng khác (29%)”.
Bên cạnh chương trình cho CB-CC-VC vay vốn tạo lập nhà ở, HOF còn cho vay phục vụ các chương trình nhà ở xã hội, các dự án chung cư sắp sập, hỗ trợ việc nâng cấp sửa chữa nhà ở của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc cải tạo nâng cấp đô thị (chương trình của Ngân hàng Thế giới), cung cấp nguồn vốn, tài trợ và mua lại các dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và phát triển quỹ nhà, giải quyết vấn đề nhà ở xã hội và nhà cho người thu nhập thấp. Từ sự hỗ trợ vay vốn của HOF, nhiều người dân đã có chỗ ở mới, khang trang, góp phần hiện đại hóa bộ mặt đô thị TP bằng nhiều công trình như: Chung cư (CC) NƠXH An Sương (Q.12); Lô D, lô Q CC Ngô Gia Tự (Q.10); CC tái định cư 109 Nguyễn Biểu (Q.5); CC tái định cư Tân Mỹ (Q.7); CC tái định cư Hiệp Phú (Q.9); CC tái định cư 481 Bến Ba Đình (Q.8); CC tái định cư 241/125C Nguyễn Văn Luông (Q.6). Với chương trình nhà ở dành cho công nhân, HOF đã đưa vào khai thác khu nhà lưu trú công nhân Linh Trung, tạo chỗ ở cho hơn 2.200 anh chị em công nhân đang làm việc tại KCX Linh Trung và các KCN-KCX lân cận. HOF TP.HCM đang chuẩn bị tiến hành khởi công Khu NƠXH 35 Hồ Học Lãm (P.An Lạc, Q.Bình Tân) gồm 786 căn hộ, dự kiến hoàn thành trong quý 4 năm 2013 và khẩn trương tiến hành các thủ tục để khởi công khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tại phường Hiệp Thành (Q.12) với quy mô khoảng 2.033 căn hộ. Sau khi hoàn thành, khu nhà ở phường Hiệp Thành sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 10.000 người. Cả hai công trình này đều có những tiện ích hạ tầng hiện đại như siêu thị, trạm y tế, trường học, công viên… góp phần đáp ứng tốt nhu cầu sinh sống, nghỉ ngơi và giải trí của người dân.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Giáo viên được ưu tiên về chương trình nhà ở
Trả lời phỏng vấn của Báo Giáo Dục TP.HCM nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2011, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết: “Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM 5 năm 2011-2015 về lĩnh vực phát triển nhà ở đã đề ra: Bình quân mỗi năm, TP xây dựng mới khoảng 8 triệu m2 nhà ở, phấn đấu đến năm 2015 đạt 17m2/người, đáp ứng nhu cầu cải thiện chỗ ở, thực hiện tốt chính sách an sinh – xã hội về nhà cho cư dân TP, từng bước xây dựng đô thị khang trang, hiện đại. Trong kế hoạch cũng nêu việc tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chương trình nhà ở xã hội, dự báo trong giai đoạn 2011-2015 có khoảng 22.200 người làm việc trong khu vực quản lý Nhà nước, lực lượng vũ trang có nhu cầu về nhà ở xã hội. Để đáp ứng nhu cầu đó dự kiến có 26 dự án hoàn thành với tổng diện tích sàn là 1.494.129m2 (tương đương với 22.412 căn hộ).
Ngoài ra TP cũng tập trung xây dựng các CC mới thay thế CC hư hỏng; cũng như xây dựng các nhà ở phục vụ công tác định cư và giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch.
Chắc chắn rằng đội ngũ giáo viên TP cũng là một đối tượng ưu tiên được tham gia chương trình nhà ở xã hội cũng như các chương trình về nhà ở khác của TP”.
|
Bình luận (0)